"Máy bay không người lái, pháo binh và đạn dược riêng biệt của tên lửa là chương trình tốn kém, chúng ta cần đầu tư tiền. Hiện chúng ta không có tiền trong ngân sách", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói.
Nhà lãnh đạo Ukraine muốn tăng nguồn cung cấp viện trợ quân sự từ phương Tây, cũng như đẩy nhanh dòng viện trợ này tới Kiev trong thời gian tới.
"Quá trình bỏ phiếu tại Quốc hội và thỏa thuận tại các nước. Họ có đủ tiền để cung cấp các gói này, nhưng quá trình bị chậm lại", ông Volodymyr Zelensky nói thêm.
Nhiều nước phương Tây tăng cường viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự vào năm 2022. Điện Kremlin cảnh báo việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev vì điều này sẽ dẫn đến leo thang xung đột hơn nữa.
Mỹ là quốc gia viện trợ cho Ukraine nhiều nhất trong cuộc xung đột quân sự với Nga. Hồi đầu tháng 8, Washington tuyên bố gửi thêm cho Kiev số tên lửa và đạn dược trị giá 125 triệu USD. Đây là đợt viện trợ thứ 63 của Mỹ cho Ukraine kể từ tháng 8/2021.
Để giúp Ukraine đáp ứng "nhu cầu an ninh và quốc phòng quan trọng", Mỹ sẽ gửi tên lửa phòng không Stinger, đạn dược cho hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS), đạn cho pháo 155mm và 105mm, tên lửa chống tăng Javelin, AT-4 và TOW, đạn vũ khí hạng nhẹ, vũ khí phá hủy.
Gói này cũng bao gồm radar đa nhiệm, xe cứu thương Humvee, phụ tùng thay thế cùng các dịch vụ, công tác đào tạo và vận chuyển.
Lô viện trợ quân sự trước đó của Washington trị giá 1,7 tỷ USD, được giao cho Ukraine vào cuối tháng 7. Theo số liệu của Lầu Năm Góc, Mỹ gửi hơn 56,2 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1/2021.
Đề cập đến viện trợ, người phát ngôn Lầu Năm Góc nói quyết định viện trợ cho Kiev không phải là hành động leo thang tình hình, mà là hành động giúp Ukraine "tự vệ chính đáng".