“Siết” dạy thêm, học thêm sẽ tác động ra sao?

Nguyễn Yên/VOV Giao thông | 14/02/2025, 10:01

Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT với những quy định mới về tổ chức dạy thêm học thêm có hiệu lực vào ngày 14/2. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này sẽ có nhiều tác động lớn trong bối cảnh dạy thêm, học thêm là nhu cầu và là nguyện vọng chính đáng của một bộ phận học sinh và giáo viên;

“Siết” dạy thêm, học thêm sẽ có tác động ra sao? Cần giải quyết từ gốc vấn đề này ra sao? Trong khi, những vấn đề gốc rễ như chính sách tiền lương của giáo viên hay chuyện phụ huynh nặng nề chuyện thi cử, điểm số vẫn chưa có chuyển biến. PV VOV Giao thông đối thoại với TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lí giáo dục Việt Nam về nội dung này.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về những tác động của Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT, tôi cho là có tính nhân văn rất cao và nó tiếp cận với nền khoa học giáo dục của các nước trên thế giới, tiến tới không dạy thêm trong các nhà trường để đảm bảo thời gian tự học, đảm bảo sự phát triển bản thân của học sinh – đây mới là điều quan trọng. Nhưng ở đây cũng có bất cập khi đưa ra vào lúc sắp thi chọn trường, thi tốt nghiệp nên hiện nhiều phụ huynh và học sinh còn lo lắng, lúng túng, không biết cách giải quyết như thế nào.

Theo tôi, "bệnh" dạy thêm, học thêm tràn lan nhiều năm nay, thành một cái nếp rồi, phải nhìn nhận Thông tư 29 ở cả 2 phía người học, người dạy và cha mẹ học sinh phải thấy được yêu cầu cấp thiết, tiến bộ và nhân văn của Thông tư 29 để phấn đấu thực hiện; ngược lại Bộ Giáo dục cũng phải thấy được những khó khăn của các nhà trường, giáo viên và học sinh khi tiếp nhận vấn đề này đột ngột, chưa có sự chuẩn bị, chưa có giải pháp đi theo.

PV: Theo ông, việc dạy thêm, học thêm có thể chấm dứt hoàn toàn với những điều kiện nào?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Để giải quyết dứt điểm việc học thêm, dạy thêm không chỉ có việc cấm giáo viên dạy học sinh của mình, cấm thu tiền trong nhà trường; không chỉ làm việc đó mà giải quyết được ngay mà cần phải có đủ 3 yếu tố: chúng ta phải xây dựng đủ trường, các trường có chất lượng giáo dục tương đương nhau, nếu chỉ xây dựng một số trường chất lượng cao, còn các trường khác không có chất lượng thì lại phải thi cử, chọn lựa, phải học vì điểm.

Thứ 2 phải làm sao chuyển hướng cho giáo viên, phụ huynh và học sinh nhận thức được việc cần nâng khả năng tự học sáng tạo, tự phát triển bản thân của học sinh; mỗi người chỉ có năng lực khi có khả năng tự học, tự trải nghiệm. Thứ 3, trách nhiệm của giáo viên là phải giúp đỡ học sinh nhưng khi họ làm thêm thì họ phải có thù lao, giờ chúng ta cấm thu tiền thì phải có cách nào đó để trả tiền làm thêm giờ, hoặc ngân sách của địa phương trả cho việc đó để giáo viên giúp cho học sinh có khả năng tự học. Tôi tin là với công nghệ hiện nay, học sinh dưới sự hướng dẫn của giáo viên có khả năng tự học tốt và khi đó việc dạy thêm, học thêm không thể tràn lan như hiện nay.

PV: Còn với việc lương giáo viên đủ sống thì không cần dạy thêm, học thêm, theo ông cần quan tâm ra sao?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Với phát triển khoa học công nghệ hiện nay thì chất lượng giáo dục của nhà trường là chất lượng nguồn nhân lực và cần có đội ngũ nhà giáo nên cần tăng lương để họ đủ sống, tập trung vào công tác giảng dạy thì mới tìm được những người giỏi, người tài.

Việc này cần được giải quyết sớm để có nguồn nhân lực chất lượng cao, lâu dài cho đất nước thì cần giải quyết vấn đề tiền lương và khi họ làm thêm phải có chế độ, đảm bảo quyền lợi cho họ.

PV: Xin cảm ơn ông! 

Bài liên quan
Dừng dạy thêm học thêm: Cú sốc hay bước ngoặt?
"Dừng học thêm, các em sẽ hụt hẫng, hoang mang, nhưng đây chính là cơ hội để các em tìm lại sức mạnh nội tại - tinh thần tự học".

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Vai trò của Phát thanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu khó lường
Kỷ niệm ngày Phát thanh Thế giới năm nay, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) thực hiện chương trình phát thanh đặc biệt với chủ đề “Phát thanh và Biến đổi khí hậu”. Đây cũng là chủ đề được UNESCO lựa chọn cho ngày Phát thanh thế giới năm nay.
Mới nhất