Bầu trời miền Bắc Việt Nam là nơi duy nhất mà pháo đài bay B52 bị quật đổ

Trường Giang/Phát thanh Quân đội | 27/12/2022, 08:32

Từ mùa đông năm 1972 đến hôm nay, Mỹ chưa bị đối thủ nào bắn rơi thêm một máy bay B52 nào nữa. Việt Nam và bầu trời Hà Nội, bầu trời miền Bắc Việt Nam là nơi duy nhất cho đến bây giờ, pháo đài bay B52 bị quật cổ, bị chôn xác.

Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không cách đây 50 năm của quân và dân ta đã trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm, nghiên cứu của các học giả, nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước. Trong khi chính Tổng thống Mỹ Richard Nixon, người đã ra lệnh tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc, cũng phải thừa nhận thất bại trong cuộc tập kích đường không này, thì vẫn còn những quan điểm xuyên tạc, không thừa nhận Chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc đối đầu với không quân Mỹ.

Trao đổi với phóng viên VOV, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đó là suy nghĩ của những người không hiểu gì về lịch sử. Một cuộc chiến tranh hay một chiến dịch, một trận đánh, để phân định bên nào thắng, bên nào thua, tiêu chí cơ bản nhất là trận đánh, chiến dịch, cuộc chiến tranh đó có đạt được mục đích của nó hay không?

PV: Trong cuộc tập kích đường không vào Hà Nội cuối năm 1972, đế quốc Mỹ đã huy động những vũ khí tối tân hiện đại, thế nhưng họ đã phải hứng chịu những thất bại liên tiếp trong 12 ngày đêm tiến hành Chiến dịch. Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu lịch sử, ông có thể cho biết về tầm vóc của Chiến thắng này trong hành trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam?

GS Phạm Hồng Tung: Nhìn lại suốt quá trình của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta mới thấy rõ được ý nghĩa, tầm vóc của Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Nó như một trận quyết chiến chiến lược, bởi nó làm thay đổi cục diện chiến tranh.

Có thể nói, xét từ hai phía, con đường dẫn đến trận Điện Biên Phủ trên không là con đường có tính chất chiến lược, và đặt một dấu chấm hết cho một giai đoạn rất quan trọng của cuộc chiến tranh. Cho nên, tôi nghĩ đấy hoàn toàn là một cuộc quyết chiến chiến lược rất đặc biệt trong lịch sử quân sự thế giới và trong lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông ta chúng ta. Chúng ta đã có những trận quyết chiến chiến lược trên sông, đấy là Chiến thắng Bạch Đằng; Chúng ta đã có những trận quyết chiến chiến lược trên bộ, đấy là trận ở ải Chi Lăng, ở chiến trường Xương Giang, và chúng ta đã có một trận quyết chiến chiến lược trên chiến trường Điện Biên Phủ, tức là ở một thung lũng trên vùng núi cao. Và một trận quyết chiến chiến lược trên không.

PV: Bàn về Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, một số người lại cho rằng, nguyên nhân của cuộc chiến tranh là do quân đội từ miền Bắc vào xâm lược miền Nam nên đế quốc Mỹ mới tiến hành cuộc tập kích đường không này để bảo vệ miền Nam. Giáo sư bình luận gì về quan điểm này?

GS Phạm Hồng Tung: Đấy là một quan điểm hoàn toàn sai lầm, xuyên tạc lịch sử. Không bao giờ có chuyện miền Bắc xâm lược, bởi nước Việt Nam là một. Bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945 là tuyên bố độc lập cho toàn cõi Việt Nam. Sau này xuất hiện những chính thể tay sai của Pháp, của Mỹ, họ gọi nước nọ, nước kia là không đúng. Đấy không phải là Chính phủ được Nhân dân Việt Nam, được dân tộc Việt Nam thừa nhận, đại diện cho quyền lợi, lợi ích, độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Chúng ta chỉ có một cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để giành lấy độc lập, giành lấy tự do và thống nhất đất nước.

