Đèo Pha Đin ngày ấy, bây giờ

Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc | 30/04/2024, 20:37

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đèo Pha Đin huyền thoại đã in dấu chân của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong trên hành trình tiếp vận vũ khí, lương thực, thực phẩm cho bộ đội ta nơi tiền tuyến.

70 năm sau giải phóng, những câu chuyện về một thời hoa lửa vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim những người lính, người dân ở các bản làng dưới chân con đèo này. Tinh thần ấy cũng vẽ nên bức tranh Pha Đin ngày mới với những gam màu tươi sáng.

dien_bien.png

Ở tuổi 95, sức khỏe đã giảm sút, nhưng ông Quàng Văn Khỏ, xã Mường É, huyện Thuận Châu, Sơn La vẫn nhớ từng vị trí của đồn địch, những cung đường chi chít hố bom mà ông từng san lấp trên đèo Pha Đin - tuyến đường huyết mạch, nối hậu phương rộng lớn tới chiến trường Điện Biên Phủ...

Ông Quàng Văn Khỏ, xã Mường É, huyện Thuận Châu, Sơn La: "Ngày xưa đường này toàn là mòn, đi lên Điện Biên bộ đội phải hành quân đi ban đêm. Máy bay thả bom xuống, chúng tôi lấp hố bom cho bộ đội đi. Hồi trước rất vất vả, phải lấp hố bom vào ban đêm thôi".

Đèo Pha Đin nằm giữa 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên - nơi cửa ngõ của chiến dịch Điện Biên phủ, nên quân Pháp luôn tìm cách để cắt đứt việc tiếp lương, tải đạn của quân và dân ta ra mặt trận. Chúng cho máy bay tuần tiễu khu vực đèo hàng chục lần mỗi ngày, thả hàng trăm quả bom phá, nổ chậm, bom bi... xuống đèo, nên nơi này được ví như “túi bom”.

Với ông Lường Văn Hợp ở xã Mường É, huyện Thuận Châu, Sơn La, những chuyến băng rừng, vượt suối tránh mưa bom, bão đạn và cả khoảnh khắc kiên cường đối diện với kẻ địch để hoàn thành nhiệm vụ liên lạc vẫn hằn sâu trong ký ức.

Ông Lường Văn Hợp, xã Mường É, huyện Thuận Châu, Sơn La: "Nếu trên đường gặp địch, tôi phải nhai, phải nuốt tài liệu vào bụng ngay, không để chúng bắt được tài liệu trên tay, vì nếu để chúng biết chúng giết mình ngay."

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có hàng ngàn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần thân thể của mình tại con đèo Pha Đin huyền thoại này để đảm bảo thông xe, thông tuyến, phục vụ kịp thời chuyển quân, chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm ra tiền tuyến.

Theo ông Lò Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Mường É, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, trong giai đoạn chiến dịch Điện Biên phủ, địa phương có 8 người là bộ đội, 20 người là thanh niên xung phong, hàng trăm người làm dân công hỏa tuyến.

Ông Lò Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Mường É, huyện Thuận Châu, Sơn La: "Họ thực sự là những bộ đội cụ Hồ, người dân rất nể trọng, vì có truyền thống tốt đẹp, có tác phong lề lối, tham gia các cuộc sinh hoạt người cao tuổi, hoà giải, dạy bảo con cháu chấp hành chủ trương, hương ước, quy ước làng bản..."

Là chứng nhân lịch sử của tinh thần, ý chí của bộ đội công binh, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, năm 2020, Đèo Pha Đin được Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia. Tuyến đường đèo dốc chênh vênh, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc, nay tiếp tục là con đường huyết mạch giúp tỉnh Điện Biên nối liền giao thương với Sơn La và các tỉnh miền xuôi.    

Việc triển khai xây dựng và phát động xã hội hóa xây dựng Đền thờ Liệt sỹ trên đèo Pha Đin được tỉnh Sơn La nói chung và huyện Thuận Châu nói riêng đặc biệt quan tâm, để tỏ lòng tưởng nhớ công ơn to lớn của các anh hùng, liệt sỹ đã hi sinh tại đèo Pha Đin, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

Công trình có tổng diện tích 15.300 m2; quy mô đầu tư xây dựng gồm các hạng mục: Đền thờ Liệt sỹ, kỳ đài, am hóa sớ và các hạng mục phụ trợ khác. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn huy động xã hội hoá.

Chị Quàng Thị Hương, xã Nong Lay, huyện Thuận Châu, Sơn La: "Chúng tôi rất vui và tự hào khi Thuận Châu quê nhà có công trình ý nghĩa này; để mỗi dịp lễ, ngày kỷ niệm, chúng tôi cũng như bạn bè, du khách gần xa tới đây dâng hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ."

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng đèo Pha Đin vẫn mãi là chứng nhân lịch sử của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Tiếp nối truyền thống vẻ vang ấy, đồng bào các dân tộc Sơn La nói riêng và Tây Bắc nói chung đã và đang viết tiếp những bản hùng ca của thời bình.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII của Tổng Bí thư
Sáng nay (16/5), Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị. Thủ tướng Phạm Minh Chính điều hành phiên khai mạc.
Mới nhất