Nhiều địa phương cạn vaccine tiêm chủng mở rộng, vì sao?

20/05/2023, 17:50

Không chỉ TP.HCM, nhiều địa phương khác cũng đứng trước nguy cơ hết vaccine tiêm chủng mở rộng.

Vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế cung cấp định kỳ với số lượng căn cứ đăng ký về nhu cầu tiêm chủng của mỗi địa phương.

Tình trạng chung ở nhiều địa phương

Theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 15/5, các cơ sở tiêm chủng hết hoàn toàn vaccine DPT-VGB-HiB và DPT. Đây là vaccine 5 trong 1, có khả năng phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib. Vaccine này được cấp lần gần nhất vào tháng 10/2022, đã hết từ đầu tháng 3/2023.

Bên cạnh đó, vaccine DPT (phòng 3 bệnh truyền nhiễm bạch hầu - ho gà - uốn ván hấp phụ) được cấp lần gần nhất vào tháng 2/2023, hết từ đầu tháng 5/2023.

Các loại vaccine khác trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng cũng còn với số lượng hạn chế. Dự kiến hết trong vài tháng tới nếu không được cung cấp thêm. Từ cuối tháng 5 đến tháng 9, thành phố sẽ hết lần lượt các loại vaccine viêm gan B, viêm não Nhật Bản, lao (BCG), bại liệt (bOPV), sởi, uốn ván (VAT), sởi và rubella (MR).

Nhiều địa phương cạn vaccine tiêm chủng mở rộng, vì sao?  - 1

Trẻ nhỏ đi tiêm phòng tại trạm y tế xã EaRal, huyện EaHleo, Đắk Lắk tháng 11/2022. (Ảnh: An Bình)

Tại Hà Nội, theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC), từ tháng 4 nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng ghi nhận hiện tượng thiếu vaccine 5 trong 1. Các loại vaccine khác số lượng hạn chế. Dự kiến trong vài tháng tới sẽ hết vaccine nếu không được cung cấp thêm.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội thông tin, đây là tình trạng chung của tất cả tỉnh thành, do từ trước đến nay các địa phương chỉ có một nguồn cung vaccine duy nhất là từ Bộ Y tế.

Đại diện CDC Hà Giang chia sẻ, nửa năm nay, địa phương không có vaccine DPT-VGB-HiB để tiêm, còn vaccine DPT hai tháng qua đã hết. 

Theo các chuyên gia y tế dự phòng, nếu chậm vaccine 1, 2 tháng thì không ảnh hưởng nhiều, nhưng để thiếu vaccine kéo dài sẽ dẫn đến rất nhiều hệ luỵ, dễ bùng phát dịch.

Thiếu vaccine miễn phí do đâu?

Tại công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành trực thuộc trung ương về việc cung ứng các loại vaccine cho tiêm chủng mở rộng, vitamin A và thuốc kháng HIV (ARV), Bộ Y tế cho biết, những năm qua, trên cơ sở ngân sách trung ương được Bộ Tài chính cấp, Bộ Y tế tổ chức mua sắm vaccine cho tiêm chủng mở rộng, cấp phát, điều phối cho các địa phương.

Tuy nhiên, từ năm 2023, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách trung ương cho Bộ Y tế mua vaccine cho tiêm chủng mở rộng, vitamine A cho trẻ em dưới 5 tuổi, thuốc ARV, thuốc chống lao cho các đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế... mà đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách. Nghĩa là địa phương sẽ tự mua sắm vaccine tiêm chủng mở rộng phục vụ nhu cầu của tỉnh thành.

Các địa phương kêu khó do chưa triển khai lần nào, chưa tìm được nguồn cung và cũng lo giá mua chênh lệch. Nhiều tỉnh thành đề xuất phương án Bộ Y tế nên tiếp tục đấu thầu tập trung mua sắm các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, các thuốc ARV, Vitamin A hoặc thực hiện đàm phán giá.

Bộ Y tế cho rằng việc này là không khả thi và đề nghị các Sở Y tế xác định nhu cầu, lập kế hoạch cung ứng, báo cáo UBND địa phương bố trí kinh phí và tổ chức mua sắm, không để thiếu thuốc, vaccine.

Nhiều địa phương cạn vaccine tiêm chủng mở rộng, vì sao?  - 2

Từ 2023, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách trung ương cho Bộ Y tế mua vaccine tiêm chủng mở rộng mà đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách (Ảnh minh họa: An Bình)

Tại cuộc họp với Bộ Y tế ngày 11/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục triển khai đấu thầu, gỡ vướng việc thiếu vaccine. Sau chỉ đạo của Chính phủ, ngày 12/5, Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương gửi công văn hỏa tốc yêu cầu các địa phương đăng ký nhu cầu vaccine chương trình tiêm chủng mở rộng.

Đại diện của các Sở Y tế TP.HCM, Hà Giang, Quảng Ninh… cho biết đã gửi đăng ký nhu cầu vaccine đến Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Hầu hết các địa phương này đều đăng ký số lượng vaccine cho năm 2023 và dự trù thêm 6 tháng của năm 2024.

Theo thông báo số 183/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc đấu thầu mua sắm thuốc tại Bộ Y tế và các địa phương do Văn phòng Chính phủ ban hành mới đây, Phó Thủ tướng kết luận việc chuyển đổi tiêm chủng mở rộng, cấp phát vitamin A, thuốc ARV, điều trị lao từ chương trình mục tiêu y tế - dân số sang nhiệm vụ thường xuyên là tiến bộ trong công tác y tế, tiêm chủng thời gian qua.

Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đặt hàng một số loại thuốc phổ biến có tỷ trọng lớn, vaccine dùng trong chương trình tiêm chủng mở rộng để giảm giá thành, bảo đảm nguồn cung cho các địa phương mua sắm.

Sau khi đấu thầu tập trung thành công, Bộ Y tế xây dựng hợp đồng mẫu và hướng dẫn các địa phương làm việc với nhà thầu cung cấp thuốc, vaccine.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng trong trường hợp để xảy ra tình trạng thiếu các loại thuốc, vaccine này.

AN BÌNH

Bài liên quan
Thị trường Hà Nội trầm lắng trong ngày đấu thầu 16.800 lượng vàng
Trong lúc Ngân hàng Nhà nước đang tổ chức đấu thầu vàng, không khí trên thị trường trầm lắng, vắng khách, dường như chờ đợi 16.800 lượng vàng được tung ra.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Bế mạc Phiên họp 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phát biểu bế mạc Phiên họp 32, chiều 23/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 4,5 ngày làm việc, UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến với 19 nội dung và cho ý kiến bằng văn bản về 3 báo cáo của Chính phủ.
Mới nhất