Tiền Giang nỗ lực khống chế dịch bệnh, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL | 25/12/2022, 10:35

Tiền Giang là một trong những địa phương có mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô lớn ở vùng ĐBSCL. Dù tình hình dịch bệnh còn khó khăn nhưng Tiền Giang đã áp dụng nhiều biện pháp chủ động phòng chống hiệu quả đã khống chế sự lây lan mầm bệnh, đảm bảo an toàn đàn vật nuôi.

Ngành thú y tỉnh Tiền Giang là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống dịch bệnh bảo vệ đàn vật nuôi. Ngoài công tác tuyên truyền, hướng dẫn hộ chăn nuôi các kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, phương pháp phòng, chống dịch bệnh, cán bộ thú y các cấp luôn “sát cánh” cùng người chăn nuôi, giám sát đàn vật nuôi, phát hiện bệnh để ứng phó kịp thời. Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch tả heo Châu Phi gần đây, tỉnh Tiền Giang thực hiện có hiệu quả để khống chế, bao vây mầm bệnh. Trong đó, giải pháp áp dụng sáng kiến “Giờ Vàng” trong phòng dịch bệnh này của tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Chăn nuôi - Thú y Tiền Giang đã phát huy hiệu quả.

Cụ thể, qua công tác nghiên cứu, tiến sĩ Hiếu đã đề xuất áp dụng giải pháp khi test nhanh đàn heo bệnh dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi thì cho tiêu hủy ngay không cần phải chờ đợi trong nhiều ngày khi có kết quả xét nghiệm từ cơ quan chuyên môn. Giải pháp này loại thải sớm heo mắc bệnh ra khỏi đàn trước khi bài thải virus có khả năng lây bệnh vừa nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ môi trường.

Tiến sỹ Thái Quốc Hiếu chia sẻ: “Thực hiện “Giờ Vàng” trong phòng, chống dịch tả heo Châu Phi là phát hiện sớm, tiêu hủy nhanh thì làm gì ở trong chuồng còn mầm bệnh nữa. Cái độc đáo là con virus này chỉ lây truyền qua con đường ăn uống 99,9%, nghĩa là chỉ có virus trong chuồng thì mới gây bệnh. Khi test nhanh chỉ 10 phút là biết kết quả rồi, do đó mạnh dạn tham mưu cho Sở Nông nghiệp-PTNT, đề xuất UBND tỉnh có một công văn khi test nhanh dương tính là tiêu hủy”.

Sau khi tiêu hủy đàn heo bệnh, chính quyền, ngành chức năng địa phương cấp phát hóa chất  miễn phí và hỗ trợ hộ chăn nuôi phun xịt tiêu độc chuồng trại để khống chế bao vây mầm bệnh. Mới đây, Chi cục thú y còn giới thiệu cho 2 trang trại chăn nuôi ở huyện Chợ Gạo và huyện Gò Công Tây hợp đồng với doanh nghiệp cung ứng vaccine phòng, chống dịch tả lợn châu Phi thực hiện tiêm phòng “ thí điểm” cho 171 con heo. Qua tiêm phòng bước đầu, vaccine đã phát huy hiệu quả, chủ hộ bảo vệ được đàn vật nuôi.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, chủ trại heo tại xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo cho biết, tiêm phòng vaccine cho thấy rất thành công, chỉ hao hụt vài con heo: “Trại nhà tôi có hơn 60 con, tiêm vaccine hết, theo giá của công ty là 36.000 đồng/liều.  Đến nay thấy heo rất tốt, có hiệu quả, đàn heo gần xuất chuồng rồi. Xã Xuân Đông đang bùng phát dịch tả heo châu Phi, mình vệ sinh chuồng trại thật kỹ, ra vào phải thay đổi dép, sát trùng chu đáo. Trại heo nhà tôi lớn nhưng Tết năm rồi bị dịch bệnh nên không dám nuôi nhiều, qua Tết cổ truyền 2023 sẽ nuôi nhiều”.

