Rạn nứt của EU khiến Phương Tây thất bại trong trừng phạt Nga?

Kiều Anh/VOV.VN Tổng hợp | 06/08/2022, 06:11

Mặc dù cuộc xung đột ở Ukraine gần như chắc chắn sẽ tiếp tục nhưng việc nó kéo dài bao lâu vẫn chưa rõ. Cuộc chiến càng kéo dài, các nhà lãnh đạo châu Âu càng đối mặt với nhiều thách thức mới trong việc duy trì sức ép lên Nga.

Những rạn nứt xé toạc sự đoàn kết của châu Âu

Ngày 26/7, EU đã thông báo một thỏa thuận khí đốt nhằm thể hiện sự đoàn kết của khối trong việc đối phó với Nga. Theo đó, các nước EU sẽ cắt giảm tiêu thụ khí đốt khoảng 15% từ tháng 8/2022 - 3/2023, từ đó giúp ngăn cản một cuộc khủng hoảng vào mùa đông và hạn chế khả năng Nga sử dụng năng lượng làm vũ khí. Bề ngoài thì thỏa thuận này dường như một động thái củng cố thêm sự đoàn kết của EU được duy trì từ đầu cuộc chiến. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cắt giảm diễn ra tự nguyện và có những trường hợp ngoại lệ với một số quốc gia đã đặt câu hỏi về ý nghĩa của thỏa thuận, đặc biệt khi tình trạng thiếu hụt khí đốt sẽ ảnh hưởng đến một số quốc gia ở mức độ lớn hơn so với những quốc gia khác.

6 tháng kể từ Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, có những dấu hiệu cho thấy châu Âu đang chật vật duy trì trừng phạt trong một cuộc chiến ngày càng tốn kém. Với lạm phát gia tăng, cuộc khủng hoảng năng lượng trở nên tồi tệ và nguy cơ suy thoái ngày càng hiện hữu, các nhà lãnh đạo châu Âu đã lên tiếng về những tác động kinh tế - xã hội của cuộc xung đột cũng như những ảnh hưởng về chính trị và địa chính trị.

Đằng sau sự nhất trí được thể hiện bên ngoài, căng thẳng luôn âm ỉ trong lòng EU về cách đối phó với cuộc chiến. Chẳng hạn như nhịp độ vận chuyển vũ khí của Đức cho Ukraine đang chậm dần trong khi tại Italy, giữa bối cảnh chính phủ liên minh của Thủ tướng Mario Draghi sụp đổ, ngày càng có nhiều quan điểm phản đối sự ủng hộ quân sự cho Ukraine trong các đảng theo chủ nghĩa dân túy của nước này. Mặc dù 5 gói trừng phạt trước đó được thông qua với tốc độ nhanh chóng nhưng EU đã phải dành nhiều tuần để thông qua gói trừng phạt thứ sáu nhằm vào dầu mỏ Nga.

Trước những thách thức, một câu hỏi lớn hơn được đặt ra là sự đoàn kết của châu Âu trong cuộc chiến này có thể duy trì bao lâu và liệu có nhân tố nào có thể khiến nó sụp đổ hay không?

Những rạn nứt trong lòng EU đang ngày càng lớn. Đầu tiên đó là sự chia rẽ gia tăng giữa phía Đông và phía Tây châu lục. Trong khi những quốc gia sát biên giới với Ukraine như các nước vùng Baltic và Ba Lan kêu gọi thực thi công lý qua các biện pháp trừng phạt và ủng hộ quân sự mạnh mẽ cho Ukraine thì các nước ở Tây Âu như Italy, Pháp và Đức lại nghiêng về hướng nhượng bộ Nga.

Những nhận định gây tranh cãi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 6 về tầm quan trọng của việc không làm Nga bẽ mặt là một ví dụ. Ngoài ra, khi cuộc khủng hoảng năng lượng và kinh tế trở nên sâu sắc, các quốc gia càng cách xa tiền tuyến thì sẽ càng ủng hộ việc nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

Mặc dù các nước Đông Âu cũng chịu hậu quả về kinh tế nhưng lãnh đạo của những nước này có lẽ vẫn duy trì lập trường cứng rắn, rằng hòa bình chỉ có thể đạt được khi Ukraine đẩy lùi Nga khỏi lãnh thổ và Tổng thống Putin phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình.

Trong khí đó châu Âu cũng chứng kiến chia rẽ giữa Bắc và Nam Âu suốt từ cuộc khủng hoảng nợ công cách đây 1 thập kỷ. Với việc suy thoái có thể xảy ra trong tương lai gần hoặc thậm chí là suy thoái kèm lạm phát, sự khác biệt về chi phí đi vay (borrowing cost) giữa các nước ở Bắc và Nam Âu, trong đó đáng chú ý nhất là giữa Đức và Italy ngày càng gia tăng. Pháp, Tây Ban Nha và Italy đang kêu gọi sáng kiến mới từ Brussels nhằm tăng quỹ phục hồi hậu Covid-19 của châu Âu và giải quyết những chi phí kinh tế liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, trong đó có sự dịch chuyển sang các loại năng lượng đắt đỏ hơn.

