Những người mẹ đôi bờ sông Bến Hải

Vinh Thông/VOV-Miền Trung | 26/04/2025, 09:37

VOVLIVE - Vĩ tuyến 17, nơi từng là ranh giới chia cắt đất nước trong chiến tranh có nhiều câu chuyện, hình ảnh cảm động về những người mẹ đôi bờ sông Bến Hải. Các mẹ đã đi xa nhưng ký ức, biểu tượng của lòng yêu nước và sự hy sinh cao cả của những bà mẹ Vĩ tuyến 17 mãi luôn khắc ghi.

Nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất” ở xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, một trong những hạng mục quan trọng thuộc Cụm di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị. Ngôi nhà chia làm 2 gian. Gian khánh tiết là nơi đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gian trưng bày giới thiệu nhiều tài liệu, hiện vật về cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước…

Trong số những tư liệu, hình ảnh được trưng bày tại đây kể lại nhiều câu chuyện xúc động về những người mẹ Đôi bờ sông Bến Hải, Vĩ tuyến 17, ranh giới chia cắt hai miền Nam - Bắc trong những năm kháng chiến. Trong số đó, mô hình tái hiện hình ảnh người mẹ vá cờ Tổ quốc đã tạo ấn tượng sâu sắc với người xem.

Bà Nguyễn Thị Đoài, cựu chiến binh, quê ở tỉnh Bắc Ninh không cầm được nước mắt khi nghe kể những câu chuyện về các mẹ Trần Thị Viễn, Ngô Thị Diệm, Hoàng Thị Tươi, Cao Thị Nghỉ…

Họ là những phụ nữ ngày đêm cần mẫn khâu vá từng mảnh cờ Tổ quốc, giữ vững niềm tin về ngày mai nước nhà thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà. “Các mẹ đã hy sinh rất nhiều. Nhiều bà mẹ chồng mất, con mất. Qua nhiều di tích lịch sử, được nghe nhiều bà mẹ đã hy sinh hết cả tuổi thanh xuân của mình, chúng tôi rất cảm động. Bây giờ, hòa bình lập lại, mình được sống hưởng thụ cuộc sống đầy đủ, đi đến đây, ai cũng cảm thấy bồi hồi, xúc động”, bà Nguyễn Thị Đoài bày tỏ.

Về làng Hiền Lương, phía bờ Bắc sông Bến Hải, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, mọi người sẽ được nghe nhắc nhiều về mẹ Trần Thị Viễn và chị dâu là mẹ Ngô Thị Diệm, những người vá cờ Tổ quốc năm xưa.

Sinh ra và lớn lên tại làng Hiền Lương, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, mẹ Viễn cùng chị dâu là Ngô Thị Diệm đã tình nguyện ở lại bám đất, giữ làng và vá cờ Tổ quốc. Những năm tháng chiến tranh, nhận định kẻ thù sẽ đánh phá Vĩnh Linh khốc liệt, các mẹ thuộc diện phải sơ tán nhưng đã tự nguyện xin ở lại phục vụ bộ đội, dân quân. Các mẹ nấu cơm, giặt giũ, khâu vá quần áo, chăm sóc thương binh… 

Thời điểm kẻ thù đánh phá cột cờ Hiền Lương, có ngày phía ta phải thay cờ cả chục lần. Quân ta không kịp may cờ, các mẹ cùng các chú bộ đội thay nhau vá cờ suốt ngày đêm. Nhờ vậy mà cờ Tổ quốc mãi tung bay trên cột cờ Hiền Lương, biểu tượng ý chí, quyết tâm sắt đá của quân và dân miền Bắc, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì mục tiêu thống nhất non sông.

Em Nguyễn Thị Thu Trang, ở huyện Vĩnh Linh lắng lòng khi về làng Hiền Lương được nghe kể những câu chuyện về những người mẹ vá cờ Tổ quốc. “Những người mẹ ở đây đã hy sinh rất nhiều. Trong thời chiến, tấm lòng của các người mẹ không thể kể hết được. Em rất cảm động và biết ơn những người mẹ nơi đây. Được sống trong thời bình, em rất cảm kích những tấm lòng của những người mẹ thời chiến. Sự hy sinh của các mẹ rất thiêng liêng để chúng ta có được hòa bình ngày hôm nay”, Thu Trang bày tỏ.