PV: Rõ ràng, đây là cuộc chiến tranh do người Mỹ chủ định với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Mặc dù chúng ta luôn tỏ rõ thiện chí hòa bình, không muốn chiến tranh nhưng chính đế quốc Mỹ đã buộc chúng ta không còn lựa chọn nào khác, là phải cầm súng chiến đấu?

GS Phạm Hồng Tung: Trong quá trình phải cầm súng chiến đấu, Hồ Chí Minh và Đảng ta, nhân dân ta không ngừng bày tỏ thiện chí hòa bình. Ngay khi Tổng thống Mỹ Johnson cho máy bay đánh phá miền Bắc Việt Nam lần thứ nhất, Bác Hồ vẫn cùng với nhân dân ta chia sẻ khó khăn, dũng cảm đương đầu với bom đạn của đế quốc Mỹ. Nhưng đồng thời, Bác vẫn gửi những thông điệp mở, thông điệp trực tiếp, thông điệp gián tiếp, sẵn sàng mời Tổng thống Mỹ Johnson đến Hà Nội uống trà. Chúng ta vẫn tìm những con đường ngoại giao, để có một giải pháp khác, tránh đau thương, mất mát cho cả hai bên. Tiếc rằng, những người lãnh đạo nước Mỹ, mà trực tiếp là các Tổng thống Mỹ Johnson, sau đó là Nixon cùng các cố vấn an ninh, đã không nhận thức đúng bản chất cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Và khi đã hiểu đúng, nước Mỹ và các chính trị gia Mỹ mới vượt qua được "hội chứng Việt Nam", để bình thường hóa quan hệ với ta. Bây giờ, chúng ta thấy quan hệ giữa hai nước rất tốt.

PV: Cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam là một cuộc chiến phi nghĩa. Phải chăng chính vì vậy mà ngay cả người dân Mỹ cũng chán ghét cuộc chiến tranh này, và biểu tình phản đối chiến tranh ngay trong lòng nước Mỹ?

GS Phạm Hồng Tung: Phong trào phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam lại xuất hiện ngay trong lòng nước Mỹ và lan tỏa nhanh ra toàn thế giới. Phong trào phản đối ấy có ý nghĩa như một mũi giáp công nữa ngay trong lòng nước Mỹ và các nước phương Tây, buộc nước Mỹ phải tìm lối thoát trong danh dự. Trong khi không tìm được lối thoát trong danh dự đó, người Mỹ tiếp tục gây tội ác, bằng cách sử dụng kể cả máy bay ném bom chiến lược rải thảm Hà Nội và những thành phố lớn ở miền Bắc Việt Nam. Bất chấp những cuộc ném bom rải thảm đó có thể gây ra những thương vong rất lớn cho dân thường. Ngay cả đến nhân dân Mỹ tiến bộ cũng căm giận, chứ không phải chỉ có nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới.

Tôi từng nghiên cứu rất cụ thể, về cách người Mỹ ứng xử với hành vi chiến tranh của quân đội Mỹ ở Việt Nam. Có những nhân chứng lịch sử rất nổi tiếng. Đấy chính là Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Ông đã đốt thẻ quân dịch, để không tham gia vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Nhiều nhà sử học Mỹ nổi tiếng từng là cựu quân nhân tham chiến ở chiến trường Việt Nam và thấy rõ tính chất phi nghĩa, tội ác của cuộc chiến tranh đó, họ đã bỏ cuộc chiến tranh đó, để trở thành những người nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu văn hóa Việt Nam.

Giáo sư hướng dẫn của tôi đang dạy tại Đại học Yale, một Đại học nổi tiếng của Mỹ, có kể lại rằng, trong những bài giảng về lịch sử Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam, nếu ông ấy không lên án cuộc chiến tranh Việt Nam của đế quốc Mỹ, cách mà người Mỹ gọi cuộc chiến tranh Việt Nam, thì sinh viên sẽ bỏ ra khỏi giảng đường.

