Theo đó, Việt Nam sẽ là một trong số quốc gia được ưu tiên xem xét các chuyến bay thẳng, bỏ yêu cầu cung cấp kết quả xét nghiệm PCR trước 48 giờ, du khách nhập cảnh chỉ cần cung cấp kết quả xét nghiệm nhanh hoặc tổ chức xét nghiệm xác suất 2%.
Nhận xét về thông tin này, ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty du lịch lữ hành Fiditour, cho biết, đây là một tín hiệu tốt với các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam nói chung và doanh nghiệp có thế mạnh khai thác thị trường khách Trung Quốc nói riêng. Trung Quốc là thị trường hướng ngoại (outbound) lớn nhất thế giới, ngoài ra, chi tiêu cho du lịch của khách Trung Quốc cũng ở mức cao. Vì thế, đây luôn là thị trường nguồn quan trọng đối với mọi quốc gia điểm đến, trong đó có Việt Nam.
“Khi khách đoàn Trung Quốc sang Việt Nam, hoạt động du lịch, lữ hành cùng các dịch vụ khác như khách sạn, nhà hàng, bán đồ lưu niệm, vận tải...chắc chắn sẽ khởi sắc. Chưa kể doanh thu vé máy bay, lệ phí sân bay, bán hàng cho khách du lịch Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng nông sản của Việt Nam cũng sẽ có cơ hội phát triển. Hiện do lượng du khách quốc tế vào Việt Nam vẫn hạn chế nên những ngành nghề này còn khá trầm lắng”, ông Dũng nói.
Đại diện một doanh nghiệp ở Đà Nẵng khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam rất mong chờ đón khách Trung Quốc. Họ đã sẵn sàng về cả nhân lực và dịch vụ.
Thậm chí, theo vị này, việc Trung Quốc mở cửa cho tour khách đoàn vào Việt Nam từ 15/3 còn là cơ hội "vàng" để ngành du lịch trong nước đạt được mục tiêu đón 8 triệu khách ngoại trong năm 2023. Trước đó, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự e ngại mục tiêu này không đạt được khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn rất hạn chế, do khách đoàn Trung Quốc chưa sang.
Theo số liệu của Tổng Cục Du lịch, Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách lớn nhất với hơn 5,8 triệu lượt khách vào năm 2019, chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Giai đoạn 2015 - 2019, lượng khách Trung Quốc tăng 3,3 lần từ 1,78 triệu lượt lên 5,8 triệu lượt. Tỷ trọng khách Trung Quốc trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng tăng dần, từ 23% vào năm 2015 lên 32% vào năm 2019.
Cũng theo kết quả điều tra khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019 của Tổng Cục Du lịch, khách Trung Quốc chi tiêu trung bình 1.022 USD cho 1 chuyến đi, cao hơn một số thị trường gần như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á. Với mức chi tiêu này, nguồn thu từ khách Trung Quốc năm 2019 đạt khoảng 5,9 tỷ USD, chiếm 18% tổng thu từ khách du lịch của Việt Nam.
"Những con số này chứng tỏ tầm quan trọng của khách Trung Quốc đối với thị trường du lịch Việt Nam. Vì thế, thông tin Trung Quốc sẽ tổ chức tour tới Việt Nam mang ý nghĩa tích cực, thúc đẩy rất lớn", vị lãnh đạo doanh nghiệp nói.
Ở góc độ xa hơn, vị này còn cho rằng, lượng khách Trung Quốc nếu tăng nhanh chóng sẽ sớm thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển, khi mà có địa điểm vốn được du khách Trung Quốc rất ưa chuộng như tại Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng...
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty du lịch Image Travel & Event, nêu ý kiến: Việc những đoàn khách Trung Quốc đến Việt Nam sẽ có tác động lớn đến doanh nghiệp lữ hành trong nước và những điểm đến truyền thống của khách Trung Quốc là Nha Trang, Hạ Long...sẽ "khỏe" lại, với đủ loại dịch vụ đi kèm.
Đồng tình với những ý kiến trên, bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist nhận định, việc Trung Quốc mở cửa cho tour khách đoàn vào Việt Nam là một tính hiệu tốt đẹp, vì lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam thường rất đông. Hiện các doanh nghiệp đã sẵn sàng, chuẩn bị đủ phương án đón và phục vụ các đoàn khách lớn của Trung Quốc.
Tuy nhiên, bà Trà cũng cho rằng, doanh nghiệp trong nước cũng không nên vì quá nôn nóng, vì lợi ích trước mắt mà đón khách không có chọn lọc. Theo đó, cần phải lựa chọn đoàn khách phù hợp với khả năng, tiêu chí kinh doanh của mình để phục vụ khách tốt nhất, nhằm nâng cao uy tín của doanh nghiệp nói riêng và uy tín của ngành du lịch Việt Nam nói chung.
“Riêng doanh nghiệp của chúng tôi sẽ chỉ đón khách đi đường biển, tàu biển 5 sao vào Việt Nam. Việc chuẩn bị cho các nguồn khách của doanh nghiệp đã sẵn sàng và sẽ ký kết khi du khách có nhu cầu và chờ đến thời điểm hai bên thống nhất về quan hệ ngoại giao. Lượng khách Trung Quốc của doanh nghiệp trong hai năm 2018 - 2019 chiếm khoảng 15% trong tổng lượng khách quốc tế”, bà Trà nói.
Tương tự, ông Trần Thế Dũng cũng khuyến cáo, bản thân doanh nghiệp cần có sự chọn lọc, không nên đón khách một cách ồ ạt, mất cân đối, dễ gây nên sự tắc nghẽn về điểm đến.
Ngoài ra, ông Dũng nhấn mạnh, không nên quá phụ thuộc, đặt trọng tâm vào chỉ một, hai thị trường, điều này sẽ gây nên sự thụ động, mất cân đối và dễ chịu ảnh hưởng lớn nếu thị trường đó có biến động. Thay vào đó, doanh nghiệp phải khai thác cân đối nguồn khách quốc tế từ các thị trường khác để phát triển ổn định, lâu dài.
Chiều 8/3, bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT&DL) đã có buổi tiếp, làm việc với ông Bành Thế Đoàn, Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Tham tán Bành Thế Đoàn thông báo về việc Chính phủ Trung Quốc quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt II từ 15/3/2023. Việt Nam sẽ là một trong số quốc gia được ưu tiên xem xét các chuyến bay thẳng, bỏ yêu cầu cung cấp kết quả xét nghiệm PCR trước 48 giờ, du khách nhập cảnh chỉ cần cung cấp kết quả xét nghiệm nhanh hoặc tổ chức xét nghiệm xác suất 2%.
Hồi cuối tháng 1/2023, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đã cho phép nối lại các tour du lịch theo nhóm ra nước ngoài tới 20 quốc gia được chọn từ ngày 6/2. Trong danh sách đợt 1 không có Việt Nam.