Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Trần Phương tên thật là Trần Bá Thế, sinh năm 1935, quê quán xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Mới 15 tuổi (1950), Trần Bá Thế (NSƯT Trần Phương) tham gia cách mạng, làm chiến sĩ trong ngành Quân báo thuộc Lực lượng võ trang miền Tây Nam bộ. Sau Hiệp định Geneve, người chiến sĩ trẻ Trần Bá Thế ấy cùng hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ cách mạng miền Tây Nam bộ lên tàu ở bờ Nam sông Ông Đốc (Cà Mau) đi tập kết ra Bắc, sau đó được bố trí làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).
Năm 1957, do yêu cầu bổ sung phát thanh viên giọng miền Nam để phục vụ cho việc sản xuất các chương trình phát thanh trên đài phát thanh quốc gia, Trần Bá Thế (NSƯT Trần Phương) cùng với Minh Đạo và một số giọng nữ như: Lan Hương, Kim Hoa, Kim Túy, Kiều Vân được chọn vào Tổ phát thanh viên thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau này, nhiều giọng đọc Nam Bộ trở thành phát thanh viên thế hệ vàng của Đài Tiếng nói Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong đó có giọng đọc huyền thoại Trần Phương.
Từ năm 1957 đến năm 1975, Trần Phương làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau năm 1975, Trần Phương về miền Nam công tác, được phân công làm việc tại Cơ quan Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Phát thanh viên Trần Phương được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Nghệ sĩ ưu tú năm 1993, cho đến nay, người làm nghề phát thanh viên Việt Nam được phong danh hiệu cao quý này cũng không nhiều.
Với nhiệm vụ là phát thanh viên, Trần Phương đã từng được Đài Tiếng nói Việt Nam cử đi làm nhiệm vụ dài hạn ở Liên Xô, Trung Quốc trước năm 1975. Năm 1993, NSƯT Trần Phương về hưu, được Đài Phát thanh và Truyền hình Thành phố Cần Thơ mời cộng tác, tiếp tục với nghề phát thanh viên trong chương trình “Quốc phòng toàn dân Quân khu 9” và “Đọc truyện đêm khuya” trên làn sóng phát thanh thuộc Đài Phát thanh và Truyền hình Thành phố Cần Thơ.
Trong suốt hàng chục năm gắn bó với nghề phát thanh viên, đưa tiếng nói của Đảng và Nhà nước đến với cộng đồng Quốc tế và trong nước, NSƯT Trần Phương từng tự hào kể lại nhiều lần vinh dự được thể hiện các bản tin thời sự, sự kiện quan trọng của đất nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, như: các bản tin về Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, bản tin thông báo về sức khỏe Chủ tịch Hồ Chí Minh và lễ quốc tang của Người, bản tin đặc biệt về Thông cáo Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng (30/4/1975), miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà. Với sự kiện trọng đại này, Trần Phương và đồng nghiệp ở Nam Bộ tập kết ra Bắc được đoàn tụ gia đình sau 20 dài cách xa biền biệt với nỗi nhớ thương da diết.
Với chất giọng “trời phú” cùng với kinh nghiệm của mình và bằng cảm xúc của người con miền Nam tập kết ra Bắc, khiến ông thể hiện thành công ở tất cả thể loại báo phát thanh, đặc biệt là những bài chính luận, chiến sự. Trong bài bình luận chiều 30/4/1975 trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam với tựa đề “Cả nước ôm hôn Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” của Đại tá, Nhà báo Châu Nham viết với thời lượng 7 phút. Tổng Giám đốc Trần Lâm là người trực tiếp giao và yêu cầu Trần Phương thể hiện “Bài này là giọng miền Nam, anh Trần Phương đọc đi”. Trần Phương kể lại, ngay sau khi nghe bài bình luận cả nước vui mừng reo hò mừng chiến thắng, kể cả trẻ con cũng vậy “Trẻ con ở Bà Triệu nó la giải phóng rồi, giải phóng miền Nam rồi. Tôi nói, nó không biết miền Nam ở đâu đâu nhưng nó biết giải phóng là ba nó sẽ được về. Nó khóc, cảm động là ở chỗ đó”.
Một điều may mắn, thú vị nhất của gia đình và bản thân NSƯT Trần Phương, đó là trong suốt 20 năm đi tập kết và làm việc ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa thân yêu, hàng vạn gia đình ở miền Nam ngày đêm ngóng trông tin tức của con em mình trên đất Bắc nhưng gia đình Trần Phương thì khác, hàng ngày họ vẫn đều đặn nghe giọng nói của “Anh Thế” (PTV Trần Phương) trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
Từ khi được về hưu sau hơn 60 năm làm cán bộ truyên truyền, phục vụ sự nghiệp cách mạng, NSƯT Trần Phương vừa làm phát thanh viên cho Đài Phát thanh và Truyền hình Thành phố Cần Thơ, vừa tiếp tục truyền dạy nhiều thế hệ phát thanh viên hoặc tham gia đào tạo, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp cho các thế hệ phát thanh viên tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực phía Nam.
Trong một lần về Kiên Giang vào khoảng năm 1994 theo lời mời của Ban Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang, NSƯT Trần Phương tận tình truyền dạy các phát thanh viên của Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang, trong đó nhiều học trò của ông trở thành phát thanh viên giỏi của Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang trước và sau những năm đầu thế kỷ XXI.
Trong dịp này, tôi may mắn được ngồi uống trà, trò chuyện với ông trong giờ giải lao, NSƯT Trần Phương chia sẻ “chất giọng là bẩm sinh, là trời phú cho mình, muốn cũng không được”. Ông cũng từng nói với học trò của mình “chất giọng tốt chỉ là một nữa, giọng “đẹp” (ý nói phát âm phái đúng, chuẩn) mới thể hiện tốt tác phẩm”.
Theo NSƯT Trần Phương, ngoài chất giọng tốt, chuẩn thì người phát thanh viên phải có trình độ học vấn cao, có vốn sống để hiểu bài, có cảm xúc thì mới thể hiện tác phẩm thành công, mới đi vào lòng người. Trao đổi kinh nghiệm làm nghề, NSƯT Trần Phương quan tâm truyền đạt, hướng dẫn cho phát thanh viên về kỹ năng phát âm, giữ hơi, nhã chữ…để mang đến công chúng tình cảm của nhân vật trong tác phẩm báo chí, cho dù đó là bài báo chính luận hay văn học nghệ thuật cũng vậy.
Hơn 70 năm làm báo chuyên nghiệp với nghề phát thanh viên, NSƯT Trần Phương luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ tập kết và học sinh miền nam trên đất Bắc, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sĩ miền Nam suốt 20 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mang giọng nói của mình thể hiện thành công các tác phẩm báo chí trên làn sóng phát thanh quốc gia đến với công chúng. Sau khi về hưu, NSƯT Trần Phương tiếp tục cống hiến sức lực của mình trong việc tham gia truyền dạy cho các thế hệ phát thanh viên sau này ở các tỉnh miền Nam. NSƯT Trần Phương từ trần lúc 7 giờ 5 phút, ngày 22/11/2024 tại Thành phố Cần Thơ, hưởng thọ 89 tuổi.