Thủ đô Hà Nội có tầm vóc, vị thế xứng đáng, đủ tiềm lực để vươn mình bứt phá

Hoàng Lâm/VOV.VN | 08/10/2024, 15:12

VOVLIVE - Trải qua 70 năm xây dựng, phát triển, Thủ đô Hà Nội đã trưởng thành vượt bậc, tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm phong phú, quí báu. Đó chính là những tiền đề vững chắc để Hà Nội phát triển bứt phá, trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, cùng cả nước tiến mạnh vào kỷ nguyên mới.

Tại Hội thảo cấp quốc gia “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu”, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đã chia sẻ về chủ trương, quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển Thủ đô Hà Nội.

Phát triển Hà Nội là chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước

Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội luôn là một trong những công việc có tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình lãnh đạo của Đảng. Những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng thường xuyên chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh của quân dân Hà Nội, phối hợp với cuộc chiến đấu của quân, dân cả nước, tiên tới giải phóng miền Bắc, giải phóng Thủ đô tháng 10 năm 1954.

70 năm qua, trải qua các giai đoạn cách mạng nhiều khó khăn, thủ thách, Đảng đã căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của đất nước, của Hà Nội; kế thừa, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, tham khảo những kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tiễn Việt Nam, ban hành, lãnh đạo thực hiện nhiều quyết sách quan trọng về xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội. Những quyết sách quan trọng của Đảng về Thủ đô là một quá trình liên tục, vừa kế thừa vừa hoàn thiện, gắn liền với 3 giai đoạn của cách mạng nước ta: Từ những năm đầu Thủ đô mới giải phóng (1954-1960); Những thập niên đầu đổi mới (1986-1999) và bước vào thế kỷ XXI.

Tầm nhìn chiến lược, những tư tưởng chỉ đạo khoa học trong hai Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đặt nền tảng và định hướng chính trị để Quốc hội khóa XII ban hành Luật Thủ đô số 25/2012/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2012, và gần đây, Quốc hội khóa XV ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) số 39/2024/QH15 trao nhiều quyền tự chủ với những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, tạo điều kiện để Thủ đô phát triển bứt phá. Cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, Luật Thủ đô của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hai quyết định quan trọng: Quyết định số 222/QĐ-TTg, ngày 22 tháng 2 năm 2012 “Phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Quyết định số 700/QĐ-TTg, ngày 16 tháng 6 năm 2023, phê duyệt “Nhiệm vụ điều chỉnh qui hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065”.

Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, đến thời điểm 2024, sau 70 năm Hà Nội giải phóng, Đảng, Nhà nước đã ban hành một hệ thống văn bản đồng bộ, hoàn chỉnh, thể hiện sự quan tâm và tình cảm đặc biệt đối với Thủ đô. Hệ thống các văn bản đó đã đặt cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc và xác định rõ những định hướng ở tầm chủ trương, quan điểm, nguyên tắc, phương châm làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho công cuộc phát triển Thủ đô.

Cũng theo GS.TS Phùng Hữu Phú, các Văn kiện của Đảng, Nhà nước đã đề cập rất hệ thống, toàn diện, sáng tỏ nhiều vấn đề quan trọng, cơ bản về định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội, trong đó xác định vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của Thủ đô và công cuộc xây dựng, bảo vệ Thủ đô. Thể hiện nhất quán, ngày càng đầy đủ, sâu sắc về vị trí đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội.

Trước hết, Thủ đô là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, biểu tượng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nơi đặt trụ sở các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức quốc tế; nơi khởi phát mọi đường lối, chủ trương của Đảng; nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của đất nước. Thủ đô là trái tim của Tổ quốc, nơi mọi người dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài hướng về với niềm tin yêu, tự hào, hy vọng. Thủ đô Hà Nội là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, giao dịch và hội nhập quốc tế; là thành phố trực thuộc Trung ương, một đô thị loại đặc biệt; là địa bàn chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh quốc gia.