Tuy nhiên, Đức - quốc gia chứng kiến giá năng lượng tăng gấp 3 lần do phụ thuộc vào Nga ít có khả năng ủng hộ kế hoạch này. Nếu đưa ra bất kỳ sáng kiến nào, có thể Đức sẽ kêu gọi các nước EU hỗ trợ Berlin giảm nhẹ tác động từ cuộc khủng hoảng năng lượng thay vì cung cấp tài chính để giải quyết vấn đề kinh tế của các nước khác. Do vậy, không mấy ngạc nhiên khi Đức ủng hộ mạnh mẽ thỏa thiện tiết kiệm khí đốt của EU hồi tháng 7.

Phương Tây thất bại trong trừng phạt Nga?

Thời gian đang chứng minh việc phương Tây tẩy chay Nga và áp các biện pháp trừng phạt nặng nề kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, đã không hiệu quả vì nhiều lý do. Ngay từ đầu, sự thất bại của phương Tây trong việc tẩy chay Nga đã được báo trước dựa trên những cơ sở khách quan cho thấy khả năng của phương Tây và Nga.

Trên thực tế, Nga thậm chí đã đạt được nhiều thành quả nhờ các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Thành quả đầu tiên trong số đó là sự tăng giá của đồng rúp so với các đồng tiền khác khi nó tăng lên 135% trong 5 tháng, cán mốc 60 rúp đổi lấy 1 USD. Điều này đã khiến Ngân hàng Trung ương Nga phải can thiệp để hãm lại sự gia tăng của đồng tiền này, trái hẳn với những kỳ vọng của phương Tây ban đầu, đó là khiến đồng rúp sụp đổ. Khó ai có thể tin rằng trước đó, vào tháng 3, đồng rúp của Nga từng rớt giá tới mức 150 rúp đổi lấy 1 USD.

Sự thất bại của phương Tây khi áp trừng phạt Nga còn thể hiện trong một bài báo trên trang Deutsche Welle của Đức. Theo đó, bài báo này chỉ rõ, sự ủng hộ của châu Âu với các biện pháp trừng phạt Nga đang giảm dần do tình trạng lạm phát. Tờ The Economist thì ước tính, nếu dòng chảy khí đốt từ Nga tới khu vực đồng euro dừng lại, tăng trưởng GDP của khu vực này sẽ giảm 3,4% và lạm phát tăng 2,7%.

Là một phần trong các biện pháp nới lỏng trừng phạt, EU đã quyết định giải phóng nguồn tiền của các ngân hàng hàng Nga để hỗ trợ trao đổi thương mại và năng lượng. Wall Street Journal đưa tin, EU quyết định không đưa tập đoàn VSMPO-Avisma của Nga vào gói trừng phạt do Pháp phản đối. VSMPO-Avisma là nhà sản xuất titanium lớn nhất thế giới và là một nguồn cung quan trọng cho Airbus. Động thái này đã khiến Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng EU cần một chiến lược mới trong cuộc xung đột ở Ukraine bởi các lệnh trừng phạt Nga không hiệu quả.

Về phía Mỹ, CNBC đưa tin vào tuần trước, "kinh tế Mỹ đã giảm 0,9% trong quý II và đã bước vào một cuộc suy thoái cùng tỷ lệ lạm phát chưa từng có. Sự xuất hiện đồng thời của 2 nhân tố này có nguy cơ khiến kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng lạm phát kèm suy thoái”.

Trong khi đó, Nga đang thích nghi một cách khá thoải mái trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Ngoài sự gia tăng của đồng rúp, sản xuất dầu mỏ của Nga cũng tăng lên 10,78 triệu thùng/ngày trong tháng 7, Bloomberg đưa tin.

Dầu mỏ Nga đã sớm tìm ra cách để xuất ra thị trường thế giới, đặc biệt là châu Á, khiến cho châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Đức, nền kinh tế đang bị rung chuyển bởi cuộc khủng hoảng năng lượng, đang kêu gọi người dân cố gắng chịu lạnh, giữa bối cảnh các công ty năng lượng đang gặp khó khăn và một số công ty đứng trước nguy cơ phá sản. Tình hình khó khăn này đã khiến Chính phủ Đức phải có động thái để hỗ trợ Uniper - nhà nhập khẩu khí đốt từ Nga với khoản cứu trợ 15,2 tỷ USD sau khi công ty này trở thành nạn nhân lớn nhất trong cuộc chiến năng lượng giữa châu Âu và Nga.

Những dẫn chứng trên chỉ là một vài trong số những biện pháp trừng phạt thất bại của phương Tây với Nga. Dự kiến, châu Âu sẽ giảm đáng kể các biện pháp trừng phạt Nga vào mùa đông bởi nhu cầu của EU với năng lượng và khoáng chất Nga là không thể thay thể và không thể bù đắp./.

Bài liên quan
Rủi ro tiềm ẩn khi châu Âu vượt qua mùa đông thiếu vắng năng lượng Nga
Sau những thay đổi mạnh mẽ thời gian qua, phải chăng châu Âu đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng năng lượng?

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Tìm được người tài để vận hành bộ máy
VOVLIVE - Người phát ngôn Bộ Nội vụ nhấn mạnh điểm quan trọng nhất khi tinh gọn bộ máy là tìm được người tài để vận hành bộ máy. Làm như vậy mới có được kết quả tích cực.
Mới nhất