Vang mãi bài ca về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc

Hạnh Lê/VOV.VN | 17/02/2022, 06:00

Năm tháng chiến tranh đã qua đi nhưng những giai điệu về một giai đoạn lịch sử khốc liệt nhưng đầy hào hùng của dân tộc sẽ vẫn còn vang mãi.

Tháng 2/1979, tiếng súng của quân xâm lược Trung Quốc nổ ra ở biên giới phía Bắc, dân tộc Việt Nam lại tiếp tục bước vào một cuộc chiến đấu mới, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, gìn giữ nền độc lập, tự do. Âm nhạc lại phát huy sức mạnh lớn lao của mình bằng những giai điệu hào sảng, tha thiết, thúc giục người người cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. 

Là tác giả của những ca khúc mang tính thời sự, gắn với nhiều dấu mốc lịch sử của dân tộc, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác ca khúc "Chiến đấu vì độc lập, tự do" ngay trong đêm 17/2/1979 sau khi nghe tin Trung Quốc phát động chiến tranh ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Ca khúc đã mở đầu cho hàng loạt các bài ca xúc động viết về cuộc chiến bảo vệ biên giới Tổ quốc năm 1979.

"Khi nghĩ về đất nước vừa trải qua bao nhiêu vết thương, lại phải gồng mình trước cuộc chiến tranh mới, lòng tôi trào dâng những cảm xúc khó tả, thôi thúc tôi đặt bút viết bài hát “Chiến đấu vì độc lập, tự do” với tinh thần khái quát mục đích của cuộc chiến tranh cùng mong muốn như là tiếng chuông cảnh tỉnh, báo cho mọi người biết về cuộc chiến tranh và hãy đứng lên bảo vệ biên cương Tổ quốc: “Việt Nam! Ôi nước Việt yêu thương! Lịch sử đã trao cho người một sứ mạng thiêng liêng. Mang trên mình còn lắm vết thương. Người vẫn hiên ngang ra chiến trường. Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người. Độc lập - Tự do!", nhạc sĩ Phạm Tuyên xúc động chia sẻ khi nhớ lại những tháng ngày khốc liệt đó. 

Ngày 20/2/1979, ca khúc đã được dàn hợp xướng của Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh và đưa lên sóng. Ngày 9/3/1979 "Chiến đấu vì độc lập, tự do" được đăng trên báo Nhân dân. Ca khúc được đoàn Quân nhạc biểu diễn vào tháng 4 năm đó, được dạy trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào tháng 5 và nhanh chóng phổ biến khắp cả nước.

Bên cạnh ca khúc “Chiến đấu vì độc lập, tự do”, nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng đã có những sáng tác song hành với dòng chảy lịch sử, bám sát kịp thời hơi thở thời đại, kêu gọi toàn dân tộc tiếp tục cuộc trường chinh vệ quốc. Đó là các ca khúc “Chúng tôi là đồng đội của Lê Đinh Chinh” (Lê Đinh Chinh là liệt sĩ đầu tiên ngã xuống trên biên giới phía Bắc); “Quyết đánh tan quân xâm lược”; “Tiếng đàn bên bờ sông biên giới”; “Có một đóa Hồng Chiêm”(về nữ liệt sĩ Hồng Chiêm); “Tiễn thầy giáo đi bộ đội”  (từ chuyện có thật về thầy giáo rời bục giảng để cầm súng)…

"Nghĩ lại cả cuộc đời mình, chưa có một cuộc chiến tranh nào mà tôi viết nhiều bài hát như cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979. Lúc đó, nghĩ đến biết bao chiến sĩ, người dân đã ngã xuống, hy sinh, lòng tôi không thể nào yên. Toàn bộ tâm trí và trái tim tôi lúc nào cũng như muốn vang lên hành khúc gấp gáp, động viên, cổ vũ tinh thần cho chiến sĩ, đồng bào của tôi nơi tiền tuyến...", nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ. 

Cùng thể loại hùng ca với "Chiến đấu vì độc lập tự do" là còn có ca khúc "Lời tạm biệt lúc lên đường của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối, hay "Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận" của nhạc sĩ Hồng Đăng. Những ca từ ngắn gọn, súc tích, hừng hực khí thế lên đường chiến đấu của một thế hệ. “Một dải non sông tha thiết yêu thương/ Một tiếng nói chung chỉ một con đường/ Lịch sử gọi ta xông lên phía trước/ Sẽ viết trọn bài ca anh hùng cứu nước."

Vào đúng mùa xuân 1979, nhạc sĩ Trần Tiến đã viết ca khúc "Những đôi mắt mang hình viên đạn" ngay sau khi vừa tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc và Sáng tác của Nhạc viện Hà Nội. Đây là ca khúc đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Trần Tiến. Sự ly tán, hậu quả của chiến tranh được khắc họa bằng hình ảnh đôi mắt xuyên suốt: “ Đoàn quân lặng im, ngược dòng người đi, một đôi mắt bao lần tiễn biệt, một đôi mắt bao lần ước hẹn, một đôi mắt sáng lên, cháy lên muôn vàn ánh lửa. Kìa đôi mắt quê hương trông theo đoàn quân”. 

