Theo Washington Post, một phái đoàn các nghị sĩ Mỹ tại Hội nghị An ninh Munich đã đề nghị Tổng thống Ukraine ký một thỏa thuận chuyển giao cho Mỹ 50% tài nguyên khoáng sản trong tương lai của Ukraine, song ông lịch sự từ chối.
![Tổng thống Zelensky. (Ảnh: Keystone Press Agency)](https://cdn.vovlive.vn/2025/02/15/cdn-i.vtcnews.vn-upload-2025-02-15-_zelensky-53885-11452819.jpg)
Tiếp đó, Ukraine trao lại cho Mỹ một dự thảo thỏa thuận khoáng sản sửa đổi và đại diện của Washington đề nghị xem xét lại văn bản này trong vài giờ. Thỏa thuận đất hiếm được coi là động thái nhằm giành lại sự ủng hộ của ông Trump.
Một số thành viên giấu tên trong phái đoàn Ukraine dự hội nghị Munich cho hay, cuộc gặp giữa ông Zelensky và nhóm các nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ kéo dài khoảng 90 phút.
Hiện chưa rõ thỏa thuận có nội dung gì và liệu dự thảo của Mỹ có bao gồm các điều khoản an ninh mà Ukraine mong muốn không. Hồi đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, ông muốn Kiev dùng tài nguyên thiên nhiên để trả cho sự trợ giúp mà nước này nhận được từ Washington trong cuộc xung đột với Nga.
Theo báo cáo năm 2024 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Ukraine nắm giữ tiềm năng to lớn để trở thành nhà cung cấp toàn cầu về các nguyên liệu thô quan trọng, có thể rất thiết yếu đối với ngành quốc phòng, công nghệ cao và năng lượng xanh. Ukraine tự hào có trữ lượng titanium và lithium lớn nhất châu Âu. Nước này cũng có các mỏ berili, mangan, gali, urani, zirconi, than chì, apatit, fluorit và niken đáng kể.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine từng thừa nhận, một phần lớn lãnh thổ giàu khoáng sản của nước này đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Theo Forbes, số khoáng sản trị giá khoảng 7 nghìn tỷ USD của Ukraine hiện nằm ở Luhansk và Donetsk, hai khu vực đã sáp nhập vào Nga năm 2022.