PVMột số người cho rằng, trong Chiến dịch 12 ngày đêm ở Hà Nội năm 1972, đế quốc Mỹ thiệt hại ít hơn, như vậy là họ đã giành chiến thắng? 

GS Phạm Hồng Tung: Đấy là suy nghĩ của những người không hiểu gì về lịch sử. Một cuộc chiến tranh hay một chiến dịch, một trận đánh, để phân định bên nào thắng, bên nào thua, tiêu chí cơ bản nhất là trận đánh, chiến dịch, cuộc chiến tranh đó có đạt được mục đích của nó hay không?

Trước khi tiến hành Chiến dịch Linebacker II, người Mỹ mong muốn đạt được điều gì, mong muốn là bằng máy bay B52, bằng những cuộc ném bom rải thảm như vậy, buộc chúng ta phải chấp nhận những điều kiện do Mỹ áp đặt. Và đấy chính là điều mà người Mỹ không đạt được. Và vì thế, họ thất bại, dù không bị bắn rơi máy bay B52 nào, họ vẫn thất bại.

Đến hôm nay, pháo đài bay B52 vẫn là máy bay ném bom chiến lược tốt nhất của Mỹ. Từ mùa đông năm 1972 đến hôm nay, Mỹ chưa bị đối thủ nào bắn rơi thêm một máy bay B52 nào nữa. Việt Nam và bầu trời Hà Nội, bầu trời miền Bắc Việt Nam là nơi duy nhất cho đến bây giờ, pháo đài bay B52 bị quật cổ, bị chôn xác. Đó chính là tầm vóc của chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không của chúng ta.

PV: Và ngay cả những người lính Mỹ trực tiếp tham chiến ở Việt Nam họ cũng thừa nhận thất bại trong cuộc tập kích này?

GS Phạm Hồng Tung: Đúng vậy, cho đến Tổng thống Mỹ phải chấp nhận thất bại đó, thì đấy là thất bại không thể chối cãi. Và đó là thắng lợi có tầm vóc lịch sử của quân và dân ta, không có gì có thể xuyên tạc được.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư./.

Ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ Nixon phê chuẩn mở cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội mang mật danh Linebacker II. Trong Chiến dịch này, đế quốc Mỹ sử dụng những vũ khí tiến công chiến lược hiện đại nhất, với quy mô, tính chất ác liệt nhất nhằm hủy diệt Hà Nội, gây sức ép với chúng ta trên bàn đàm phán Paris.

Trải qua 12 ngày đêm chiến đấu (từ ngày 18 đến ngày 29/12/1972), quân và dân miền Bắc đã bắn rơi tổng cộng 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B-52, 5 máy bay F-111, 21 máy bay F-4, 12 máy bay A-7, 1 máy bay F-105, 4 máy bay AD-6, 1 máy bay trực thăng HH-53, 1 máy bay không người lái, bắt sống nhiều giặc lái, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến lược.

Bài liên quan
Mỹ ném bom miền Bắc năm 1972: Dư luận quốc tế phản ứng thế nào?
Không chỉ đối mặt với làn sóng phản đối từ dư luận quốc tế, cuộc tập kích bằng B-52 năm 1972 của Mỹ cũng gặp phải sự chỉ trích gay gắt của chính dư luận Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm tri ân các đồng chí lãnh đạo Nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước
VOVLIVE - Nhân dịp năm mới 2025 và chuẩn bị đón Xuân Ất Tỵ, trong chương trình công tác tại TP.HCM, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến tri ân các đồng chí lãnh đạo, Nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Cùng ngày, Tổng Bí thư Tô Lâm tới dự buổi gặp mặt, tặng quà chúc tết các đồng chí cán bộ công an cấp cao qua các thời kỳ.
Mới nhất