Tối 15/17, thi thể của các cán bộ, chiến sỹ hy sinh khi đi vào cứu hộ sự cố sạt lở đất ở Thuỷ điện Rào Trăng được tìm thấy. Ngày hôm ấy, trời xứ Huế mưa rả rích như muốn khóc thương cho những cán bộ, chiến sĩ hy sinh giữa thời bình.
Từng chiếc xe cấp cứu lần lượt đưa các anh từ khu tiểu khu 67 về Bệnh viện Quân y 268 (TP Huế). Mỗi chuyến xe chở các anh về đều có xe dẫn đường, nên nghe tiếng còi ưu tiên, người dân lại vội vã ra đường chào tiễn biệt cùng sự tiếc thương vô hạn.
Từ hôm ấy đến nay, những người dân ở khu vực Cửa Trài - nơi có đường dẫn vào khu nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 268 - dường như nhẹ nhàng hơn trong mọi hoạt động. Bởi họ biết rằng, ở phía trong bức tường thành kia có 13 người liệt sỹ thời bình đang yên nghỉ.
'Ba ơi! ba về chưa'
Trong số 13 liệt sỹ hy sinh khi đi cứu hộ ở Rào Trăng 3 có người vừa mới lấy vợ, sinh con và còn bao nhiêu công việc, ước mơ chưa kịp thực hiện.
Liệt sỹ Đại uý Trương Anh Quốc (Nhân viện Điệp báo, Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế) ra đi bỏ lại vợ và 2 con gái thơ ngây mới đang bi bô biết nói cùng ngôi nhà nhỏ chưa kịp xây xong.
Theo lời người nhà của anh Quốc, gia cảnh của anh thuộc diện khó khăn, 2 vợ chồng lấy nhau được vài năm và hiện cùng 2 con nhỏ (bé lớn 3 tuổi còn bé nhỏ mới 2 tuổi) ở tạm bên nhà ngoại tại đường Cao Bá Quát (TP Huế).
Sau nhiều năm tích góp, vợ chồng liệt sỹ Quốc mới mua được một mảnh đất nhỏ nhưng vẫn còn phải vay chỗ nọ chỗ kia. Đầu tháng 4/2020 dù còn nợ nần nhưng vợ chồng anh vẫn cố gắng tích góp và vay mượn thêm để làm ngôi nhà gọi là có chỗ che nắng che mưa cho 2 cô con gái nhỏ. Nhà xây nhiều tháng nhưng đến nay vẫn chưa xong phần thô vì tiền 2 vợ chồng không đủ, có được đồng nào thì xây đồng đó.
Mấy ngày nay, vợ anh ngất lên ngất xuống nhiều lần. Dù đã quen cảnh chồng thường xuyên xa nhà nhưng lần này, với anh là một chuyến đi xa mãi không bao giờ trở lại. Hai cô con gái nhỏ cũng vậy, trước đây, ba đi xa nhưng mấy ba con vẫn thường xuyên gọi điện thoại để nói chuyện. Dường như đó đã thành một thói quen nên 3 ngày nay cô con gái nhỏ không được nói chuyện với ba, bắt đầu quấy khóc.
Tối 15/10, ông ngoại cùng con út của liệt sỹ Quốc đến phòng làm việc của anh ở Bộ chỉ huy quân sự Thừa Thiên - Huế để thu xếp tư trang. Bất chợt điện thoại ông ngoại đổ chuông, bé con Đại uý Quốc vội cầm lấy điện thoại đưa lên tai mếu máo, khóc nấc bập bẹ: “Ba ơi, ba về chưa?”. Cảnh tượng ấy khiến ai có mặt ở đó chứng kiến cũng bật khóc, ông ngoại dù quay mặt đi cũng không giấu được đôi mắt ngấn lệ.
Tìm thấy thi thể đúng ngày sinh nhật
Trong số 13 liệt sỹ hy sinh khi đi vào ứng cứu sự cố sạt lở đất ở thuỷ điện Rào Trăng có cả một phóng viên. Anh là Phạm Văn Hướng, Trưởng phòng Thông tin - Tuyên truyền Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Những ngày qua, khi biết tin anh mất, anh em nhà báo, phóng viên ở Huế đều xót thương anh - một người sống hiền lành, tử tế và luôn tận tuỵ, nhiệt huyết với công việc.
"Sáng nay, Huế lại mưa trắng xóa trời, cơ quan nói viết bài, nhưng em chẳng biết bắt đầu từ đâu để viết về anh - người anh, người bác thân thương mà cả nhà em trân quý đã mãi đi xa - nhẹ nhàng như câu: “Thôi về đi, đường trần đâu có gì…” mà anh khẽ hát mỗi khi buồn", nhà báo Văn Thắng, phóng viên thường trú Báo Sài Gòn Giải phóng tại Thừa Thiên - Huế chia sẻ những lời đầy xúc động trên Facebook cá nhân.
Đau xót nhất là ngày lực lượng chức năng tìm thấy thi thể của anh Hướng bị vùi lấp trong đám bùn nhão nhẹt ở Tiểu khu 67 cũng chính là sinh nhật lần thứ 52 của anh. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng dành một góc để gửi lời chúc mừng sinh nhật anh: "Chúc mừng sinh nhật đồng chí Phạm Văn Hướng, ngày 15/10/1968".
Được biết, anh Phạm Văn Hướng quê gốc ở mãi tận Đông Hưng (Thái Bình) nhưng vào Huế công tác vài chục năm nay. Anh có thời gian dài công tác tại Đài Truyền thanh Truyền hình A Lưới. Khi chuyển công tác về Cổng Thông tin Điện tử Thừa Thiên - Huế anh vẫn thường xuyên xuất hiện ở các điểm nóng sự kiện để đưa tin.
Anh Hướng có 2 con (một đang là sinh viên đại học và một đang học lớp 12). Con gái đầu của anh tên Phạm Thiên Hà hiện đang là sinh viên năm cuối trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong trường, Hà cũng là một sinh viên chăm chỉ, sôi nổi, là một thành viên tích cực của CLB thiện nguyện Ngọn lửa tuổi 20.
Tối 15/10, toàn bộ thi thể 13 người mất tích trong đoàn của Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên - Huế gặp nạn trên đường đi cứu hộ sự cố sạt lở vùi lấp 17 công nhân trong thuỷ điện Rào Trăng 3 được lực lượng chức năng tìm thấy.
Sáng 14/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra thông báo chính thức về vụ việc liên quan đến Thủy điện Rào Trăng 3 và đoàn công tác đi cứu hộ, cứu nạn.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sau khi nhận được tin báo của người dân vào lúc 12h ngày 12/10 về sự cố sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, thuộc địa bàn xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức đi kiểm tra, khảo sát để xác minh, kiểm tra thông tin và có phương án cứu hộ cứu nạn kịp thời, đoàn có 21 người.
Tối 12/10, trên đường di chuyển đến hiện trường, đoàn tạm nghỉ tại Trạm quản lý bảo vệ rừng 67. Vào lúc 00h00 ngày 13/10, sự cố sạt lở xảy ra tại khu vực đoàn đang tạm nghỉ, có 8 người thoát ra khỏi khu vực sạt lở, 13 người mất tích, chưa liên lạc được.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, thông tin nhận được lúc 5h ngày 13/10, sự cố sạt lở tại Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 làm 17 công nhân mất tích. Tổng cộng 30 người mất tích, trong đó có 17 công nhân tại nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 và 13 người trong đoàn đi cứu hộ, cứu nạn.