Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, những vấn đề trong lĩnh vực y tế được các ĐBQH và Bộ trưởng Đào Hồng Lan chất vấn, trả lời lời chất vấn là những nội dung hết sức thiết thực, có ý nghĩa quan trọng cả trước mắt và lâu dài đối với sức khoẻ, đời sống của nhân dân. Đây cũng là những vấn đề đang nổi lên trong thực tiễn quản lý đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, các cấp, các ngành và nhân dân đặc biệt quan tâm.
Theo Phó Thủ tướng, đúng như Chủ tịch Quốc hội và các ĐBQH đã nêu, trong thời gian qua, với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành và các địa phương, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực, đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ của nhân dân, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn không ít hạn chế, bất cập, thậm chí còn một số vấn đề gây bức xúc dư luận như chưa khắc phục được triệt để tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, chậm xử lý một số dự án vướng mắc, bất cập trong quản lý thực phẩm chức năng, phòng chống tác hại của thuốc lá...
Xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của ngành y tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm và quyết liệt chỉ đạo Bộ Y tế, các bộ, cơ quan địa phương liên quan tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Trong đó, Bộ Y tế đã tham gia hoàn thiện thể chế, chính sách, xây dựng trình Quốc hội nhiều dự án Luật, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, đôn đốc, kiểm tra công tác tổ chức thực hiện tại các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở.
"Kết quả đạt được là cơ bản, trong đó nhiều vấn đề đã có chuyển biến tích cực, nhưng cũng có những vấn đề mới đạt kết quả bước đầu và còn bất cập cần tiếp tục tập trung xử lý giải quyết. Theo đó, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách pháp luật có liên quan".
Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt Bộ Y tế, toàn ngành y tế, các cấp, các ngành, các địa phương tập trung khắc phục các hạn chế, bất cập; tháo gỡ ngay những khó khăn vướng mắc; tăng cường ứng dụng CNTT trong khâu quản lý của ngành y tế; đề cao trách nhiệm đứng đầu của các cơ quan liên quan.
Trên cơ sở trả lời chất vấn của Bộ Trưởng Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh thêm nội dung về thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Theo đó, đã có những bước tháo gỡ về thể chế, nhất là quy định về đấu thầu, mua sắm và giải quyết những vướng mắc cụ thể.
"Về cơ bản đã đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra hiện tượng thiếu cục bộ tại một số cơ sở y tế công lập, nhất là một số loại thuốc đặc thù. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó, có thời điểm còn thiếu hụt một số loại thuốc trên thị trường thế giới và còn tâm lý e ngại khi thực hiện mua sắm của các cơ sở y tế", Phó Thủ tướng giải trình, làm rõ thêm ý kiến của các ĐBQH.
Phó Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, các đơn vị thực hiện nghiêm quy định, có kế hoạch cụ thể, chủ động trong vấn đề này, theo đó, tăng cường trách nhiệm quản lý, trách nhiệm công vụ tại các đơn vị thuộc Bộ Y tế có liên quan, của lãnh đạo địa phương và Giám đốc các bệnh viện.
Phó Thủ tướng cũng thừa nhận những bất cập tồn tại trong quản lý thực phẩm chức năng như các ĐBQH nêu. Về quản lý an toàn thực phẩm vẫn còn phức tạp, theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật An toàn thực phẩm...
Về thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, còn nhiều quan điểm trái chiều giữa các nhà quản lý, nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp... Phó Thủ tướng cho biết, đây là vấn đề được đồng bảo, cử tri cả nước và dư luận xã hội hết sức quan tâm. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, trong đó, giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu biện pháp phù hợp với các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các loại thuốc lá thế hệ mới khác.
"Chính phủ đã giao Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng đề án sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để trình Quốc hội", Phó Thủ tướng nói.
Kết thúc chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực Y tế, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với 41 đại biểu chất vấn và 8 lượt đại biểu tranh luận. Còn 17 đại biểu chưa được chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi câu hỏi cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuyển tới Bộ Y tế trả lời theo đúng quy định.
Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Trong đó, trong năm 2024 thực hiện phân cấp thẩm quyền cấp phép trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh; đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao cấp hệ thống quốc gia quản lý hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; xây dựng Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm...
Tập trung triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm thuốc, vaccine, thiết bị y tế, khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và phát triển công nghiệp dược. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, nhất là trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu biết đúng thực phẩm chức năng.
Thứ tư, khẩn trương đề xuất bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội việc sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Nghiên cứu báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương xây dựng văn bản phù hợp để quản lý và phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.