Sáng 11/3 giờ địa phương, tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở Niu Óoc, Hoa Kỳ, đã diễn ra lễ khai mạc Khóa họp lần thứ 68 Ủy ban Địa vị phụ nữ (CSW68) của Hội đồng kinh tế, xã hội Liên Hợp Quốc (ECOSOC) với chủ đề: “Đẩy nhanh thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em, thông qua xoá đói, giảm nghèo, tăng cường thể chế và cung cấp tài chính có tính tới khía cạnh giới”. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Khoá họp.
Tham dự Khoá họp có Tổng thống Thụy Sỹ, Thủ tướng Latvia, các Phó Tổng thống Iran và Guatemala, Phó Thủ tướng Eswatini, hơn 100 Bộ trưởng, cùng hơn 15.000 đại biểu từ các nước thành viên Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ.
Phát biểu tại Khoá họp, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định phụ nữ ngày nay là một lực lượng không thể thiếu trong mọi tiến trình ở mọi cấp độ về hoà bình, an ninh, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững. Phó Chủ tịch nước cho rằng cần tập trung giúp phụ nữ vươn lên phát huy hết khả năng của mình để tham gia vào các hoạt động của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội và đẩy mạnh hơn nữa sự tham gia của phụ nữ trong các cơ chế ra quyết định về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, đặc biệt là về kinh tế, nhằm hỗ trợ mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm sinh kế thông qua khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Phó Chủ tịch nước cũng đề cao việc trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, gắn với phòng, chống phân biệt đối xử và bạo lực trên không gian mạng, tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng môi trường quốc tế hoà bình, ổn định, phát triển bao trùm và bền vững, xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là ứng phó biến đổi khí hậu. Trưởng đoàn Việt Nam đề nghị các nước và Liên Hợp Quốc cần cùng nhau thúc đẩy quan hệ đối tác vì phát triển bền vững, hỗ trợ nguồn lực tài chính và tư vấn xây dựng thể chế, chính sách cho các nước đang phát triển và tăng cường sự hợp tác trực tiếp giữa các tổ chức, mạng lưới doanh nghiệp, chuyên gia và các điển hình nữ, tăng cường chia sẻ, lan toả, phát huy hiệu quả các thực tiễn tốt.
“Xuyên suốt dòng chảy của thời đại, phụ nữ luôn là sứ giả của hòa bình và bác ái, là lực lượng không thể thiếu, có ý nghĩa quyết định trong mọi tiến trình hòa bình, an ninh, tiến bộ xã hội và phát triển bền vững. Vì vậy, trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, những tiềm năng to lớn của phụ nữ cần được phát huy mạnh mẽ, hiện thực hóa bằng những cam kết và nguồn lực tương xứng. Trong tiến trình đó, Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy sự nghiệp bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, qua đó góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”, Phó Chủ tịch Võ Thị Ánh Xuân nói.
Phó Chủ tịch Võ Thị Ánh Xuân nêu bật một số thành tựu của Việt Nam trong công tác bình đẳng giới, trong đó có tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội chiếm 30,3%, tỉ lệ các tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 82,4%, tỉ lệ phụ nữ trong độ tuổi tham gia thị trường lao động là 70%, gần 30% doanh nghiệp có lãnh đạo là nữ. Phó Chủ tịch nước thông báo đến bạn bè quốc tế tháng 01/2024 vừa qua Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hoà bình và an ninh, góp phần thiết thực vào nỗ lực quốc tế thúc đẩy vấn đề này ở khu vực và trên thế giới. Phó Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với các nước và các đối tác vì bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, không bỏ ai lại phía sau.
Trong các phát biểu sau đó, nhiều nước đã hưởng ứng các đề xuất của Trưởng đoàn Việt Nam về việc tập trung nỗ lực hỗ trợ phụ nữ xoá đói, giảm nghèo, tăng cường tham gia vào các quá trình ra quyết định, tiếp cận khoa học, công nghệ và tham gia xây dựng hoà bình.
Uỷ ban Địa vị phụ nữ, thành lập từ năm 1946, là một uỷ ban chức năng trực thuộc Hội đồng kinh tế-xã hội Liên Hợp Quốc với nhiệm vụ khuyến nghị cho Hội đồng các biện pháp nhằm thúc đẩy quyền của phụ nữ trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị và giáo dục, cũng như theo dõi và kiểm điểm tiến trình thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995, kết quả Phiên họp đặc biệt lần thứ 23 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) năm 2000; đồng thời tư vấn chính sách, đóng góp vào tiến trình thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững cũng như các vấn đề mới nổi ảnh hưởng đến bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Kết quả và khuyến nghị của mỗi khóa họp được báo cáo lên ECOSOC.
Khóa họp CSW68 có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về nâng cao quyền năng cho phụ nữ, thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là Mục tiêu 5 về đạt bình đẳng giới vào năm 2030.
Việt Nam đặc biệt coi trọng bảo đảm bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ và đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực này. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua, là một trong những nước hoàn thành sớm Mục tiêu Thiên niên kỷ thứ 3 (MDG 3) về bình đẳng giới và đang nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), trong đó có các Mục tiêu số 5 và 10 về xóa bỏ bất bình đẳng, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.