UN Women tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy bình đẳng giới

Nguyễn Thúy Hoa/VOV.VN | 10/10/2020, 06:48

Bà Elisa Fernandez, Trưởng văn phòng UN Women Việt Nam: Thực hành lựa chọn giới tính gây ra những tác động vô cùng có hại đối với sức khỏe tình dục và sinh sản, sức khỏe tâm thần và quyền của người phụ nữ.

PV: Thưa bà, sự mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam hiện ở mức nghiêm trọng(tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111,5 bé trai/100 bé gái, theo số liệu thống kê năm 2019). Là một tổ chức toàn cầu bảo vệ bình đẳng giới cho phụ nữ, UN Women Việt Nam nghĩ gì về tình trạng này?
Bà Elisa Fernandez: Bất bình đẳng giới và phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái hiện vẫn là một bất công lớn trên toàn cầu. Đến nay, chưa một quốc gia nào có thể tuyên bố đã đạt được bình đẳng giới.
Mất cân bằng giới tính khi sinh là kết quả của những định kiến và phân biệt giới tính còn tồn tại dai dẳng, làm giảm giá trị của phụ nữ và gây ra tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam lần đầu tiên được xác định vào năm 2004 và kể từ năm 2005, tình trạng mất cân bằng theo chiều hướng thừa nam thiếu nữ tăng nhanh và năm 2019 đã là 111,5 trẻ trai/100 trẻ gái, theo Tổng điều tra dân số năm 2019. Trong khi tỷ lệ bình thường về mặt sinh học là 105 bé trai/100 bé gái. Theo báo cáo Dân số Thế giới (World Population Report) năm 2020, ước tính có hàng năm thiếu hụt khoảng 40.800 trẻ em gái lẽ ra được chào đời.

Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao gây ra các vấn đề nghiêm trọng về nhân khẩu học, kinh tế - xã hội và chính trị của Việt Nam bao gồm sự gián đoạn nghiêm trọng trong hệ thống hôn nhân do thừa nam, thiếu nữ. Điều này gia tăng áp lực khiến nhiều phụ nữ phải kết hôn ở độ tuổi trẻ hơn, nhu cầu mại dâm tăng cao và các đường dây buôn bán phụ nữ cũng sẽ tăng… đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ bạo lực trên cơ sở giới. Thực hành lựa chọn giới tính gây ra những tác động vô cùng có hại đối với sức khỏe tình dục và sinh sản, sức khỏe tâm thần và quyền của người phụ nữ.
Mất cân bằng giới tính khi sinh còn phản ánh và củng cố tình trạng bất bình đẳng giới trong xã hội.
 

PV: Vậy theo UN Women, phải làm gì để giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới ở Việt Nam?

Bà Elisa Fernandez: Giải quyết bất bình đẳng giới ở Việt Nam đòi hỏi nhiều biện pháp can thiệp ở nhiều cấp, từ việc thông qua các luật mới và rà soát loại bỏ các điều khoản phân biệt đối xử ở các luật hiện hành, đến việc thiết kế các chính sách và chương trình và phân bổ các nguồn lực phù hợp để thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong mọi lĩnh vực của xã hội; từ trung ương đến địa phương và các cấp cơ sở.

Tuy nhiên, việc giải quyết các chuẩn mực xã hội đã tồn tại thâm căn cố đế lâu nay cũng như các định kiến giới gây mất cân bằng giới trong tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam, là điều tối quan trọng. Những định kiến này bắt nguồn từ văn hóa, tôn giáo và các quan niệm xã hội và do đó, khó có thể thay đổi trong thời gian ngắn.

Để thay đổi các định kiến này, chúng ta cần:
• Chỉ ra những hành vi phân biệt đối xử (đối với phụ nữ) nằm trong chuẩn mực văn hóa và xã hội đã tồn tại lâu bền; kêu gọi thay đổi thông qua các chiến dịch truyền thông hiệu quả và các can thiệp nhằm thay đổi hành vi. Cần thu hút sự tham gia của tất cả các cấp các ngành trong xã hội.
• Tăng cường ảnh hưởng của phụ nữ cả về mặt kinh tế cũng như xã hội, bao gồm quyền thừa kế và sở hữu tài sản, tài chính vi mô; được đào tạo về bình đẳng giới và biện pháp nâng cao vị thế, tạo môi trường an toàn; được hướng dẫn xây dựng các kỹ năng để tự tin về năng lực của bản thân, tính quyết đoán, khả năng thương lượng và sự tự tin.
• Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo và ra quyết định trong tất cả các lĩnh vực: cơ quan chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội.
• Đầu tư vào hệ thống bảo trợ xã hội, dịch vụ công và cơ sở hạ tầng bền vững để hỗ trợ tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh tế trong công việc của phụ nữ
• Chấm dứt mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái

Để tạo ra thay đổi bền vững, chúng ta cũng cần tính đến yếu tố giới khi phân bổ ngân sách Nhà nước, và tạo ra các cơ chế mới để thực hiện đồng bộ, với trách nhiệm giải trình, khung giám sát, đánh giá rõ ràng đối với Cam kết quốc gia về bình đẳng giới.

PV: UN Women có những hoạt động gì tại Việt Nam để thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt là để thay đổi các nhận thức của xã hội về bình đăng giới, thưa bà?
Bà Elisa Fernandez: UN Women sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân và Chính phủ Việt Nam thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới bằng cách tăng cường trao quyền về kinh tế cho phụ nữ, tăng cường tiếng nói và năng lực hành động của phụ nữ trong các hoạt động như chống biên đổi khí hậu, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, tăng cường hiểu biết pháp luật cho phụ nữ và làm cho bình đẳng giới trở thành một nội dung quan trọng trong khuôn khổ pháp lý, các chính sách và kế hoạch quốc gia.

Để tăng cường nhận thức của xã hội, chúng tôi đã tổ chức các chiến dịch truyền thông (như chiến dịch HeForShe, chiến dịch UNiTe can thiệp thay đổi hành vi với thanh thiếu niên, thanh niên, phụ nữ và nam giới để thúc đẩy các mối quan hệ và hành vi tôn trọng, bình đẳng và không bạo lực.

Chúng tôi đã tổ chức các cuộc thi hùng biện, thi sáng tác truyện tranh và truyện cổ tích mới nhằm thu hút và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ hành động chống lại những định kiến giới và những chuẩn mực tiêu cực đang cản trở sự phát triển của mọi giới và mọi cá nhân trong xã hội.

PV: Xin cảm ơn bà!./.

Bài liên quan
Việt Nam quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu, cam kết quốc tế về bình đẳng giới
VOVLIVE - Trong 30 năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn 2019-2024, Chính phủ Việt Nam đã quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu của Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và các cam kết quốc tế khác về bình đẳng giới, nổi bật là việc xây dựng và củng cố luật pháp, chính sách quốc gia nhằm đảm bảo bình đẳng giới.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Tìm được người tài để vận hành bộ máy
VOVLIVE - Người phát ngôn Bộ Nội vụ nhấn mạnh điểm quan trọng nhất khi tinh gọn bộ máy là tìm được người tài để vận hành bộ máy. Làm như vậy mới có được kết quả tích cực.
Mới nhất