Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị sơ kết mô hình thí điểm diễn ra 20/9 tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.
Mô hình được thí điểm tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi, xã Láng Biển, huyện Tháp Mười với diện tích tham gia hơn 43 hecta.
Quy trình canh tác áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL được Cục Trồng trọt ban hành, nông dân đã ứng dụng sạ hàng, sạ cụm kết hợp vùi phân; lượng phân bón sử dụng 70 kg giống/hecta, giảm lượng phân bón từ 20 – 40%, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, rơm được thu gom ra khỏi ruộng, được doanh nghiệp ký kết tiêu thụ lúa. Qua đánh giá từ mô hình đã giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng hạt gạo, tăng lợi nhuận, giảm ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính gần 5 tấn/hecta.
Theo ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, mô hình Canh tác lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, mục tiêu trước tiên là hướng đến giảm giá thành sản xuất cho nông dân, do đó, đề nghị nông dân tuân thủ áp dụng quy trình sản xuất, đảm bảo tiêu chí mô hình. Đồng thời mong muốn các doanh nghiệp, nhà tài trợ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng tỉnh Đồng Tháp trong thực hiện mô hình. Bên cạnh đó tiếp tục tuyên truyền đến người dân về Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.