Phương Tây dần hoàn thiện kế hoạch giới hạn giá dầu Nga

Hùng Cường/VOV.VN (biên dịch) Tổng hợp | 27/10/2022, 18:39

Các quan chức Mỹ và phương Tây đang hoàn thiện kế hoạch áp đặt giá trần đối với dầu của Nga trong bối cảnh Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo bất kỳ kế hoạch nào cũng cần có sự tham gia tích cực của các nền kinh tế mới nổi để phát huy hiệu quả.

Kế hoạch tham vọng của Mỹ và phương Tây

Theo Reuters, chưa có quyết định nào được đưa ra về khoảng giá, tuy nhiên, một người quen thuộc với quy trình này cho biết, mức giá trần sẽ được xác định phù hợp với mức trung bình trong lịch sử là 63-64USD/thùng.

Mức giá này phù hợp với những bình luận gần đây của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng giới hạn giá trong khoảng 60 USD/thùng sẽ tạo động lực cho Nga tiếp tục sản xuất dầu.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã coi giới hạn giá là một cách để cắt giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Nga – nguồn thu mà Mỹ và phương Tây cho là nguồn tài chính chủ đạo Moscow đổ vào chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Washington cũng kỳ vọng biện pháp giới hạn giá sẽ giữ cho nguồn dầu của Moscow tiếp tục “chảy” trên thị trường và tránh tăng giá.

Giá thực tế sẽ được ấn định trong những tuần tới, trước thời điểm dự kiến ​​khởi động lệnh cấm vận của châu Âu đối với dầu Nga, và các hạn chế liên quan đối với vận chuyển và bảo hiểm dầu đường biển. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden đã phủ nhận thông tin về phạm vi giá hiện nay và từ chối cung cấp thông tin chi tiết.

Các quan chức Mỹ cũng lên tiếng bác bỏ thông tin trên bài báo của Bloomberg News trích dẫn các nguồn tin giấu tên nói rằng phương Tây đang buộc phải thu hẹp kế hoạch giảm giới hạn giá vì có ít quốc gia hơn sẵn lòng tham gia vào kế hoạch này.

Chính quyền Mỹ trong nhiều tuần qua thông tin với báo giới rằng giới hạn giá đã mang lại kết quả bằng cách trao quyền cho các nước để họ tự gây sức ép, yêu cầu Nga giảm giá bán dầu.

Bloomberg đưa tin Hàn Quốc đã trao đổi riêng với nhóm G7 rằng họ sẽ tham gia kế hoạch này. Trong khi đó, các quan chức G7 cũng đang cố gắng thuyết phục New Zealand và Na Uy cùng tham gia.

"Nhà Trắng và chính quyền đang đi đúng hướng trong việc thực hiện giới hạn giá dầu hiệu quả, mạnh mẽ đối với dầu Nga thông qua việc phối hợp với G7 và các đối tác khác", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Adrienne Watson cho biết.

Bà Yellen hồi đầu tháng này nói với các phóng viên rằng, một liên minh đã được tạo ra để thúc đẩy việc giới hạn giá dầu của Nga bao gồm: Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), Liên minh châu Âu (EU), Australia và họ không cố gắng lôi kéo thêm các quốc gia khác.

“Đối với chúng tôi, thành công sẽ không phải là việc có bao nhiêu nước giơ tay và nói rằng ‘Chúng tôi tán thành những gì bạn đang làm, chúng tôi là một phần của liên minh’. Chúng tôi không tìm kiếm điều đó. Điều chúng tôi muốn thấy là dầu của Nga tiếp tục chảy vào thị trường và các quốc gia sử dụng đòn bẩy mà giới hạn giá cung cấp để mặc cả giá thấp hơn”, bà Yellen nhấn mạnh.

Nga đã có cách ứng phó?

Các nhà ngoại giao phương Tây cho biết, thông tin về kế hoạch giới hạn giá đã và đang mang lại cho Ấn Độ cũng như những người mua dầu khác của Nga đòn bẩy tốt hơn trong các cuộc đàm phán với Moscow, giúp họ có được mức chiết khấu tốt hơn.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati trả lời Jakarta Post trong một cuộc phỏng vấn hôm 26/10 cho biết, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Yellen nói với bà rằng giới hạn sẽ được đặt ở mức vừa đủ để tạo ra lợi nhuận, nhưng không phải là siêu lợi nhuận.

“Nếu đó là 60USD/thùng thì điều đó thực sự phù hợp với túi tiền. Điều đó thật tuyệt”, bà Sri Mulyani nói.

Ngân hàng Thế giới (WB) hôm qua (26/10) cho rằng, việc G7 giới hạn giá dầu có thể ảnh hưởng đến dòng chảy của dầu Nga, nhưng đây là một cơ chế chưa được thử nghiệm và cần phải có sự tham gia của các thị trường mới nổi lớn và các nước đang phát triển để có thể phát huy hiệu quả. WB cũng lưu ý rằng Nga đã tuyên bố họ sẽ không giao dịch với các nước tham gia vào kế hoạch giới hạn giá của phương Tây.

"Nếu họ áp đặt hạn chế về giá, chúng tôi sẽ không bán dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ cho các công ty hoặc các quốc gia áp đặt các hạn chế đó. Chúng tôi sẽ không bán hàng mà không có cạnh tranh", Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov thì tuyên bố Moscow sẽ đáp trả việc G7 áp giá trần đối với dầu Nga bằng việc đẩy mạnh cung cấp dầu cho châu Á, đồng thời cảnh báo: “Bất kỳ hành động nào nhằm áp trần giá dầu Nga sẽ dẫn đến sự thiếu hụt nguồn dầu tại thị trường những quốc gia đưa ra kế hoạch này và từ đó gây nhiễu loạn giá dầu”./.

Bài liên quan
Tấn công vào kho dầu của Nga, Ukraine có thể đẩy giá dầu thế giới lên cao?
VOVLIVE - Thời gian đần đây, Ukraine liên tục sử dụng UAV tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga, đặc biệt là nhắm vào các nhà máy lọc dầu và cơ sở lưu trữ dầu ở nhiều khu vực. Điều này có thể đe dọa đến nguồn cung nhiên liệu và doanh thu xuất khẩu năng lượng của Nga, cũng như khiến giá dầu toàn cầu tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Lương của công chức khi cải cách tiền lương thấp nhất là 5 triệu đồng
Đây là một trong những nội dung được Bộ Nội vụ xin ý kiến của Thủ tướng, báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ trước khi báo cáo Bộ Chính trị.
Mới nhất