Vì sao Bình Dương được lựa chọn tổng kết mô hình 40 năm công cuộc đổi mới?

Thiên Lý/VOV-TP.HCM | 13/12/2023, 22:26

Bình Dương được đánh giá là một trong những cực tăng trưởng, trung tâm đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo của vùng Đông Nam bộ, vùng động lực trong tứ giác phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chính vì vậy, địa phương được lựa chọn tổng kết mô hình 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới.

Hơn 25 năm qua kể từ ngày tái lập tỉnh, Bình Dương đạt được những thành tựu toàn diện và nổi bật, vươn lên trở thành một trong những tỉnh năng động, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội.

Bình Dương đã đi trước, đón đầu

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước. Năm 2023, quy mô GRDP của Bình Dương tăng hơn 117 lần so với năm 1997, hiện là một trong những địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Từ năm 2017, Bình Dương được công nhận là tỉnh đầu tiên trong cả nước không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương và hiện là địa phương có tốc độ đô thị hoá nhanh thứ hai cả nước, với tỷ lệ đạt tới 84%.

Bình Dương cũng trở thành một tỉnh công nghiệp, thu nhập trung bình cao, đi trước 10 năm trong hoàn thành mục tiêu phát triển đặt ra cho cả nước vào năm 2030 và có tiền đề vững chắc để trở thành tỉnh phát triển hiện đại, thu nhập cao trước năm 2045. Đây là địa phương đầu tiên trong cả nước được Tổ chức Cộng đồng Thông minh thế giới (ICF) vinh danh TOP 1 – Cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng, thành công của Bình Dương nhờ sự nhất trí, đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cùng dốc sức. Tuy nhiên, trước thành tựu đó, lãnh đạo tỉnh Bình Dương không nên chủ quan mà coi đó là niềm khích lệ, động viên để đạt mục đích xa hơn.

“Tôi mong rằng, các đồng chí luôn luôn thấy rằng mình còn nhiều yếu kém, còn nhiều tồn tại phải giải quyết, nhiệm vụ còn nặng nề. Đặc biệt là thấy mình còn nhiều yếu kém, thậm chí là khuyết điểm, cho nên phải luôn tìm cái mới hơn, yếu kém để chúng ta khắc phục, bên cạnh đó phát huy thành tích, tiến bộ đạt được. Cộng hai vấn đề này Bình Dương sẽ phát triển”, ông Nguyễn Minh Triết nêu quan điểm.

GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, đánh giá cao cách làm của Bình Dương khi sớm thực hiện chủ trương “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”, “trải thảm đỏ mời gọi nhân tài”. Bình Dương cũng đã mạnh dạn đổi mới để “biến” mảnh đất khô cằn thành địa phương phát triển thông qua việc mở ra các mô hình công nghiệp – đô thị - dịch vụ VSIP, đó là kết hợp giữa doanh nghiệp nhà nước Becamex IDC và Tập đoàn Sembcorp Industries của Singapore. Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, mô hình này đã lan rộng ra các tỉnh, thành và xây dựng được thương hiệu riêng, mang tính sự kết hợp giữa sự chỉ đạo của tỉnh và sự vào cuộc của doanh nghiệp.

“Rất nhiều người nói có Bình Dương là có Becamex và ngược lại. Đó là cách nói công bằng thôi vì ở những địa phương khác, doanh nghiệp Nhà nước ít phát huy được, thậm chí tan rã nhưng riêng ở đây thì Becamex phát triển được. Tất cả những chuyện này là cách nghĩ, cách làm, đặc biệt là cách làm của cán bộ. Theo tôi mô hình của Bình Dương rất phù hợp với câu nói "cán bộ nào, phong trào ấy", ông Tạ Ngọc Tấn nhận xét.

Nhìn nhận thách thức để có bước phát triển

Mặc dù Bình Dương đã gặt hái nhiều thành công và được coi là hình mẫu của cả nước trong công cuộc đổi mới, tuy nhiên các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho rằng, tỉnh cần xem xét, nghiên cứu những vấn đề để có những định hướng, mục tiêu tiếp tục đưa Bình Dương đạt kết quả vượt bậc hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo.

Trong đó, một số khó khăn mà tỉnh phải đối mặt là “bẫy năng suất” và “bẫy thu nhập trung bình” trong giai đoạn hậu phát triển công nghiệp.

Theo các chuyên gia, giai đoạn này, Bình Dương sẽ khó khăn hơn rất nhiều, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm lớn hơn trước, bởi "hái quả ngọt trên cành cao sẽ khó khăn hơn rất nhiều ở dưới thấp", chưa kể bối cảnh phát triển của thế giới, khu vực và trong nước đang đứng trước nhiều thách thức. 

Tiến sĩ Trần Du lịch cho rằng, Bình Dương nên tận dụng Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và quy hoạch vùng để đưa vào quy hoạch tỉnh, trong đó chú trọng đầu tư kết nối hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường sắt. Việc chuyển đổi một số khu vực từ công nghiệp sang thương mại dịch vụ là hướng đi đúng để chuyển mình nhưng cần nghiên cứu kỹ. 

Theo ông Trần Du Lịch, Bình Dương nên tận dụng lợi thế ven ven sông Sài Gòn để xây dựng, phát triển đô thị. 

“Nếu cùng TP.HCM làm được đường ven sông từ TP.HCM lên đến Thủ Dầu Một, một đô thị, chuỗi đô thị ven sông cực kỳ đẹp trong tương lai, đó là điểm đột phá cho du lịch, cho phát triển, sẽ làm cho Bình Dương trở thành "viên ngọc". Nếu làm được như vậy, Bình Dương sẽ tăng tốc phát triển giai đoạn 2026-2035 và thoát bẫy thu nhập trung bình vào năm 2035", Tiến sĩ Trần Du Lịch gợi ý.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Quốc gia cho rằng, mô hình phát triển của Bình Dương có thể trở thành hình mẫu cho các địa phương khác tham khảo, vận dụng. 

Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển, thời gian tới cần có những điều chỉnh phù hợp về nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực. Hiện nay, Bình Dương đã thuận lợi về giao thông nhưng phải tính đến phương án quy hoạch thêm hạ tầng kết nối với Sân bay Long Thành, Cảng Cái Mép-Thị Vải và hướng kết nối Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Xuân Thắng phân tích: “Quy hoạch không gian phát triển các quỹ đất thì cũng liệu chừng vì nhu cầu thu hút đầu tư mà phá vỡ quy hoạch. Nếu không chuẩn bị nguồn nhân lực, một đội ngũ quản trị tốt thì chắc chắn đây sẽ là thách thức rất lớn. Nói chuyển đổi số, công nghệ số, công nghệ AI nhưng dựa vào đội ngũ lao động như hiện tại là không thực tế, không khả thi”.

Tại Hội thảo khoa học "Mô hình phát triển của tỉnh Bình Dương trong công cuộc đổi mới đất nước" do Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức sáng 13/12, các nhà khoa học, nhà quản lý đề nghị Bình Dương cần chia sẻ những kinh nghiệm đặc sắc và thực tiễn phát triển phong phú của mình phục vụ cho việc tổng kết 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; góp phần chuẩn bị một bước cho việc xây dựng dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Bài liên quan
Tỷ lệ sinh ở Mỹ xuống mức thấp nhất trong 45 năm
Trung tâm Thống kê Y tế quốc gia Mỹ (NCHS) cho biết, số ca sinh tại nước này đã giảm từ 3.667.758 ca vào năm 2022 xuống còn 3.591.328 vào năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất