Thủ tướng: Lắng nghe trẻ em bằng trái tim và bảo vệ trẻ em bằng hành động

08/04/2023, 21:35

Chiều 8/4, trong chương trình công tác tại tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tặng quà, trao học bổng của các nhà tài trợ cho 300 trẻ em của làng trẻ SOS và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên.

Cùng tham dự chương trình có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh Điện Biên. Bày tỏ xúc động được tham dự chương trình, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “lắng nghe trẻ em bằng trái tim và bảo vệ trẻ em bằng hành động” với sự chân thành, hành động cụ thể; đánh giá cao các nhà tài trợ đã tặng các món quà ý nghĩa cho các em, trong đó có những chiếc xe đạp giúp đường đến trường của các em gần hơn.

Thủ tướng nhấn mạnh, trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là mối quan tâm lớn của xã hội và là tương lai của đất nước. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn luôn dành sự quan tâm đặc biệt, tình thương yêu sâu sắc cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Người coi việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em chính là ươm “mầm xanh tương lai” cho đất nước. Bác căn dặn: “Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”. Thực hiện lời dạy của Bác, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, được coi là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu để bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài, bao trùm và bền vững của đất nước.

Nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được ban hành từ rất sớm và không ngừng được hoàn thiện, thể hiện qua việc các bản Hiến pháp Việt Nam từ năm 1959 đến nay đều có nội dung về trẻ em. Hiến pháp 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em”. Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở châu Á, nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em.

Ngày 5/11/2012, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 20-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và triển khai nhiều chính sách, chương trình, đề án về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Các cấp, các ngành, các địa phương đã tích cực thực hiện cùng sự vào cuộc của các tổ chức xã hội, đoàn thể và người dân, các nhà hảo tâm.

Nhờ đó, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho trẻ em đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận: Công tác bảo vệ trẻ em có sự chuyển biến rõ rệt. Tỉ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp tăng hằng năm. Công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em được thực hiện đồng bộ, hiệu quả (100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí); đặc biệt, trong đại dịch COVID-19 vừa qua, trẻ em là đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine. Giáo dục trẻ em đạt được những kết quả quan trọng; tỉ lệ trẻ em đi học đúng tuổi các cấp không ngừng tăng lên. Đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi giải trí, môi trường giao tiếp xã hội của trẻ em ngày càng phong phú, đa dạng. Quyền được tham gia của trẻ em tiếp tục được quan tâm, chú trọng; tiếng nói, nguyện vọng của các em được lắng nghe, đáp ứng. Đạt được kết quả nêu trên là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc hiệu quả của cả hệ thống chính trị; sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương, đoàn thể xã hội, cộng đồng và của chính bản thân các cháu - những mầm non tươi sáng, tương lai của đất nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Điện Biên trong nỗ lực thực hiện sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và việc tổ chức Chương trình trao học bổng, tặng quà tại Điện Biên nói riêng. Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em vẫn còn những tồn tại, khó khăn, thách thức. Cả nước vẫn còn khoảng 1,7 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Theo Thủ tướng, vẫn còn các cháu thiếu nhi sống cuộc sống khó khăn; vẫn có nguy cơ cao bị xâm hại về cả thể chất lẫn tinh thần. Một bộ phận trẻ em thiếu về dinh dưỡng, thiếu sự chăm sóc chu đáo của người lớn. Tình trạng bị tai nạn thương tích, đuối nước, trầm cảm… vẫn diễn ra ở một bộ phận trẻ em. Tỉ lệ tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, một số tập tục lạc hậu còn chưa xóa bỏ ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi và sự phát triển toàn diện của trẻ em… “Thực tiễn đó đòi hỏi chúng ta phải quan tâm trẻ em hơn nữa bằng tất cả trách nhiệm, lắng nghe trẻ em hơn nữa bằng cả trái tim, cùng chung tay bảo vệ trẻ em hơn nữa bằng những hành động thiết thực, hiệu quả, để trẻ em được sống trong bình yên, hạnh phúc, trong tình yêu thương và được phát triển toàn diện”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị, mỗi gia đình hãy tạo ra môi trường sống hạnh phúc, an toàn, tránh gây áp lực cho con trẻ, để trẻ không phải chịu bất hạnh trong chính ngôi nhà của mình. Mỗi nhà trường hãy tạo không khí để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, tránh gây áp lực học hành cho học sinh. Cộng đồng, xã hội “hãy trách nhiệm, yêu thương với trẻ em”, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Các bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm để bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường an toàn, phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải cùng nhau quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần của trẻ em. Hành động vì trẻ em bằng trách nhiệm và tấm lòng nhân ái; đồng thời, lên án mạnh mẽ, xử lý nghiêm các hành động sai trái với trẻ em.

Với các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Thủ tướng bày tỏ kỳ vọng và tin tưởng rằng, với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, của gia đình, nhà trường và toàn xã hội, với chính những sự quyết tâm, cố gắng của bản thân, các cháu sẽ tiếp bước cha anh, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta, nỗ lực, phấn đấu học tập, rèn luyện tốt, để luôn là những người con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ; mai sau trở thành những công dân có ích cho xã hội, xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước./. 

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thông báo Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18/9 đến ngày 20/9/2024 tại thủ đô Hà Nội.
Mới nhất