Nhờ áp dụng các biện pháp trên nên năm nay, tỉ lệ đàn heo bệnh tả heo châu Phi trên địa bàn Tiền Giang giảm nhiều so với các năm trước. Đến nay, toàn tỉnh chỉ có 109 hộ chăn nuôi ở 48 xã của 8 huyện, thành, thị có đàn heo nhiễm bệnh; hơn 146 tấn heo bệnh được tiêu hủy theo quy định.

Tiền Giang hiện có đàn gia cầm lớn nhất vùng ĐBSCL với 17,3 triệu con; trong đó, 3 loại gia cầm "đặc sản” mà các địa phương khác rất ít như: gà ác, gà tre, chim Cút. Năm 2022 này, dịch bệnh trên đàn gia cầm nhìn chung được khống chế. Riêng bệnh cúm gia cầm với virus H9-N2 (động lực thấp) xảy ra không nhiều, chỉ làm giảm sản lượng đẻ trứng chứ không gây chết đàn vật nuôi. Riêng đàn trâu bò có khoảng 125.000 con, trong đó có hơn 90% đàn bò được tiêm phòng vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục nên số lượng bò chết do bệnh này trong năm nay chỉ có 3 con.

Theo các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang, qua các khóa tập huấn, hội thảo và rút kinh nghiệm trong chăn nuôi qua nhiều năm, hiện nay, đa số hộ chăn nuôi đã nắm vững các kiến thức chăn nuôi, nhất là biện pháp đối phó với các loại dịch bệnh thông thường trên đàn vật nuôi. Giải pháp quan trọng nhất để giúp các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm hạn chế các loại dịch bệnh mà ngành chức năng tỉnh Tiền Giang thường xuyên khuyến cáo là chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi kiểu trang trại, chăn nuôi liên kết theo chuỗi. Đến nay, toàn tỉnh có 436 trang trại heo, chiếm tỉ lệ 27%; 1.017 trang trại gia cầm, thủy cầm chiếm  tỉ lệ 64%. Ngành chăn nuôi - thú y tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn hộ chăn nuôi và doanh nghiệp phát triển mô hình liên kết, khép kín quy trình phòng, chống dịch bệnh.

Ông Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Chăn nuôi- Thú y Tiền Giang nói: “Về chăn nuôi, tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận cơ chế, chính sách của tỉnh làm sao phát triển mạnh đàn vật nuôi của Tiền Giang.  Có liên kết mới thành công, nuôi đúng quy trình thì ra sản phẩm mới đồng bộ, đồng đều thì mới đưa ra thị trường được. Còn rất nhiều vấn đề nan giải trong chăn nuôi mà khó nhất là vấn đề thị trường”.

Ngành chăn nuôi ở tỉnh Tiền Giang đang chịu nhiều áp lực do chi phí phát sinh lớn từ công tác phòng, chống dịch bệnh, giá thức ăn gia súc tăng đột biến. Song, doanh nghiệp và nông dân đang khắc phục khó khăn, ổn định, duy trì đàn vật nuôi chất lượng cao để góp phần cung cấp sản phẩm nông sản cho nhu cầu người tiêu dùng trong nước, hướng đến xuất khẩu./.

Bài liên quan
Số ca sốt xuất huyết tăng nhanh, Hải Phòng đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh
Từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố Hải Phòng ghi nhận hơn 7.100 ca mắc sốt xuất huyết. Trước tình hình dịch bệnh tăng nhanh, diễn biến phức tạp, ngành y tế và các địa phương tăng cường giám sát ổ dịch, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn Malaysia
VOVLIVE - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Malaysia, ngày 22/11, tại Kuala Lumpur, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Đảng Tổ chức thống nhất dân tộc Mã Lai (UMNO) Dato’ Seri Dr. Ahmad Zahid Hamidi và các lãnh đạo cấp cao trong Liên minh cầm quyền tại Malaysia.
Mới nhất