Tình hình sạt lở bờ sông ở Sóc Trăng diễn biến khó lường

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL | 21/09/2024, 08:03

Tỉnh Sóc Trăng, thời gian qua, tình hình sạt lở bờ sông trở nên phức tạp, nhất là ở các địa phương ven sông Hậu, như Long Phú, Kế Sách, Cù Lao Dung.

Do dòng chảy mạnh đã gây ra nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương. Hiện nay là thời điểm đang bước vào cao điểm của những tháng mùa mưa, bão nên nguy cơ sạt lở tiếp tục diễn ra, do vậy mà ngành chức năng địa phương đang rất nỗ lực triển khai các giải pháp, biện pháp ứng phó.

Tính từ đầu năm đến nay, chỉ riêng xã Phú Hữu, huyện Long Phú đã xảy ra 5 điểm sạt lở, với chiều dài 67m. Các vụ sạt lở dù không có ai bị thương và ảnh hưởng đến tài sản, nhưng đã gây ra sự lo lắng cho người dân. Đến nay các điểm sạt lở đã được cơ bản khắc phục.

Ông Trần Huệ Trí, Trưởng Ban nhân dân ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu, huyện Long Phú, cho biết: "Trên tuyến đường địa bàn ấp Phú Thứ đã xảy ra một đoạn sạt lở lộ, tuyến lộ ấp liền ấp từ Phú Thứ lên Phú Trường, đoạn sạt lở khoảng 12m, chiều sâu khoảng là 2m, ăn vô đất liền từ 3,5m-4m, ảnh hưởng việc đi lại của bà con, khó khăn giao thương hàng hóa. Chúng tôi đã huy động bà con, anh em ở địa phương của 4 ấp, xin cây dừa rồi bè ra, vận động kobe để xóc cừ, vận động bà con, xin đất để gia cố phần sạt lở, nhằm để tuyến đường giao thông nó thuận lợi hơn".

Thời gian qua, huyện Long Phú đã đầu tư xây dựng nhiều công trình chống sạt lở bờ sông, kênh rạch nhằm hạn chế nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên, nhiều nơi trên địa bàn huyện vẫn đang đối mặt với nguy cơ sạt lở nghiêm trọng. Để chủ động phòng chống xói lở, bảo vệ an toàn cho người dân, UBND huyện đã hỗ trợ một phần kinh phí khắc phục tạm và vận động người dân sinh sống gần bờ sông, kênh rạch có ý thức chủ động phòng tránh.

Đối với các điểm sạt lở nhỏ người dân chủ động gia cố, sử dụng các vật liệu tại chỗ để tấn mé, giữ bờ như cọc tràm, bao cát, đá... đồng thời đốn hạ những cây lâu năm để tránh gió mạnh gây đổ ngã kéo theo sạt lở bờ sông. Ông Nguyễn Văn Dễ, Bí thư Đảng ủy xã Phú Hữu, huyện Long Phú, thông tin: "Thời gian tới sẽ chỉ đạo Ban chỉ huy phòng thủ dân sự tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức để làm sao đối với những cái cây to, tán lớn sẽ cắt tỉa để hạn chế cho vấn đề sạt lở. Thứ 2 phải thường xuyên kiểm tra những nơi xung yếu để phát hiện những dấu hiệu, biểu hiện sạt lở để khắc phục kịp thời, tạo điều kiện cho bà con sản xuất, vận chuyển lưu thông hàng hóa cũng như tạo điều kiện cho con em đi học dễ dàng trong thời điểm mưa bão".

Phú Hữu là xã có hệ thống sông ngòi chằng chịt và nằm ven sông Saintard, người dân sinh sống tập trung nhiều ở cặp các tuyến kênh, rạch. Do khu vực này có nền đất yếu, lưu lượng dòng chảy mạnh và xoáy lâu ngày tạo nên những hố sâu dưới lòng sông, nếu gặp những cơn mưa lớn kết hợp với triều cường sẽ tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao. Ông Nguyễn Văn Chính một người dân ở ấp Phú Hữu, xã Phú Hữu, huyện Long Phú lo lắng: "Đối với sạt lở thì mình sợ mai mốt thì nói xuống nền nhà mình không còn chỗ ở vậy thôi. Tôi mong chính quyền các cấp khắc phục sớm cho mình ổn định chỗ ở".

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Long Phú đã xảy ra 11 điểm sạt lở với chiều dài 237m, tại các địa phương như: Song Phụng, Phú Hữu, thị trấn Long Phú, Châu Khánh và Long Đức. Các vụ sạt lở này đã làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, ước thiệt hại trên 3,7 tỷ đồng

Ngành chức năng địa phương cùng với người dân đã khắc phục 4 điểm sạt lở nhỏ với kinh phí trên 250 triệu đồng. Các điểm sạt lở còn lại tiếp tục vận động nhân dân di dời, đắp tạm bờ bao bên trong để ngăn triều, bảo vệ sản xuất. Đối với một số điểm sạt lở nghiêm trọng, địa phương đã đề nghị Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và UBND tỉnh xem xét hỗ trợ khắc phục.

Ông Huỳnh Quốc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Long Phú, cho biết: "Để phòng chống với sạt lở, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là công tác phòng, chống thiên tai; đối với người dân UBND huyện có yêu cầu ven sông những cái cây trồng có tán to thì cần hạ đốn hoặc mé nhánh. Ví dụ như: cây dừa không khuyến khích người dân trồng ven sông cũng như các cây có tán lớn thì giông gió cũng làm cho đổ ngã và kéo theo sạt lở. Huyện cũng khuyến cáo người dân trồng những loại cây có thể giữ được đất như: Dừa nước, cây bần. Tuy nhiên đối cây bần không để nhánh nhiều quá, cây bần lớn phải mé nhánh, những cây này có tác dụng giữ đất và tránh sạt lở xảy ra".

Trước tình hình sạt lở đang ngày càng diễn biến phức tạp, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân, ngành chức năng địa phương cần sớm có những biện pháp tích cực trong phòng chống sạt lở để giúp người dân yên tâm, cũng như hạn chế tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn.

Bài liên quan
Sông biển Cà Mau “cầu cứu”
Tình trạng sạt lở ven sông rạch, ven biển tại tỉnh Cà Mau diễn biến phức tạp. Sạt lở đang làm mất rừng phòng hộ, thiệt hại nhà và uy hiếp đến đất sản xuất của người dân địa phương. Đặc biệt, sạt lở diễn ra rất nan giải ở mặt biển Đông của Cà Mau.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm: "Chính sách đối ngoại của chúng tôi là độc lập tự chủ"
VOVLIVE - Phát biểu chính sách quan trọng tại trường Đại học Malaya (Malaysia), Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: "Chính sách đối ngoại của chúng tôi là độc lập tự chủ, muốn làm bạn với tất cả thế giới vì hoà bình, ổn định vì lợi ích  chung của toàn nhân loại".
Mới nhất