Phi công Mỹ tại ''Hilton Hà Nội''

Theo Báo Hà nội mới | 26/12/2022, 14:46

Từ năm 1964-1973, Nhà tù Hỏa Lò dùng để giam phi công, nhân viên kỹ thuật trên máy bay, lính trực thăng của lực lượng không quân và hải quân Mỹ bị bắt trong chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, được gọi chung là phi công Mỹ. Thời kỳ này, phi công Mỹ gọi Hỏa Lò bằng những tên hài hước là “Khách sạn Hilton -Hà Nội" hay "Khách sạn Vỡ tim"

Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn. Cùng với số lượng máy bay bị bắn rơi, số lượng phi công Mỹ bị bắt ngày càng tăng. Từ nhiều địa phương ở miền Bắc, phi công Mỹ được đưa về Trại giam Hỏa Lò, trong đó phần lớn là những phi công đã tham gia cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm vào Hà Nội.

Những “vị khách” từ bên kia đại dương

Từ năm 1964-1973, Nhà tù Hỏa Lò được gọi là Trại giam Hỏa Lò (ký hiệu quân sự là T141), dùng để giam phi công, nhân viên kỹ thuật trên máy bay, lính trực thăng của lực lượng không quân và hải quân Mỹ bị bắt trong chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, được gọi chung là phi công Mỹ. Thời kỳ này, phi công Mỹ gọi Hỏa Lò bằng những tên hài hước là “Khách sạn Hilton - Hà Nội” hay “Khách sạn Vỡ tim”.

Trại giam Hỏa Lò do quân đội Việt Nam quản lý, canh gác, có nhiệm vụ chăm sóc và bảo đảm an toàn cho phi công Mỹ tránh khỏi những trận bom của chính đồng đội họ. Trong trại có nhiều tổ quản giáo, mỗi tổ có khoảng 8-10 người. Hằng ngày, các quản giáo tổ chức cho phi công Mỹ thực hiện tốt nội quy của trại, giúp họ có thời gian lắng lại để hiểu về cuộc chiến mà mình tham gia và cảm nhận về cuộc sống, con người Việt Nam.  Ngoài ra, còn có tiểu đội hậu cần - cấp dưỡng được chia làm hai bộ phận: Một bộ phận phục vụ cán bộ, chiến sĩ của trại và một bộ phận phục vụ phi công Mỹ... Khi số lượng phi công Mỹ bị bắt tăng, bộ phận hậu cần đã cử người sang Khách sạn Phú Gia học công thức một số món ăn về nấu cho phi công Mỹ. Do yêu cầu công việc, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ quản lý phi công Mỹ phải giữ bí mật với chính người thân.

Trong điều kiện đất nước có chiến tranh, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn tạo những điều kiện tốt nhất cho sinh hoạt của phi công Mỹ - được chăm sóc với một chế độ đặc biệt, còn cao hơn so với cán bộ, chiến sĩ Việt Nam. Phi công Mỹ được hưởng tiêu chuẩn ăn 1,6 đồng/ngày trong khi tiêu chuẩn ăn áp dụng cho cán bộ, chiến sĩ là 0,68 đồng/ngày. Trong trại giam, họ thường xuyên được tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, được ra sân chơi bóng chuyền, bóng rổ, đọc sách báo, được nghe tin tức qua đài phát thanh... Việc chăm sóc sức khỏe cho phi công Mỹ được bảo đảm chu đáo, kịp thời. Ngoài việc được cứu chữa vết thương do nhảy dù sau khi máy bay bốc cháy, các phi công còn được bác sĩ ở Viện Quân y 108, 103 và 354 đến khám và chữa bệnh theo định kỳ. Sau cú sốc ban đầu khi bị bắt, phần lớn phi công Mỹ nhanh chóng ổn định tinh thần, có ý thức tập luyện, thích nghi với điều kiện sinh hoạt mới.

Thiếu tá Hải quân John Harry Yuill (tham gia lái máy bay B-52, bị bắt ngày 22/12/1972) đã nói lên cảm nhận: “Đêm 26/12/1972, dưới hầm trú ẩn của Quân đội Việt Nam, tôi đã bịt chặt hai tai để không phải nghe tiếng bom của B-52. Tôi tự hỏi cuộc đời mình không biết sẽ thế nào. Thế mà trước đó, chính tôi đã bay trên những căn nhà này, đã ném bom xuống. Không biết đêm nay tôi có chết vì bom của chính đồng đội mình hay không?”.

Tận mắt chứng kiến những người chết, bị thương, cảnh hoang tàn bởi bom Mỹ, những phi công tham gia chiến dịch Linebacker II đã nói lên lời tự thú. Khi được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai để chứng kiến cảnh đổ nát sau khi bị bom rải thảm, Thiếu tá Không quân Carl H. Jeffcoat (bị bắt ngày 27/12/1972) cho biết: “Thế là rõ. Chúng tôi bị lừa. Chỉ có thể là như thế. Họ bảo chúng tôi là ném bom mục tiêu quân sự. Đánh liền 4 lần vào một bệnh viện lớn, với hàng chục tấn bom thì không thể gọi là nhầm lẫn được”.

William W.Conlee (Trung tá điều khiển điện tử trên B-52) thừa nhận: “Chúng tôi được đến tận nơi xem một dãy phố dài, một bệnh viện lớn. Chúng tôi rất ngạc nhiên và rất hổ thẹn. Chúng tôi bị cấp trên lừa. Vâng. Đó là một sự lừa dối. Họ bảo là mục tiêu quân sự, nhưng thật ra là vùng đông dân. Bom ném theo bản đồ được đánh dấu kỹ, không thể nhầm lẫn!”.

