“Trái ngọt” của hơn 30 năm biến sa mạc thành ốc đảo ở Trung Quốc

Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh | 15/06/2023, 16:44

Là sa mạc lớn thứ 7 của Trung Quốc, Kubuqi cũng là 1 trong 3 nguồn gây bão cát chính cho thủ đô Bắc Kinh và khu vực miền Bắc nước này. Sau hơn 30 năm phủ xanh, nhiều vùng sa mạc khô cằn tại đây đã trở thành ốc đảo, đem lại nguồn thu nhập cho hàng trăm nghìn người và là một trong những trung tâm điện mặt trời của Trung Quốc.

Daotu là một làng du mục thuộc huyện Hangjin, thành phố Ordos, nơi có sa mạc Kubuqi. Năm 2006, để giải quyết các vấn đề như môi trường sinh thái mong manh, thiếu tư liệu sản xuất và điều kiện sống tồi tệ ở những vùng nằm sâu trong sa mạc, huyện Hangjin đã đầu tư xây dựng một khu dân cư tập trung có diện tích hơn 333.000m2 và cải thiện cơ sở hạ tầng cơ bản gồm nước, điện, đường và viễn thông, đưa 36 hộ gia đình du mục từ hai ngôi làng tự nhiên nằm rải rác trên sa mạc về đây sinh sống.

Bằng cách khuyến khích người dân cho thuê lại đất sa mạc, góp cổ phần vào các công ty và phát triển du lịch sa mạc, thu nhập của 36 hộ dân này đã tăng gấp hàng chục lần.

Trưởng thôn Niu Jinliang chia sẻ: “Sau khi làm du lịch, thu nhập của người dân trong làng đã tăng từ chưa đến 10.000 nhân dân tệ mỗi năm, lên 100.000-120.000, có hộ lên đến 200.000-300.000. Vào mùa thấp điểm, chúng tôi bán bò, cừu. Có người mang ra thành phố bán online các mặt hàng mình nuôi trồng được. Cũng có khách du lịch sau khi thiết lập tốt quan hệ, giúp chúng tôi bán hàng tận Bắc Kinh, Thượng Hải.”

Theo ông Mengke Dalai, một người dân du mục ở đây, trước ông cũng từng bỏ làng ra thành phố làm thuê, tuy nhiên sau khi làng có đầy đủ hạ tầng, ông đã trở về và làm du lịch từ năm 2008. Ông Dalai nói: “Sau khi làng xây đường, tôi đã quay về. Đúng lúc đó, có các dự án cải tạo sa mạc, phát triển du lịch. Trước kia, nhà tôi chỉ chăn nuôi du mục, trồng cam thảo, không có thu nhập nào khác. Sau này làm du lịch, có cả lưu trú (homestay), nhà hàng. Bò, cừu mình nuôi được cũng phục vụ du khách luôn, nên thu nhập khá hơn trước. Một con cừu thường bán chỉ được 1.000 tệ, nay bán trong nhà hàng được 3.000 tệ. Mỗi năm nhà tôi bán khoảng 100 con cừu, tổng thu nhập hơn 300.000 tệ.”

Bên cạnh phát triển du lịch, nhiều công trình điện mặt trời đã mọc lên ở sa mạc Kubuqi, nhằm tận dụng nguồn ánh nắng phong phú và đất sa mạc rộng lớn. Dự án quang điện sinh thái có công xuất 2 triệu kW của Tập đoàn Elion là một trong số đó. Với mô hình “phát triển quang điện trên các tấm pin, trồng cây dưới các tấm pin và nuôi gia súc gia cầm giữa các tấm pin”, dự án này đã kết hợp được cải tạo đất thông qua kiểm soát sa mạc với xóa đói giảm nghèo thông qua phát triển ngành nghề và thúc đẩy du lịch.

Theo ông Lý Phi, Phó trạm trưởng Trạm phát quang điện sinh thái thuộc Tập đoàn Elion, đây hiện là dự án quang điện kiểm soát cát đơn lẻ lớn nhất Trung Quốc: “Tổng công xuất đã và đang lắp đặt của chúng tôi đạt 3,7GW. Chúng tôi tận dụng không gian lập thể của dự án, phát triển ngành công nghiệp quang điện kết hợp giữa điện mặt trời với nuôi trồng các loại cây và vật nuôi, thúc đẩy chấn hưng nông thôn. Dự án này đã đem lại hiệu quả trên 4 lĩnh vực là sinh thái, xã hội, dân sinh và kinh tế.”

Với diện tích 18.600km2, sa mạc Kubuqi từng được mệnh danh là Biển Chết do phải hứng chịu vô số những trận bão cát lớn. Cách Bắc Kinh 800km, Kubuqi cũng từng là một trong nguồn cát chính gây ra các cơn bão cát ở thủ đô và khu vực miền Bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, với việc trồng cỏ và các loại cây bụi chịu hạn, phát triển điện mặt trời và điện gió, giờ đây 1/3 diện tích sa mạc Kubuqi (khoảng 6.460km2) đã được cải tạo để trồng trọt và chăn nuôi.

Ông Lương Chấn Kim, quan chức Cục Lâm nghiệp và thảo nguyên thành phố Ordos, cho biết hiệu quả của công tác này đến nay là khá tốt.

 “Chúng tôi đã đạt được mục tiêu cải tạo sa mạc. Tỷ lệ phủ xanh cây bụi đã lên tới 40%, đạt được hiệu quả kiểm soát cát. Cát đã không còn là mối nguy hại nữa.”

Năm 2014, sa mạc Kubuqi được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc xác định là “Khu hình mẫu kinh tế sinh thái sa mạc toàn cầu”, cũng là mô hình để Trung Quốc tiếp tục cải tạo nhiều vùng sa mạc xa xôi khác.

Là một trong những nguồn bão cát chính ở miền Bắc Trung Quốc, Khu tự trị Nội Mông đang nỗ lực cải tạo sa mạc hóa, biến những sa mạc mênh mông thành ốc đảo, chặn bão cát./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: Phát huy tinh thần vì nước, vì dân của các nhà thầu, tư vấn, giám sát
Chiều 8/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo.
Mới nhất