"Vaccine phòng dại thế hệ mới an toàn và hiệu quả gấp 10 lần vaccine cũ"

Phương Thảo/VOV2 | 16/03/2024, 09:40

Theo chuyên gia, vaccine này an toàn cho mọi đối tượng với hiệu quả phòng dại cao gấp 10 lần so với vaccine cũ. Không chỉ những người bị chó, mèo cắn, mèo cào mà những người bình thường cũng có thể tiêm dự phòng vaccine này giống như những vaccine phòng bệnh khác trong chương trình tiêm chủng.

Theo Văn phòng Khống chế và loại trừ bệnh dại Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, tình hình bệnh dại năm nay có chiều hướng gia tăng đột biến, trong đó Nghệ An và khu vực Tây Nguyên là điểm nóng về bệnh dại.

Phóng viên VOV2 đã có cuộc phỏng vấn TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hương – Trưởng Văn phòng Khống chế và loại trừ bệnh dại quốc gia.

PV: Thưa bà, chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm nay, cả nước đã có hơn 100.000 người phải điều trị dự phòng bệnh dại và 22 ca tử vong do dại. Con số này, so với các năm trước thì như thế nào và nó cảnh báo điều gì?

TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hương: Đến thời điểm hiện tại đã có 22 ca tử vong do bệnh dại, so với cùng kỳ năm 2023 thì mới chỉ có 10 ca, như vậy con số này đã tăng hơn gấp đôi. Và số người bị tai nạn do động vật cắn phải điều trị dự phòng bằng vaccine phòng dại đã lên đến hơn 100.000 người. Với 22 ca tử vong do bệnh dại này thì hiện tại đang là số người chết có tỷ lệ cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm. Và trong 10 năm trở lại đây, bệnh dại luôn có số ca tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễn (trừ 2 năm do dịch Covid-19). Đây là những con số đáng báo động về dịch bệnh dại trên động vật và trên người. Như vậy, chúng ta cần quan tâm hơn đến bệnh dại cũng như công tác tiêm phòng bệnh dại cho cả người và động vật.

PV: Với thực tế như hiện nay, Văn phòng Khống chế và loại trừ bệnh dại quốc gia đã triển khai những hoạt động gì để giảm số ca tử vong do dại trên cả nước, thưa bà?

TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hương: Từ cuối năm 2023, chúng tôi đã ghi nhận tình trạng báo động số lượng người bị động vật cắn so với năm 2022. Riêng trong năm 2023 đã có hơn 650.000 người phải điều trị dự phòng bệnh dại (tăng 45% so với năm 2022) và 82 người chết do bệnh dại (tăng 20% so với năm ngoái). Do vậy, từ cuối năm 2023 Chương trình quốc gia khống chế bệnh dại đã có công văn thông báo, cập nhật tình hình hàng tuần tới các trung tâm kiểm soát bệnh tật và sở y tế các địa phương để tăng cường công tác phòng chống bệnh dại, đảm bảo cung ứng đủ vaccine cho người khi bị chó mèo căn.

Đồng thời khi xảy ra các vụ dịch ở các địa phương chúng tôi sẽ phối kết hợp xử lý ổ dịch ngay lập tức. Ví dụ như vụ việc 14 người ở Quảng Ninh bị 1 con chó dại cắn thì ngay lập tức chúng tôi sẽ thông báo với y tế và thú y để xử lý kịp thời.

PV: Cùng với những biện pháp này, theo bà chính quyền các địa phương và người dân trong cộng đồng cần chung tay thực hiện những biện pháp nào để phòng chống bệnh dại, thưa BS?

TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hương: Với con số 650.000 người bị chó cắn năm ngoái, cho thấy việc quản lý đàn chó và tiêm vaccine phòng dại cho đàn chó là vô cùng cần thiết. Việc này rất cần sự vào cuộc của chính quyền các địa phương bởi vì một mình ngành thú y hay một mình ngành y tế không làm nổi. Nếu chúng ta nâng được tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó lên 70% thì như vậy chúng ta sẽ khống chế được dịch bệnh dại trên động vật và đương nhiên số người bị chó cắn mỗi năm cũng sẽ giảm xuống một cách đáng kể. Chúng ta sẽ đỡ đi rất nhiều cho chi phí tiêm phòng dại trên người cũng như các chi phí khác kèm theo.

Theo báo cáo của Cục Thú Y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó của năm cao nhất mới đạt 51%, trung bình chỉ đạt 35-40%. Đặc biệt trong đó có những tỉnh tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó rất thấp và có tỷ lệ tử vong ở người do bệnh dại rất cao như Nghệ An vào Gia Lai (tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó dưới 10%).

Một bài toán kinh tế có thể dễ dàng nhận ra, đó là trung bình một năm có khoảng 650.000 người phải tiêm vaccine phòng dại tốn khoảng 1.000 tỷ đồng, cộng thêm 1.000 tỷ đồng nữa cho các chi phí điều trị, phẫu thuật, nghỉ làm....Như vậy tổng chi phí cho riêng bệnh dại trong 1 năm mất khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong khi đó, với tổng đàn chó trên cả nước hiện có khoảng 10 triệu con, nếu tiêm phòng dại cho toàn bộ đàn chó thì chỉ mất 400 tỷ đồng. Như vậy, nếu chúng ta phòng chống bệnh dại trên đàn chó, mèo tốt sẽ mang lại lợi ích lớn hơn rất nhiều.

PV: Trong thực tế, vẫn còn hiện tượng người dân ngần ngại không đi tiêm vaccine vì cho rằng vaccine phòng dại sẽ ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh, BS có thể thông tin để quý vị thính giả hiểu đúng về loại vaccine này?

TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hương: Từ năm 2007, vaccine phòng bệnh dại cũ đã ngừng sản xuất tại nước ta và được thay thế bằng vaccine thế hệ mới nhập khẩu hoàn toàn từ Pháp và Ấn Độ. Điều đặc biệt, vaccine này an toàn cho mọi đối tượng với hiệu quả phòng dại cao gấp 10 lần so với vaccine cũ. Không chỉ những người bị chó, mèo cắn, mèo cào mà những người bình thường cũng có thể tiêm dự phòng vaccine này giống như những vaccine phòng bệnh khác trong chương trình tiêm chủng. Do đó, mọi người hoàn toàn có thể yên tâm đi tiêm phòng dại khi bị chó, mèo cắn.

PV: Mùa hè thường là đỉnh của dịch bệnh dại, BS có khuyến cáo gì cho người dân, đặc biệt những người nuôi chó mèo để dự phòng hiệu quả bệnh dại?

TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hương: Đối với người dân, nếu bạn là chủ vật nuôi hãy có trách nhiệm tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng bệnh dại cho chó mèo và không thả rông chó, mèo. Trong trường hợp, nếu bị chó mèo cắn thì phải rửa ngay vết thương bằng nước sạch và xà phòng. Sau đó, sử dụng cồn 70 độ để khử trùng, sát khuẩn. Nên rửa vết thương dưới vòi nước sạch chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút để sát trùng vết thương. Đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc những điểm tiêm vaccine gần nhất để tiêm phòng dại và huyết thanh kháng dại.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà.

Bài liên quan
Vụ 7 công nhân tử vong ở Yên Bái: Thủ tướng chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm vi phạm
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn lao động khiến 7 người chết ở Yên Bái, làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có).

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất