Trong các ngày từ 19-21/11/2024, tại thủ đô Bangkok (Thái Lan), Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UN-ESCAP) và Cơ quan Phụ nữ LHQ (UN-Women) đồng tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng châu Á – Thái Bình Dương đánh giá 30 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh (BPFA), với sự tham dự của 1.200 đại biểu đến từ 51 quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà làm trưởng đoàn.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc và Thư ký điều hành của Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP) Armida Salsiah Alisjahbana nhấn mạnh, phụ nữ phải đi đầu hoặc đóng vai trò trung tâm trong các vấn đề lớn của tương lai như hành động ngăn biến đổi khí hậu hay thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số. Bà cho biết:
“Đây là những xu hướng lớn của thời đại chúng ta và nếu không tập trung vào bình đẳng giới, sẽ có nguy cơ làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng. Chúng ta phải cung cấp cho phụ nữ các công cụ, đào tạo và nguồn lực để lãnh đạo trong các lĩnh vực này nhằm đảm bảo họ không chỉ tham gia mà còn thúc đẩy các giải pháp cho ngày mai”.
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy ngày nay, nhiều bé gái trên khắp châu Á và Thái Bình Dương được đến trường hơn bao giờ hết. Tỷ lệ tử vong khi sinh ở các bà mẹ đã giảm 1/3 kể từ năm 2000, và phụ nữ được tiếp cận nhiều hơn với các vị trí lãnh đạo trong lĩnh vực chính trị, kinh doanh và tham gia vào các quá trình ra quyết định quan trọng. Bất chấp những thành tựu đạt được về bình đẳng giới trong những thập kỷ gần đây, tiến độ vẫn còn chậm và không đồng đều trên toàn khu vực.
Bộ trưởng Phát triển Xã hội và An ninh Con người Thái Lan, ông Varawut Silpa-archa khẳng định: “Tăng cường đầu tư, ý chí chính trị và giải quyết các cuộc tấn công ngày càng gia tăng nhằm vào bình đẳng giới và nhân quyền trên toàn thế giới là điều tối quan trọng. Đạt được bình đẳng giới đòi hỏi sự tham gia và cam kết tích cực của tất cả các bên liên quan, để cùng nhau gỡ bỏ các rào cản mang tính hệ thống và thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người”.
Đại diện đoàn đại biểu Việt Nam phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà khẳng định trong 30 năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn 2019-2024, Chính phủ Việt Nam đã quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu của Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và các cam kết quốc tế khác về bình đẳng giới, nổi bật là việc xây dựng và củng cố luật pháp, chính sách quốc gia nhằm đảm bảo bình đẳng giới.
Bà cho biết: “Việt Nam quyết tâm thực hiện các giải pháp đã nêu trong Báo cáo quốc gia 30 năm rà soát thực hiện Cương lĩnh và hướng tới hiện thực hóa Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau. Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác giữa Chính phủ và các bên liên quan, trong đó có các cơ quan của Liên hiệp quốc, nhằm tối đa hóa sự hỗ trợ về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ”.
Tại Hội nghị, Báo cáo khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đánh giá 30 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh (BPFA) nhấn mạnh những thách thức phía trước cũng như các chiến lược và giải pháp hướng tới tương lai trong 6 lĩnh vực chủ đề: giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực; chia sẻ thịnh vượng và việc làm tử tế; tự do khỏi bạo lực trên cơ sở giới; tham gia có ý nghĩa và hoạt động quản trị có tính đến yếu tố giới; xã hội hòa bình và công bằng; giới tính và môi trường.
Báo cáo cũng nhấn mạnh thêm 3 hành động then chốt nhằm củng cố nền tảng thúc đẩy tiến bộ về bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm chuyển đổi các chuẩn mực về giới; tăng cường thu thập và sử dụng dữ liệu về giới; và thúc đẩy đầu tư thông minh về giới cũng như các quan hệ đối tác liên ngành.