“Recall” hay trong tiếng Việt có nghĩa “Triệu hồi”, là một thuật ngữ vốn được biết đến rộng rãi và phổ biến tại nhiều thị trường lớn trên thế giới, điều này thể hiện sự văn minh, trách nhiệm và uy tín của mỗi nhà sản xuất trước khách hàng của mình nếu sản phẩm có lỗi xảy ra hàng loạt. Dù hoạt động này có thể được can thiệp bởi các cơ quan chức năng của nhà nước nhưng vẫn chủ yếu nằm ở sự tự giác của từng hãng.
Đương nhiên, mọi sản phẩm bán ra thị trường đều có thể được các nhà sản xuất triệu hồi để kiểm tra, sửa chữa và thay thế để mang lại chất lượng tốt nhất cho khách hàng. Nhưng việc triệu hồi đối với phương tiện giao thông, điển hình là ô tô, được chú ý đặc biệt quan tâm do đây là những sản phẩm gắn liền với quá trình di chuyển trên đường, cần đến độ an toàn và đáng tin cậy khi sử dụng.
Nhiều vụ triệu hồi trên thế giới đã được các nhà sản xuất ô tô tự nguyện thực hiện nhằm thể hiện uy tín và vị thế lớn mạnh của mình. Trong đó phải kể đến những đợt triệu hồi liên quan đến hàng chục triệu chiếc xe do lỗi túi khí Takata và gần đây là lỗi bơm nhiên liệu… Do đó, người dùng tại các thị trường lớn vốn đã xác định công việc này là điều hết sức bình thường và hoàn toàn ủng hộ vì nó bảo đảm quyền lợi cho chính bản thân họ.
Ngược lại, theo các chuyên gia, việc chối bỏ trách nhiệm với sản phẩm lỗi của thương hiệu mới là hành động đáng lên án và “nguy hiểm”; Nó không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp mà còn tới người sử dụng, nhất là với những sản phẩm có ảnh hưởng đến tính mạng con người như ô tô, xe máy…
Chính các nhà sản xuất cũng không hề mong muốn phải triệu hồi xe vì rất tốn kém chi phí thực hiện và mất nhiều công sức. Tuy nhiên, điều này cũng có lợi ích đặc biệt, giúp người tiêu dùng có lòng tin trở lại với thương hiệu, không ít mẫu xe sau khi được triệu hồi lại bán được nhiều xe hơn trước.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều thông tin chưa thực sự đầy đủ về triệu hồi xe và ý nghĩa của việc này đã có ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận và đặc biệt là các khách hàng sở hữu ô tô liên quan đến những đợt triệu hồi. Khiến nhiều người tiêu dùng không thật thiện cảm với các hãng có các chiến dịch triệu hồi.
Trong khi đó, dung lượng thị trường nhỏ và các đợt triệu hồi khá ít cũng là một phần lý do khiến người dùng chưa quen với các đợt triệu hồi trong nước, gây ảnh hưởng đến tâm lý.
Nhưng, các nhà sản xuất giờ đã tích cực hơn trong quá trình thể hiện trách nhiệm đối với khách hàng, triệu hồi xe xuất hiện ngày càng nhiều với số lượng xe mỗi lần khá đa dạng. Nguyên nhân dẫn đến triệu hồi cũng rất đa dạng, thậm chí đối với các vấn đề nhỏ chưa hề được phát hiện trong nước và cũng chưa gây ra hậu quả.
Theo thông tin đăng tải bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam, số đợt triệu hồi xe đã đạt mức kỷ lục trong năm 2023 vừa qua với tổng cộng 45 đợt được công bố, liên quan đến hơn 53.000 ô tô và xe máy tại thị trường trong nước, thuộc nhiều nhà sản xuất khác nhau với xuất xứ từ Mỹ, Nhật, Hàn, châu Âu… hay thậm chí cả Việt Nam.
Vấn đề và số lượng xe trong các đợt triệu hồi cũng rất đa dạng, lỗi của xe có thể rất nhỏ và đơn giản, chưa có khả năng ảnh hưởng đến an toàn của người sử dụng hoặc các phương tiện xung quanh như: Ốp trang trí ngoại thất, giá đỡ màn hình, cần gạt mưa… Thực tế, hầu hết các đợt triệu hồi tại Việt Nam đều được chủ động thông báo và thực hiện bởi các nhà sản xuất, chưa có báo cáo tai nạn hoặc thương tích của con người.
Nên, có thể do chưa tìm hiểu kỹ, nhiều người dùng thường hay hiểu nhầm rằng cứ “triệu hồi” là liên quan đến những vấn đề nghiêm trọng, về chất lượng nhưng điều đó hoàn toàn sai lầm; trên mỗi ô tô đều có hàng nghìn chi tiết kỹ thuật, quá trình kiểm tra an toàn của hãng, các cơ quan độc lập hoặc cơ quan chức năng của từng quốc gia cũng chỉ là tương đối.
Do đó, khi người dùng sử dụng xe và phát hiện ra vấn đề rồi phản ánh lại cho nhà sản xuất cũng chính là “giúp mình, giúp người”, đóng góp cho việc hoàn thiện chiếc xe hơn và cũng tạo điều kiện để hưởng quyền lợi của mình khi xe được triệu hồi.
Tại Việt Nam hiện nay, thông tin về việc triệu hồi đang ngày càng đầy đủ hơn và các hãng xe cũng không còn e ngại nhiều như trước. Nhiều hãng xe đã chủ động phát hiện sự cố, rồi chủ động truyền thông mời từng khách hàng mang xe tới kiểm tra và xử lý sự cố nếu có.
Do đó, nếu ô tô của mình được thông báo đang bị ảnh hưởng bởi một đợt triệu hồi nào đó, người dùng không cần lo lắng, hãy làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi xe được khắc phục lỗi, chủ xe sẽ không phải chịu bất cứ chi phí nào, mà đó là phần của nhà sản xuất, là trách nhiệm, sự văn minh và uy tín mà họ đang thể hiện.