“Quyền năng” của hội phụ huynh

Mai Phạm/VOV.VN | 22/09/2022, 08:16

Lạm thu sẽ là câu chuyện dài và chưa biết đến bao giờ kết thúc nếu không có giải pháp hữu hiệu, trong đó quyết định phần lớn vẫn từ việc tổ chức, hoạt động của các hội phụ huynh…

Trong lúc dừng đèn đỏ, tôi nghe được 2 bác xe ôm nói chuyện về các khoản đóng góp đầu năm của con. Họ than phiền về quỹ lớp của con hơn 1 triệu đồng, gấp mấy lần tiền học phí, là một gáng nặng đối với gia đình họ.

Thực ra, câu chuyện về các khoản đóng góp đầu năm, trong đó có quỹ lớp không phải là mới và không chỉ là “gánh nặng” đối với 2 bác xe ôm mà tôi vô tình nghe trên đường, nó đã là nỗi lo của phần lớn phụ huynh, nhất là các gia đình nông dân, lao động phổ thông, kể cả công nhân, viên chức có con đang học phổ thông.

Cứ vào đầu năm học mới, ngoài tiền mua sách giáo khoa, đồng phục, học phí, tiền bán trú thì các khoản “bất thành văn” như rèm cửa, điều hòa, cầu thang, tiền mua ghế ngồi sinh hoạt dưới cờ, bồn hoa… còn lớn hơn khoản tiền quy định rất nhiều, trở thành nỗi lo của nhiều gia đình, nhất là những nhà có 2 đến 3 con đang độ tuổi học phổ thông.

Hầu hết các bậc cha mẹ đều đã trải qua nhiều buổi họp phụ huynh đầu năm, đầu học kỳ 2 và cuối năm. Cơ bản buổi họp nào cũng có phần quan trọng của hội phụ huynh lớp là thông báo các khoản thu, chi. Khi nhận được thông báo, nhiều phụ huynh thở dài nhưng cũng không dám ý kiến vì ngại sẽ ảnh hưởng đến con mình.

Tôi còn nhớ mãi hồi con học cấp 1, trong một buổi họp phụ huynh của lớp, tôi và vài phụ huynh khác “lỡ miệng” góp ý cân nhắc khi ngoài khoản quỹ lớp gần 1 triệu đồng, Ban phụ huynh còn đề xuất thêm gần 1 triệu đồng/học sinh cho việc in kỷ yếu. Chúng tôi thấy rằng ở lứa tuổi các con, quyển kỷ yếu chưa hẳn đã có nhiều ý nghĩa. Với lại, đây là số tiền không nhỏ đối với nhiều gia đình phụ huynh trong lớp đang buôn bán ở các chợ cóc hay làm công nhân.

Ngay sáng hôm sau, những đứa trẻ mà bố mẹ có ý kiến “ngược” bị các bạn trong lớp tẩy chay chỉ vì “bố mẹ chúng mày làm bọn tao không có kỷ yếu”. Điều đáng nói, con tôi bị ám ảnh nặng nề. Đến giờ, dù 6-7 năm trôi qua, lần nào họp phụ huynh nó cũng dặn đi dặn lại “khi họp mẹ nhớ không được phát biểu gì”.

Phải thừa nhận, ban/hội phụ huynh cũng có nhiều đóng góp trong việc hỗ trợ cô giáo trong các công việc ngoài chuyên môn, như thu chi các khoản tiền, tổ chức các cuộc vui chơi dã ngoại cho các con hay nhiều hoạt động khác… Và thực tế, không phải phụ huynh nào cũng sẵn sàng nhận việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như thế.

Nhưng, thực tế hiện nay, nhiều ban/hội phụ huynh đang thực hiện những công việc quá trách nhiệm của mình. Nhiều cuộc họp lớp, họ thường đứng ra “kêu gọi” các phụ huynh khác tự nguyện đóng góp các khoản xã hội hóa như rèm cửa, điều hòa, cầu thang, tiền mua ghế ngồi sinh hoạt dưới cờ… Và gần như các khoản mà họ đưa ra,  ít ai “dám” ý kiến, nói gì đến phản đối. Hầu hết suy nghĩ rằng, bày tỏ của mình sẽ trở nên lạc lõng, chưa nói đến sự “yên ổn” của con khi đến lớp. Và cuối mỗi buổi họp thường mọi người thống nhất ký vào một loại đơn tự nguyện đóng góp, hỗ trợ trường/lớp để phòng trường hợp có đoàn thanh tra, kiểm tra hay khi có kiện cáo.

