Viêm mũi, viêm xoang- khi nào phải dùng đến kháng sinh?

PGS TS BS Phạm Thị Bích Đào BV ĐH Y Hà Nội | 11/01/2024, 09:27

Liệu không uống kháng sinh có được không?”- đó là câu hỏi mà bác sĩ chúng tôi thường nhận được khi chỉ định dùng kháng sinh cho người bệnh, nhất là những người có thai, đang cho con bú hoặc cha mẹ các bệnh nhi đưa con đi khám khi con mình bị viêm mũi, chảy nước mũi

Vậy không uống kháng sinh được không? Do đâu mà bác sĩ lại kê kháng sinh? Kháng sinh liệu có đáng ngại đến mức khiến người ta phải “hoảng sợ” khi dùng hay không?

Vai trò của kháng sinh là không bàn cãi!

Ai cũng biết rằng từ khi phát hiện ra kháng sinh, chúng ta đã cứu sống được rất nhiều người bị nhiễm trùng (nhiễm khuẩn). Thời trước, trong chiến tranh, để kiếm được một lọ kháng sinh điều trị là vô cùng khó khăn, nhiều khi còn “đắt hơn vàng”. Trong bệnh viện, hiếm các ca mổ hoặc các ca nhiễm khuẩn hồi phục được mà không có kháng sinh. Như vậy, phải khẳng định vai trò của kháng sinh là không bàn cãi!

Tại sao lại "sợ" kháng sinh?

Qua thực tế lâm sàng hành nghề chúng tôi nhận thấy bản thân người bệnh, người bệnh có thai, cho con bú hoặc cha mẹ bệnh nhi thường nghe hoặc đọc những thông tin về sự kháng kháng sinh của vi khuẩn do sử dụng không hợp lý, thông tin về những tác hại của kháng sinh cho người sử dụng (ảnh hưởng tới phát triển thể chất, ảnh hưởng tới các cơ quan như gan, thận …). Và thế là người ta có tâm lý sợ kháng sinh, hoặc cố gắng để không sử dụng kháng sinh cho con mình cho tới khi bệnh trở nặng. Một số khác lại sử dụng một vài liều, sau đó nghe ngóng thấy các biểu hiện bệnh thuyên giảm là dừng hoặc cứ tính sử dụng từ 5 đến 7 ngày rồi lại dừng lại mặc dù bệnh vẫn nặng. Và bệnh cứ thế loay hoay, xoay sở mà mãi không thấy biến chuyển. Người ta sốt ruột, đổi nơi khám, đi hết các cơ sở y tế có tiếng mà vẫn không khỏi bệnh, thậm chí nặng lên. Như vậy là “sợ” kháng sinh nhưng chưa rõ cần phải làm gì!

Vậy khi nào bác sĩ kê kháng sinh khi viêm mũi, viêm xoang?

Khi khám, bác sĩ thấy các biểu hiện nhiễm khuẩn rõ ràng, có thể viêm cấp hoặc mãn tính vì thế chúng ta hay thấy các biểu hiện sau: sốt (có thể có hoặc không), có dịch tiết nhiễm khuẩn dịch màu xanh, vàng, nâu bẩn… Vùng viêm nhiễm có hiện tượng sung huyết, nóng, đau.

Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh.

Thời gian sử dụng kháng sinh

Khi đã quyết định cần phải sử dụng kháng sinh, việc sử dụng thuốc cần phải dứt khoát:  đúng liều ngay từ đầu và kéo dài cho tới khi tình trạng nhiễm khuẩn hết hẳn: hết sốt, hết các dịch tiết nhiễm khuẩn, hết hẳn tình trạng sưng, nóng, đau.

Sau đó có thể duy trì thêm các thuốc ngoài kháng sinh như chống viêm, tiêu dịch, hồi phục niêm mạc… cho đến khi khỏi hẳn bệnh.

Cần tuyệt đối tuân thủ đơn và hướng dẫn điều trị của bác sĩ- đó là cách để tình trạng viêm nhiễm dứt điểm. Tuy nhiên cần lưu ý rằng tình trạng viêm nhiễm của mũi họng có thể tái phát do bệnh nhân bị tái nhiễm từ môi trường bên ngoài. Do đó mỗi lần viêm nhiễm, người bệnh cần đi khám và điều trị sớm để bệnh không trở thành mãn tính hoặc những bệnh mãn tính không gây ra các biến chứng nguy hiểm: nhiễm trùng mũi họng do liên cầu gây biến chứng tim, thận và khớp, biến chứng mắt, gây tổn thương thị lực, giãn phế nang không hồi phục… Viêm mũi xoang không điều trị dứt điểm, viêm amidan nhiễm khuẩn gây áp xe quanh amidan, áp xe thành sau họng…

Nếu có gì băn khoăn, các bạn hãy tin tưởng và trao quyết định điều trị cho bác sĩ trực tiếp khám cho bạn. Nên trao đổi với bác sĩ, hỏi chi tiết những gì bạn còn chưa hiểu rõ để thực hiện đúng theo phác đồ điều trị.

Bài liên quan
5 vị thuốc tự nhiên giúp giảm triệu chứng viêm xoang hiệu quả ít người biết
VOVLIVE - Viêm xoang là một bệnh lý phổ biến, gây nhiều phiền toái và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện và kiểm soát các triệu chứng viêm xoang.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Đài Tiếng nói Việt Nam ký Thỏa thuận hợp tác với Đài Phát thanh Truyền hình Quốc gia Belarus
VOVLIVE - Ngày 12/05/2025, tại Thủ đô Minsk, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Belarus của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, Đài Tiếng nói Việt Nam ký kết Thỏa thuận hợp tác với Đài Phát thanh Truyền hình Quốc gia Belarus.
Mới nhất