Đại thắng mùa xuân 1975 và những bài ca "xuất thần"

CTV Vân Trình/VOV-Miền Trung | 25/04/2024, 09:40

VOVLIVE - Đại thắng mùa xuân 1975 cách đây 49 năm đã truyền cảm hứng mãnh liệt cho các nhạc sĩ để sáng tác nên những bài ca có thể gọi là "xuất thần". Những bài ca đi cùng năm tháng ấy, đến lượt mình, lại góp phần tôn vinh tầm vóc và ý nghĩa to lớn của một trong những sự kiện trọng đại trong lịch sử dân tộc ta vào thế kỷ XX.

Sinh thời, nói về "lai lịch" của bài hát "Đất nước trọn niềm vui", nhạc sĩ Hoàng Hà cho hay: "Chỉ đến ngày 26/4/1975, tôi mới biết chiến dịch đánh thẳng vào Sài Gòn được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tôi rất xúc động, nghĩ: một khi chiến dịch đã được mang tên Bác thì không thể không chiến thắng và ngay trong đêm đó tôi viết "Đất nước trọn niềm vui" với những câu nghĩ về Bác: "Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông. Rạo rực thay hôm nay Bác vui với hội toàn dân...".

Viết xong, tôi với con trai cứ nghêu ngao hát mãi. Lúc đầu, tôi tính đưa Đài Phát thanh Giải Phóng (mỗi khi sáng tác "chi viện" cho đài này thì tôi ký tên Cẩm La). Thế nhưng, khi đưa cho nhạc sĩ Triều Dâng đọc thì anh ấy bảo: "Bài này phải ký tên Hoàng Hà" và quyết định hôm sau ghi âm ngay (Trung Kiên hát, Đỗ Dũng phối nhạc)". "Đất nước trọn niềm vui" được phát vào sáng 01/5/1975 trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Theo nhạc sĩ Hoàng Hà, thời điểm sáng tác ca khúc ấy chỉ có một ngày nhưng là kết tinh của cả một quá trình, một đời người. Khi viết, ông đang ở Hà Nội, mãi đến năm 1977 mới... lần đầu tiên nhìn thấy Sài Gòn!

Ra đời cùng thời điểm với "Đất nước trọn niềm vui", bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" của nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng nhanh chóng được công chúng hào hứng đón nhận. Lời bài hát như là tiếng lòng, là ước vọng bao nhiêu lâu mình mong ước, có không biết bao nhiêu người cảm động và khóc khi hát vang khúc ca này. “Cảm giác bài hát như có sẵn rồi, không phải là tôi thì sẽ là một nhạc sĩ khác của dân tộc viết ra nó."- Tác giả ca khúc tâm sự như vậy và cho biết thêm: Đầu tháng 4/1975, ông đang công tác ở Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam, được nhà báo Trần Lâm, Tổng Giám đốc Đài giao nhiệm vụ sáng tác một tác phẩm lớn để mừng ngày đất nước toàn thắng. Phạm Tuyên đã chuẩn bị và phác thảo một bản hợp xướng bốn chương gồm: Miền Bắc lũy thép, Miền Nam thành đồng, Tiến công và nổi dậy, Toàn thắng.

Nhưng cuối cùng, ông lại ngừng việc sáng tác bản hợp xướng trên vì cho rằng nếu đất nước giải phóng, người dân sẽ đổ ra đường chứ chẳng ai ở nhà mà nghe hợp xướng cả. Đột nhiên, vào đêm ngày 28/4/1975, sau khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin một phi công quân đội Sài Gòn (Nguyễn Thành Trung, sau này được phong tặng Anh hùng LLVTND) ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, chỉ chưa đầy hai tiếng đồng hồ, từ 21h30 đến 23h, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã viết xong bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" mà không phải sửa một chữ nào. "Khi viết xong ca khúc này, tôi cảm thấy như mình đã trả được một "món nợ tinh thần" mà tôi trăn trở suốt cả tháng ròng"- Nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ.

Đến trưa ngày 30/4, sau khi nghe tin miền Nam hoàn toàn được giải phóng, Tổng Giám đốc Trần Lâm cho gọi nhạc sĩ Phạm Tuyên lên để báo cáo về nhiệm vụ được giao từ trước. Ngay sau khi gặp ông Trần Lâm ở cầu thang cơ quan, vui mừng đến rơi nước mắt, Phạm Tuyên đã hát ngay bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" được sáng tác hai ngày trước đó. Ông Trần Lâm khen ngợi và đề nghị cho thu thanh ngay bài hát để phát trong bản tin thời sự đặc biệt ngay chiều hôm đó. Bài hát được phát đi phát lại hơn 40 lần trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Cứ sau một bản tin thông báo thắng trận tới nhân dân trong nước và bạn bè trên thế giới là bài hát lại vang lên hào hùng.

Ít ai ngờ, cố nhạc sĩ Xuân Hồng lại "thai nghén" bài hát "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh" trên đường hành quân từ rừng Lộc Ninh tiến về Sài Gòn. Lúc ấy, Xuân Hồng là Trưởng Ban Văn nghệ – Cục Chính trị Quân Giải phóng miền Nam. Khi những lời nhạc đầu tiên vang lên trong đầu, ông ký âm vội vã lên cánh tay mình, nhẩm hát, nhẩm thuộc và cứ thế bài hát dần hình thành. Điều thú vị là để nhớ nhiều đoạn, nhạc sĩ phải dùng lá trung quân khô (loại lá rừng ở miền Đông Nam bộ có đặc tính không cháy, giữ được lâu) để viết. 

