Cách đây 70 năm, những chiến sĩ của Đại đoàn quân tiên phong đang chuẩn bị tiến về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Và ngày 10/10/1954 là một cột mốc lịch sử đã khắc sâu trong lòng mỗi người dân Hà Nội. Nhìn lại sự kiện lịch sử này, PV VOV phỏng vấn Tiến sĩ Trần Thị Nhẫn, Giảng viên thuộc Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
PV:Sau 9 năm trường kỳ, gian khổ chiến đấu chống thực dân Pháp, ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội đã chính thức được giải phóng, bộ đội ta đã tiến về tiếp quản Thủ đô. Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào trong tiến trình lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc, thưa Tiến sĩ Trần Thị Nhẫn?
TS. Trần Thị Nhẫn: Đây có thể được coi là một mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của cả dân tộc Việt Nam nói chung nhưng đồng thời nó có ý nghĩa rất lớn đối với lịch sử của riêng Thủ đô Hà Nội. Nó đã khẳng định được tinh thần đấu tranh bền bỉ của cả dân tộc Việt Nam, trong đó có nhân dân Thủ đô Hà Nội để bảo vệ nền độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam. Nó là biểu tượng cho tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của những người con Hà Nội với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Thủ đô với những lớp lớp người từ già đến trẻ đã thể hiện tinh thần nồng nàn yêu nước, để đấu tranh, để góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Và ý nghĩa cuối cùng thì theo tôi cho rằng, sự kiện Thủ đô Hà Nội được giải phóng đó chính là một cơ sở vững chắc đặt nền tảng để cho Thủ đô Hà Nội tiến lên xây dựng ở những bước cao hơn, tầm cao hơn. Như hôm nay chúng ta thấy là Hà Nội đang vươn mình lên trở thành một Thủ đô hòa bình, ngàn năm văn hiến.
PV: Sau ngày giải phóng, Thủ đô Hà Nội đã khẩn trương bước vào công cuộc tái thiết để trở thành trái tim của cả nước và quan trọng trước hết là trở thành hậu phương vững chắc để chi viện sức người, sức của cho miền Nam đánh Mỹ….
TS. Trần Thị Nhẫn: Sau năm 1954, lịch sử Việt Nam có tính đặc thù rất rõ nét. Đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Miền Bắc được hòa bình, độc lập tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, còn miền Nam phải tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong bối cảnh đó thì Thủ đô Hà Nội như là một cái lõi trung tâm của hậu phương vững chắc của cả nước.
Ngay sau năm 1954, Đảng bộ Thành phố Hà Nội và lãnh đạo nhân dân Hà Nội tích cực khẩn trương bước vào công cuộc khôi phục, khắc phục hậu quả chiến tranh để tái thiết, để xây dựng Thủ đô Hà Nội. Thủ đô Hà Nội cùng với nhân dân miền Bắc kiên cường, bất khuất để cùng vượt qua những gian khó của hậu quả chiến tranh để lại. Và hơn nữa, trong một bối cảnh lịch sử như vậy thì Thủ đô Hà Nội đã phát huy được vai trò rất quan trọng, rất to lớn đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đối ở miền Bắc nói riêng và sự nghiệp cách mạng của cả Việt Nam nói chung.
Cụ thể là Hà Nội đã chứng tỏ được là trung tâm của hậu phương miền Bắc, là chỗ dựa cả về tinh thần vật chất cho cả nước nói chung, đặc biệt là đối với nhân dân miền Nam. Thứ hai, Hà Nội đã phát huy được tinh thần tất cả cho tiền tuyến, đã chi viện hết mình cho tiền tuyến miền Nam. Lớp lớp người Hà Nội trong đó bao gồm tất cả các giai cấp, các tầng lớp từ giai cấp công nhân đến giai cấp nông dân, đến tầng lớp trí thức, từ những học sinh, sinh viên cho đến đội ngũ văn nghệ sĩ đã sẵn sàng ra tiền tuyến để chi viện cho miền Nam thân yêu đánh Mỹ cứu nước.
PV: Không những chi viện sức người, sức của cho miền Nam mà Hà Nội cũng hiên ngang, kiên cường bất khuất đáp trả lại mọi hành động leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, khi chúng đánh ra miền Bắc?
TS. Trần Thị Nhẫn: Thì thủ đô Hà Nội cũng là một trung tâm đã đóng góp rất lớn về vật chất, về lương thực, thực phẩm và đặc biệt là những phương tiện chiến tranh để có thể chi viện lớn nhất cho miền Nam để đánh quốc Mỹ xâm lược. Và một điều nữa, bản thân chính thủ đô Hà Nội cũng rất kiên cường, anh dũng trong cuộc đấu tranh chống lại sự leo thang đánh phá của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc. Vì trên thực tế, từ cuối năm 1964, đầu năm 1965 trở đi, đế quốc Mỹ đã leo thang đánh phá miền Bắc với mức độ rất quyết liệt, nhất là đợt đánh phá lần thứ hai. Trong bối cảnh đó, nhân dân Thủ đô Hà Nội đã kiên cường với những quyết tâm cao nhất để đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, để bảo vệ Thủ đô Hà Nội.
PV:Bảo vệ Thủ đô trong bối cảnh lúc đó thì có ý nghĩa như thế nào?