Thủ đô phải đi trước, đi đầu trong việc thực hiện và hoàn thành sớm các kế hoạch, chiến lược phát triển đất nước; đóng vai trò là trung tâm, đầu mối liên kết, dẫn dắt, tạo động lực thúc đẩy và hiệu ứng lan tỏa đổi mới sáng tạo đối với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia. Hà Nội là nơi hội tụ nhân tài, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, kết tinh các giá trị văn hóa tinh hoa của dân tộc; văn hóa, con người Hà Nội phải thật sự tiêu biểu cho văn hóa, con người Việt Nam.

Thủ đô Hà Nội đóng vai trò trọng yếu trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, bảo vệ an ninh chính trị, an toàn xã hội, an ninh con người. Thủ đô Hà Nội là đầu mối giao dịch, hội nhập quốc tế lớn, chủ yếu của đất nước, phải nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy sức hấp dẫn của Thành phố hòa bình, thành phố thân thiện, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế, đi tiên phong trong thực hiện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng.

Thủ đô hội đủ các điều kiện để bứt phá trong “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”

Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước về Thủ đô Hà Nội đã nêu những quan điểm chỉ đạo phù hợp với từng giai đoạn phát triển, tổng hợp lại thành một hệ thống tư tưởng chỉ đạo, phương châm phát triển nhất quán, hoàn chỉnh, có giá trị định hướng về nhận thức, hành động. Căn cứ vào mục tiêu chiến lược chung của đất nước trong mười, hai mươi năm tới, Đảng, Nhà nước định hướng mục tiêu phát triển của Thủ đô đến năm 2030: trở thành Thủ đô “văn hiến, văn minh, hiện đại”; đóng vai trò trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Phát huy vai trò đi đầu, dẫn dắt của Thủ đô trong tiến trình phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, Đảng đưa ra tầm nhìn: đến năm 2045, Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu; có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa, tiêu biểu cho cả nước; đạt trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Để đạt được những mục tiêu cao cả đầy khát vọng đó, Đảng, Nhà nước xác định những phương hướng lớn mà Thủ đô phải phấn đấu thực hiện thắng lợi, trong đó: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững; Phát triển văn hóa, xây dựng con người toàn diện, đồng bộ, mang đậm bản sắc Thủ đô ngàn năm văn hiến; Quản lý phát triển xã hội khoa học, hiệu quả; Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; Chú trọng tăng cường quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại; Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

“70 năm sau ngày giải phóng, đặc biệt là trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Hà Nội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí tự cường, phấn đấu, lao động, sáng tạo không mệt mỏi, giành được những thành tựu to lớn, từng bước hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh, những chủ trương, quan điểm, định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước trong đời sống thực tiễn.

Trải qua 70 năm xây dựng, phát triển, Thủ đô Hà Nội đã có tầm vóc, vị thế xứng đáng, tiềm lực đủ mạnh; có môi trường thể chế thông thoáng, môi trường quốc tế thuận lợi và ngày càng nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các địa phương trong cả nước, sự hợp tác quốc tế hiệu quả. Đảng bộ, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân Hà Nội đã trưởng thành vượt bậc, tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm phong phú, quí báu. Đó chính là những tiền đề vững chắc để Hà Nội phát triển bứt phá, trở thành Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, cùng cả nước tiến mạnh vào kỷ nguyên mới - “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc””, GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.

Bài liên quan
Việt Nam - Kỷ nguyên vươn mình: Kiên định phát triển kinh tế xã hội là trung tâm
VOVLIVE - Kiên định phát triển kinh tế xã hội là trung tâm là quan điểm lớn, nổi bật khi nói đến Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
VOVLIVE - Nhận lời mời của Tổng thống Emmanuel Macron, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiến hành thăm chính thức tới Pháp từ ngày 6 - 7/10/2024. Sau Lễ đón trọng thể trưa ngày 7/10/2024 (theo giờ địa phương) tại Điện Elysée, Paris (Pháp), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội đàm với Tổng thống Emmanuel Macron.
Mới nhất