Cũng có lẽ vì thế, dù năm nào các khoản lạm thu được nhắc nhiều, có văn bản của Bộ, Sở yêu cầu “tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học", nhưng việc ai nấy làm. Thậm chí, các khoản tiền “bất thành văn” ngày càng nhiều với đủ các hạng mục nhằm “mục đích” hỗ trợ các con học tập tốt nhất.

Lạm thu sẽ là câu chuyện dài và chưa biết đến bao giờ kết thúc nếu không có giải pháp hữu hiệu, trong đó quyết định phần lớn vẫn từ việc tổ chức, hoạt động của ban/hội phụ huynh của trường/lớp. Bởi thực tế hiện nay, hầu hết hội phụ huynh dù chỉ là một nhóm cha mẹ học sinh nhưng lại đầy “quyền năng”. Những đề xuất, kế hoạch về thu chi của họ đề ra (đôi khi là theo gợi ý “tế nhị” của cá nhân hay nhóm nhỏ nào đó), kể cả những khoản không được phép thu theo quy định, nhưng gần như thành quy định “bất thành văn”, các phụ huynh khác dù không thấy thoải mái, nhưng ít khi dám phản ứng.

Vậy nên, để giảm nhiệt câu chuyện lạm thu đầu năm học, cần xem xét, cân nhắc việc giáo viên ngoài việc giảng dạy, có đang bị quá nhiều “việc không tên” đến mức cần cần thiết phải có hội phụ huynh hỗ trợ? Các khoản thu theo quy định đầu năm, có cần thiết phải hội phụ huynh đứng lên thu, trong khi nhà trường cũng có bộ phận làm hành chính-kế toán, nhất lại trong thời đại chuyển đổi số, việc nộp tiền qua tài khoản cũng không quá khó khăn.

Còn hội phụ huynh chỉ làm nhiệm vụ tổ chức cho các con một năm đôi lần các buổi họp lớp, ngoại khóa, hay tặng hoa thầy cô ngày lễ, Tết thì có cần một ban bệ cồng kềnh đến như vậy, hay nên tổ chức như thế nào cho phù hợp? Hiện tại việc liên lạc giữa các phụ huynh rất dễ dàng, mỗi lớp đều có nhóm facebook, zalo… Nên chăng gần đến những dịp đó, phụ huynh thông báo, góp ý công khai trên nhóm và cử đại diện làm những việc này, thậm chí nên có thêm các con tham gia chúc mừng thầy cô nhân các ngày lễ, Tết.

Hỗ trợ và tạo điều kiện để nhà trường, thầy cô chuyên tâm vào giảng dạy là mong muốn của hầu hết cha mẹ học sinh. Nhưng để những việc này có ý nghĩa và không trở thành gánh nặng của nhiều gia đình cũng là điều cần làm.

Khi một việc được tất cả mọi người đều vui vẻ, tự nguyện thì mới thực sự mang ý nghĩa tốt đẹp và nhân văn./.

Bài liên quan
Mách bạn món quà ý nghĩa dành tặng mẹ cha dịp 30/4 – 1/5
Kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 là dịp để những người con trở về nhà, thể hiện sự quan tâm tới mẹ cha bằng tình cảm chân thành và những món quà thay lời muốn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Lễ Thượng cờ Thống nhất non sông tại đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải
Sáng nay (30/4), tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ Thống nhất non sông, tôn vinh những chiến công bất tử, tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
  • Đèo Pha Đin ngày ấy, bây giờ
    Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đèo Pha Đin huyền thoại đã in dấu chân của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong trên hành trình tiếp vận vũ khí, lương thực, thực phẩm cho bộ đội ta nơi tiền tuyến.
  • Mít tinh kỷ niệm 49 năm giải phóng quần đảo Trường Sa
    Cách đây 49 năm, trong không khí hào hùng tiến về Sài Gòn, với phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ”, các chiến sỹ quân chủng Hải quân đã tranh thủ thời cơ, bất ngờ tấn công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
  • Cận cảnh trận địa pháo hoa ở TP.HCM sẵn sàng khai hỏa mừng ngày 30/4
    Tại công viên hầm vượt sông Sài Gòn, lực lượng chức năng lắp đặt xong 1.500 quả pháo tầm cao cùng 30 giàn pháo hoa tầm thấp sẵn sàng khai hỏa vào 21h hôm nay.
Mới nhất