Sự ám ảnh còn theo William W.Conlee trong những ngày bị giam ở Hỏa Lò: “Tôi nhớ mãi quang cảnh những hố bom giữa Hà Nội. Cái bảng lớn đề những dòng chữ màu đỏ và đen "Đời đời ghi xương khắc cốt tội ác của giặc Mỹ" cứ ám ảnh tôi. Tôi biết rằng người Việt Nam lúc bắt tôi dù có đánh và xé xác tôi ra, chúng tôi cũng phải chịu. Thế nhưng các ông không đối xử như thế. Vào đến đây, mọi suy nghĩ của chúng tôi bị đảo lộn. Đảo ngược hẳn. Cứ muốn giữ những hiểu biết và quan niệm cũ, nhưng thực tế lại khác. Đất nước chúng tôi trải qua một thời kỳ xấu, rất xấu”.

Trao trả phi công Mỹ theo Hiệp định Paris

Ngày 25/9/1972, để bày tỏ thiện chí và mong muốn hòa bình, Chính phủ Việt Nam đã phóng thích một số phi công Mỹ. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ vẫn tiến hành cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm vào Hà Nội cuối năm 1972. Chỉ sau khi thất bại, ngày 27/1/1973, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Tin tức về Hiệp định Paris đã được lãnh đạo trại giam công khai phổ biến cho phi công Mỹ. Họ đều háo hức mong đợi đến ngày được trở về. Trong khoảng thời gian này, phi công được tự do ra sân chơi thể thao và tham gia nấu ăn theo sở thích. Thực hiện Hiệp định Paris, toàn bộ phi công Mỹ bị giam tại Hỏa Lò và các địa điểm khác đã được Chính phủ Việt Nam trao trả cho Chính phủ Mỹ. Trước khi về nước, họ được nhận lại đủ tư trang và còn được trang bị đồ dùng cá nhân. Phi công Mỹ cũng được tặng những món quà kỷ niệm về đất nước Việt Nam như: Dép cao su, nón lá, điếu cày, tranh…

Trong nhiều món quà mà Chính phủ Việt Nam chuẩn bị dành tặng cho phi công Mỹ trước khi về nước, Hạ sĩ Robert P.Chenoweth lại đề xuất xin một lá cờ Việt Nam để giữ làm kỷ niệm, vì “Lá cờ trở thành biểu tượng đặc biệt cho tất cả những gì tôi học được trong quá trình bị giam giữ. Nó cũng giúp tôi nhớ về cuộc đấu tranh trường kỳ bảo vệ độc lập của Việt Nam”. Nhớ lại những ngày cuối tháng 12/1972, ông kể: “Tôi ở Hỏa Lò rất ngắn nhưng lại đúng vào những đêm B-52 ném bom. Tất cả mọi người đã rất lo sợ sẽ bị bom đánh trúng. Trong giai đoạn nguy hiểm đó, chính người quản giáo đã trấn an, động viên và bảo vệ chúng tôi khỏi bom đạn”.

Từ Hỏa Lò, phi công Mỹ được đưa tới sân bay Gia Lâm bằng xe quân sự. Các đợt trao trả phi công Mỹ vào tháng 2 và tháng 3/1973 đều có sự giám sát của Ủy ban Liên hợp quân sự bốn bên. Sau khi về nước, trước những tin đồn về tù nhân Mỹ ở Việt Nam bị đánh đập, tra tấn, đối xử tàn nhẫn, có những người như Đại tá Walter Eugene Wilber (bị giam tại Hỏa Lò trong những năm 1968-1973) đã trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình quốc gia Mỹ: “Tôi không hề bị đánh đập hay bị đối xử tàn nhẫn như những gì chúng tôi tưởng tượng trước đó”. Cuộc đối thoại của Walter Eugene Wilber trên sóng truyền hình quốc gia cùng với sự nỗ lực của nhiều người khác đã góp phần làm thay đổi suy nghĩ của người dân Mỹ về chiến tranh ở Việt Nam. Làn sóng phản đối chiến tranh của người dân Mỹ tiếp tục dâng cao và đạt được nhiều thành công...

Kể từ năm 1995, quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng phát triển, đạt được nhiều bước tiến trên các lĩnh vực. Sau 50 năm, những cựu binh Mỹ quay trở lại thăm chiến trường xưa, gặp lại “đối thủ” và thăm “Hilton - Hà Nội”. “Chuyến đi này thực sự đã giúp tôi khép lại quá khứ”, đó là câu nói của cựu phi công Mỹ James Williams trong khoảnh khắc nhận ra bức ảnh ông và các phi công Mỹ đang được trao trả đợt cuối cùng tại sân bay Gia Lâm, ngày 29/3/1973, trong chuyến thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò ngày 6/11/2019. Những hoạt động này đã góp phần xây đắp sự hợp tác bền lâu, thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ. /.

Bài liên quan
Ra mắt trưng bày đặc biệt về cây bàng tại Nhà tù Hỏa Lò
VOVLIVE - Trưng bày “Bàng ơi…!” giới thiệu câu chuyện về những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò, cây bàng nơi đảo xa và cây bàng trong thơ ca, hội họa… Trưng bày cũng là lời tri ân, tưởng nhớ công lao, sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ yêu nước, cách mạng bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân các đồng chí lãnh đạo Nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước
VOVLIVE - Nhân dịp năm mới 2025 và chuẩn bị đón Xuân Ất Tỵ, trong chương trình công tác tại TP.HCM, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến tri ân các đồng chí lãnh đạo, Nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Cùng ngày, Tổng Bí thư Tô Lâm tới dự buổi gặp mặt, tặng quà chúc tết các đồng chí cán bộ công an cấp cao qua các thời kỳ.
Mới nhất