Xúc động trước tấm gương hy sinh của các chiến sĩ biên phòng Quảng Ninh và nữ mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm, nhạc sĩ Thế Song đã viết ca khúc "Bài ca trên đỉnh Pò Hèn" vào năm 1979.

Chứng kiến miền đất quê hương Bát Xát - Lào Cai bị tàn phá bởi chiến tranh gian khổ và ác liệt, thầy giáo Lò Ngân Sủn đã viết nên bài thơ "Chiều biên giới". Bài thơ được đăng trên báo Nhân Dân, từ đó nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc: "Chiều biên giới em ơi! Có nơi nào xanh hơn. Như chồi xanh cỏ biếc. Như rừng cây của lá. Như tình yêu đôi ta...". Sáng tác của nhạc sĩ Trần Chung là màu sắc âm nhạc hoàn toàn khác khi thể hiện nét lãng mạn trong không khí chiến trận căng thẳng ở biên giới phía Bắc.

Khi chiến tranh biên giới 1979 nổ ra, nhạc sĩ Trương Quý Hải mới 15 tuổi, đang học lớp 8, nhưng anh và bạn bè cùng trang lứa đã sục sôi khí thế xin nhập ngũ dù chưa đủ tuổi. Tháng 9/1982, Trương Quý Hải cất giấy gọi đại học, lên đường nhập ngũ. Tháng 5/1984, đơn vị anh được lệnh hành quân lên mặt trận Vị Xuyên.

Sau trận đánh cao điểm 772 ngày 12/7/1984, chính sự khốc liệt của chiến tranh đã vĩnh viễn thay đổi cuộc đời và sự nghiệp của Trương Quý Hải sau này. Ca khúc “Thư về với mẹ” được Trương Quý Hải sáng tác sau một lần chôn cất đồng đội và tình cờ phát hiện một lá thư viết trên vỏ bao thuốc lá Sa Pa ướt đẫm, màu mực Cửu Long và máu nhòe vào nhau, chỉ còn 3 chữ “Mẹ kính yêu”. 

“Lúc ấy, tôi sực nhớ tới mẹ của mình và nghĩ về mẹ của đồng đội, rằng ít nhất mẹ mình còn có thể gặp lại mình nhưng mẹ của đồng đội thì vĩnh viễn không bao giờ gặp lại con nữa” – Trương Quý Hải xúc động nhớ lại. Đêm đó, nằm giữa những nấm mộ mới đắp cho anh em, Trương Quý Hải mông lung nghĩ về việc viết tiếp bức thư đó, viết cho mình và cho những đồng đội hy sinh.

Chiến tranh đã qua đi nhưng những năm tháng khốc liệt đó, hình ảnh những người đồng đội thân thương ngã xuống trước làn đạn địch vẫn không thể nào phai mờ trong tâm trí người nhạc sĩ. Nỗi rưng rưng nhớ về những người đồng đội vào sinh ra tử trên chiến trường Vị Xuyên (Hà Giang) đã thôi thúc Trương Quý Hải viết nên ca khúc đầy xúc động "Về đây đồng đội ơi". "Về đây đồng đội ơi/Người chiến sỹ sư đoàn/Hà Giang đã ngưng chiến trận/Về đây đồng đội ơi..." như một tiếng gọi thiết tha của người lính tới những người đồng đội đã mãi ra đi trong cuộc chiến đấu bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.

Sau khi hoàn thành bài hát "Về đây đồng đội ơi", nhạc sĩ viết tiếp ca khúc "Hát cho người còn sống" là lời bày tỏ niềm mong nhớ cha mẹ, người thân, dặn dò đồng đội còn may mắn trở về sống cuộc. Từ “Thư về với mẹ” ngày ấy đến “Hát cho người còn sống”, Trương Quý Hải như đã nói được thay cho đồng đội đã khuất của mình những nhắn nhủ cho hiện tại và tương lai.

“Đồng đội nói với tôi rằng, Hải ơi, anh em mình được sống đời mình bằng phần đời còn lại mà những anh em hy sinh đã trao tặng” – Trương Quý Hải chia sẻ. “Tôi và những người còn sống đều nghĩ rằng mình cũng chỉ đóng góp chút ít tuổi thanh xuân vào công cuộc bảo vệ tổ quốc thôi, còn chính những người hy sinh mới là những anh hùng, là linh hồn của đất Việt, xác họ trở thành thành lũy biên cương còn hồn họ trở thành hồn đất nước"./.

Bài liên quan
Gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên lên tiếng về bản biến thể 'Chú voi con ở Bản Đôn'
Con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết bài hát không ít lần bị làm sai lệch phần nhạc và phần lời; nhạc sĩ ủng hộ sự sáng tạo, làm mới nhưng không phải tuỳ tiện.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Bộ Y tế: Người từng tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca không nên lo lắng
Đại diện Bộ Y tế lên tiếng trước thông tin AstraZeneca thừa nhận vaccine COVID-19 của hãng có thể gây cục máu đông trong một số trường hợp.
Mới nhất