TS. Trần Thị Nhẫn: Bảo vệ thủ đô Hà Nội cũng là bảo vệ cho trung tâm đầu não của Đảng, của Nhà nước và bảo vệ Nhân dân. Đồng thời, nó cũng giữ vững được trái tim của cả nước để làm chỗ dựa vững chắc về tinh thần và vật chất cho nhân dân miền Nam. Và qua đó đã góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, những thành quả mà nhân dân miền Bắc đã nỗ lực, phấn đấu để tạo dựng được. Và kết quả bảo vệ vững chắc thủ đô, bảo vệ miền Bắc lại góp phần rất lớn, có tính chất quyết định tới thắng lợi hoàn toàn của cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, để đưa non sông thu về một mối, để thống nhất hoàn toàn, độc lập dân tộc.
PV: Ngày 10/10/1954 là ngày Giải phóng Thủ đô, và với những người chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô thì họ cũng gọi đó là ngày trở về. Ngày trở về, tên gọi đó nghe rất là thân thương và toát lên vẻ đẹp trong chiều sâu văn hoá của con người Hà Nội….
TS. Trần Thị Nhẫn: Đây là một cách nói hình ảnh nhưng nó lại thể hiện được một ý nghĩa rất lớn lao đối với những người dân Thủ đô nói chung và trong đó có những người chiến sĩ, đặc biệt là của Trung đoàn Thủ đô Hà Nội. Chúng ta khẳng định như vậy bởi một nguyên nhân rất rõ ràng là khi mà thực dân Pháp mở rộng đánh chiếm ra miền Bắc và xâm chiếm Thủ đô Hà Nội, thì ngày 19 tháng 12 năm 1946 cả nước đã bước vào toàn quốc kháng chiến, với lời kêu gọi của Trung ương Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nhân dân thủ đô Hà Nội đã kiên cường bám trụ tại thủ đô để kiên cường giữ vững Hà Nội trong 60 ngày đêm. Trong 60 ngày đêm đó đã giúp cho toàn bộ cơ quan của Đảng, chính phủ và nhân dân Thủ đô Hà Nội sơ tán ra khỏi Thủ đô Hà Nội lên chiến khu, an toàn khu Trung ương để thực hiện một cuộc kháng chiến lâu dài.
Tuy nhiên, khi mà rút ra khỏi Thủ đô Hà Nội lên căn cứ địa kháng chiến để thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ lâu dài như vậy thì tất cả người dân Việt Nam nói chung, trong đó có nhân dân Thủ đô Hà Nội và những người chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô là những người rút sau cùng đều có một niềm tin son sắt vào chiến thắng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp, như Đảng đã nhận định là kháng chiến nhất định thắng lợi. Vì vậy sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và thắng lợi đã giành được thì những người con của Thủ đô Hà Nội nói chung trong đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản thủ đô Hà Nội với một niềm phấn khởi, niềm vui mừng và xen kẽ trong đó cả cái sự xúc động, xúc động đó là sự trở về, sự trở về đó như là một sự trở về ngôi nhà thân yêu của chính mình.
PV: Để có được ngày trở về đó thì trong những ngày toàn quốc kháng chiến, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã thể hiện ý chí quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, giam chân địch trong Thành phố. Vậy, Tiến sĩ Trần Thị Nhẫn có cho rằng là một lần nữa thì tinh thần đó lại được phát huy cao độ trong cuộc đối đầu với đế quốc Mỹ, điển hình nhất là đối phó với cuộc tập kích đường không của chúng cuối năm 1972?
TS. Trần Thị Nhẫn: Khi đế quốc Mỹ thực hiện leo thang đánh phá miền Bắc và đặc biệt trong đợt đánh phá lần thứ 2 từ tháng 4 năm 1972 cho đến cuối năm 1972 thì Mỹ đã đặc biệt đánh phá trực diện vào Thủ đô Hà Nội. Trong bối cảnh đó thì quân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và nhân dân miền Bắc nói chung đã quyết tâm rất là lớn. Bởi vì khi đó Mỹ đã mang đến miền Bắc và đánh phá Hà Nội với những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất. Đặc biệt với những chiến lược đánh phá cũng lắt léo và ở mức độ phức tạp hơn rất nhiều. Tuy nhiên với trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và lòng quyết tâm, ý chi kiên cường của quân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung thì chúng ta đã làm khuất phục, đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ và buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và phải chấm dứt hoàn toàn hoạt động quân sự đối với miền Bắc, phải bước vào đàm phán tại Hội nghị Paris để kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
PV: Thủ đô Hà Nội của chúng ta đã đi qua những thăng trầm của lịch sử, văn hoá hồn cốt của Hà Nội có được coi là một trong những nguyên nhân quan trọng để Thủ đô của chúng ta luôn vững vàng, luôn hiên ngang trước những cam go, thách thức của lịch sử?
TS. Trần Thị Nhẫn: Bất cứ một thắng lợi nào nó đều được bắt nguồn từ cái cơ sở cái nền tảng vững chắc. Và cái cơ sở nền tảng đó đối với quân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung đó là cội nguồn từ nền tảng văn hóa, từ những truyền thống quý báu của dân tộc. Mà biểu tượng cao nhất đó chính là truyền thống yêu nước, đoàn kết toàn dân. Và nó được phát huy thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vậy thì những thắng lợi của quân dân Thủ đô Hà Nội và nhân dân miền Bắc trong cuộc đương đầu với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng chính là thể hiện cao nhất, là biểu tượng sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung.
PV: Vâng, cảm ơn Tiến sĩ Trần Thị Nhẫn đã trả lời phỏng vấn!