Khi vào đến Sài Gòn, chứng kiến bao cảnh đoàn tụ xúc động, niềm vui vỡ òa “vui sao nước mắt lại trào”, những nốt nhạc cuối cùng của bài hát đã hoàn thành. Như một cuộc hẹn hò lịch sử, trong niềm hân hoan chào mừng Đại thắng mùa xuân năm 1975, bài hát "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh" vang lên vui tươi, rộn ràng đầy lòng tự hào, thân thiết: “Mùa xuân này về trên quê ta. Khắp đất trời biển rộng bao la .Cây xanh tươi ra lá trổ hoa. Chào mùa xuân lại đến mọi nhà. Thành phố Hồ Chí Minh quê ta. Đã viết nên thiên anh hùng ca, thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói. Lưu danh đến muôn đời”. 

Ca từ bài hát thể hiện sinh động nỗi niềm cảm xúc của tác giả khi được chiêm ngưỡng mùa xuân trong niềm vui Đại thắng, niềm kiêu hãnh của cả dân tộc Việt Nam sau bao năm phải sống trong khói lửa chiến tranh, chia cắt: "Ngày đi như trong đêm mơ, tuổi lớn rồi mà như ngây thơ..". Có thể nói, mọi mạch nguồn cảm xúc của Xuân Hồng đều được dồn nén cả vào bài hát, tạo cho "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh" một tình cảm đặc biệt, vừa gần gũi thân thương, vừa lắng đọng hồn người.

Cũng lấy chủ đề về thành phố Hồ Chí Minh trong mùa xuân lịch sử năm ấy, "Tiếng hát từ thành phố mang tên Bác" giản dị chỉ có 16 nhịp 4/4 được chia thành 2 đoạn, nhạc điệu chuyển động với nhịp độ vừa phải, trong trạng thái tình cảm dạt dào, ngợi ca, với giai điệu phảng phất chất dân ca Nam Bộ. Bài hát "Tiếng hát từ thành phố mang tên Bác" ra đời như  là "cơ duyên" giữa phóng viên Đăng Trung và nhạc sĩ Cao Việt Bách. Chuyện là, tháng 3/1975, sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Huế, Đà Nẵng…, bước chân của đoàn quân giải phóng rầm rập tiến về Sài Gòn. Một chiều, Tổng Biên tập báo Tiền phong gọi phóng viên Đăng Trung lên và bảo rằng thời cơ giành toàn thắng đã ở trước mắt, cần phải chuẩn bị một số báo đặc biệt đón chào ngày chiến thắng, hãy viết một bài về thành phố Sài Gòn. 

Sau nhiều ngày đi đến các thư viện của Hà Nội, cái tứ "Ai vô thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng" của Tố Hữu và sự kiện năm 1911, từ bến Nhà Rồng, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước, cứ vương vấn trong anh. Đăng Trung thức trắng đêm viết bài báo "Từ thành phố này, Người đã ra đi". Bài báo được in sau đó nhưng cái tít được sửa là "Cách đây 64 năm, từ Sài Gòn, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước". Anh rất vui khi cầm trên tay số báo có bài báo này giữa ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhưng cứ tiếc mãi cho cái tít "Từ thành phố này, Người đã ra đi...". 

Và ngay đêm đó, một đêm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, anh hì hục làm một bài thơ với cái tứ ấy. May mắn đến không ngờ, run rủi đến ngạc nhiên là cũng chính vào lúc bài thơ được hoàn thành thì nhạc sĩ Cao Việt Bách đến chơi. Hai người  bàn với nhau về thơ, về nhạc, về "sự kiện 30/4" mới xảy ra…Lúc chia tay bạn, Đăng Trung đưa Cao Việt Bách bản thảo bài thơ mới viết và dặn: "Phải có một cái gì về ngày trọng đại này ông ạ!". Không ngờ, hôm sau, không phụ lòng của bạn, Cao Việt Bách đem đến bản nhạc bài hát Tiếng hát từ thành phố mang tên Người hoàn chỉnh mà ông chỉ viết ra trong vẻn vẹn chừng hai mươi phút. Hai người bạn ôm chầm nhau hát vang: "Thành phố Hồ Chí Minh ngời ngời rực sáng tương lai, trong mỗi trái tim, trong mỗi ước mơ, trong mỗi cuộc đời ta luôn có Bác".

Mấy hôm sau, khi bài thơ của Đăng Trung còn chưa kịp in báo thì bài hát đã được vang lên trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Và, cứ mỗi dịp cả dân tộc ta kỷ niệm ngày 30/4/1975, bài hát như lời cổ vũ, động viên mọi người, mọi nhà "góp sức dựng xây non sông ta đàng hoàng, đất nước mạnh giàu. Thỏa lòng Bác mong. Nước non này ngàn năm vững bền".

Bài liên quan
Gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên lên tiếng về bản biến thể 'Chú voi con ở Bản Đôn'
Con gái nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết bài hát không ít lần bị làm sai lệch phần nhạc và phần lời; nhạc sĩ ủng hộ sự sáng tạo, làm mới nhưng không phải tuỳ tiện.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4
Sáng 4/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4. Phiên họp nhằm tập trung thảo luận về tình hình phát triển KTXH tháng 4 và 4 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 và thời gian tới cùng một số nội dung quan trọng khác như về giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Mới nhất