Tháng 7/1957, phía ta dựng cột cờ cao 34,5m phía bắc đầu cầu Hiền Lương. Sau đó, cột cờ Hiền Lương được tôn cao lên 38,5m, cao hơn cột cờ của địch phía bờ Nam. Nhân dân phía bờ Nam giới tuyến khi nhìn thấy cột cờ của ta cao, lớn hơn của địch càng giữ vững niềm tin cách mạng. Cuộc đấu tranh bảo vệ lá cờ là sứ mệnh thiêng liêng của cán bộ, chiến sĩ và bà con khu vực giới tuyến trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Chị Võ Thị Hồng, quê ở mảnh đất Vĩnh Linh lũy thép, đã 10 năm gắn bó với công việc hướng dẫn viên khách tham quan Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Vĩnh Linh anh hùng, chị Hồng được nghe kể lại sự hy sinh anh dũng của những anh hùng, liệt sĩ; những câu chuyện cảm động về các bà, các mẹ nén chịu đau thương đưa tiễn chồng con ra trận… Sau khi tốt nghiệp Khoa lịch sử, chuyên ngành văn hóa du lịch, trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, Võ Thị Hồng quyết định về lại quê Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị theo nghề hướng dẫn viên.

Mỗi lần giới thiệu với khách tham quan về những người mẹ đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, trong lòng chị Hồng dâng trào cảm xúc tự hào: “Rất nhiều người mẹ ở Hiền Lương tình nguyện ở lại. Mỗi khi cờ rách đang còn nồng nặc mùi bom đạn thì các mẹ tay chỉ, tay kim đến ngay chân cột cờ để vá. Có những lúc cờ rách quá nhiều, đến chiều phía mình thu cờ về thì các mẹ lại thức thâu đêm, suốt sáng để sáng hôm sau khi loa phía bên kia nổi lên thì cờ bên mình phải có cờ để treo lên. Người ta nhìn vào lá cờ là niềm kiêu hãnh, niềm tin vào đất nước ngày mai sẽ thống nhất và gia đình sẽ đoàn tụ. Còn cờ là còn nước, cờ mất là nước mất. Những người mẹ Hiền Lương này đã đi vào những bài thơ, bài ca”.

Cột cờ Hiền Lương, phía Bắc sông Bến Hải trở thành biểu tượng về ý chí, tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam. Năm 2005, trong khuôn viên Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, ngay tại vị trí cũ, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng kỳ đài Hiền Lương. Cột cờ Hiền Lương được phục chế nguyên trạng cao 38,5m. Hằng năm, cứ đến dịp 30/4, kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị 1/5, người dân đôi bờ sông Bến Hải long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ thống nhất non sông.

Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên, tung bay kiêu hãnh trên kỳ đài Hiền Lương lịch sử. Bà Lê Thị Tố Hoài, Trưởng Ban quản lý Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải nhắc nhớ: “Đối với Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải có điều đặc biệt là những bà mẹ hai bên bờ sông có những tình cảm, nỗi đau, hy sinh khác nhau. Đối với những bà mẹ ở bắc Vĩ tuyến 17, là những người chịu thương, chịu khó, bám trụ, giữ làng, ở lại quê hương mình làm nhiệm vụ để chồng con ra trận, yên tâm công tác. Những bà mẹ ở Nam sông Bến Hải, trong thời điểm chia cắt, những người cha, chồng, anh tập kết ra Bắc chưa trở về được thì họ là những người đứng trông ngóng người thân trở về. Bà con của đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đã trải qua một giai đoạn lịch sử vừa hào hùng nhưng cũng rất đau thương. Cho đến bây giờ, mặc dầu tình cảm của nhân dân đôi bờ vẹn tròn như ngày xưa nhưng đâu đó vẫn còn những nỗi đau… Hy vọng rằng, trong tương lai, thế hệ sau sẽ tìm hiểu, hiểu được tình cảm, tâm tư, nguyện vọng, ước nguyện của nhân dân đôi bờ trong thời kỳ chia cắt. Từ đó, để xây dựng quê hương mình ngày càng tươi đẹp hơn”.

Bài liên quan
Mưa đỏ - Bộ phim chiến tranh đặc biệt với ê-kíp chính toàn nữ
"Mưa đỏ" là bộ phim điện ảnh tái hiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Đạo diễn Đặng Thái Huyền không chỉ khiến khán giả xúc động bởi câu chuyện bi tráng mà còn gây ấn tượng bởi một chi tiết hậu trường đặc biệt: phần lớn ê-kíp sản xuất chính là phụ nữ.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hình ảnh Chủ tịch nước Lương Cường bắt đầu chuyến thăm chính thức CHDCND Lào
Ngày 24/4, lễ đón chính thức Chủ tịch nước Lương Cường cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước đến CHDCND Lào đã diễn ra trọng thể tại Phủ Chủ tịch nước Lào ở Thủ đô Vietiane.
Mới nhất