Nguồn cung nào đảm bảo khi nhu cầu điện tăng cao?

Nguyên Long/VOV1 | 09/07/2022, 09:32

Nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã xây dựng cả “kịch bản tăng trưởng điện” ở mức cao, lên tới 11,5% trong năm nay, và các năm từ 2023-2025 bình quân tăng trưởng điện là 10,36%/năm.

Ở bài đầu tiên trong loạt bài “Những vấn đề đặt ra khi Điện là trung tâm chuyển đổi năng lượng”, đã chỉ rõ, với sự tiện dụng của điện, lại an toàn, hiệu quả, ít phát thải hơn so với các loại nhiên liệu truyền thống khác (như xăng, dầu, than, gas…) trong tiêu dùng của nhiều bà nội trợ; kể cả những tính toán được - hơn trong hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải… điện đang trở thành trung tâm chuyển đổi năng lượng của nhiều nước trên thế giới, mà  Việt Nam không là ngoại lệ.

Vấn đề đặt ra là làm sao để đảm bảo điện phụ vụ cho sự phát triển - khi bản thân ngành điện cũng phải chuyển đổi năng lượng - thực hiện lộ trình xanh hơn, sạch hơn, từ ít phát thải hơn đến đưa phát thải về 0 vào năm 2050 theo cam kết Net-Zero của Chính phủ tại COP 26?

Nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng 6,42% (riêng quý 2 tăng 7,72%) so với cùng kỳ năm 2021. Đã có dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có khả năng đạt trên 7% trong năm nay.

Nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã xây dựng cả “kịch bản tăng trưởng điện” ở mức cao, lên tới 11,5% trong năm nay, và các năm từ 2023-2025 bình quân tăng trưởng điện là 10,36%/năm. Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra để đảm bảo cân đối cung - cầu điện của giai đoạn này.

Tuy nhiên, từ thực tế cung cấp điện những năm gần đây, bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã báo cáo Chính phủ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022: "Từ thực tế năm 2021, công suất chúng tôi phải tiết giảm ở khu vực phía Bắc có thời điểm lên tới 2.100MW, tương đương khoảng 18% tổng công suất khu vực miền Bắc. Dự kiến năm 2022, tình hình khó khăn về nguồn điện tiếp tục tiếp diễn ở khu vực phía Bắc…".

Nhu cầu điện vẫn tiếp tục tăng cao, thể hiện rõ vào thời gian cao điểm của mùa hè ở miền Bắc. Nếu như ngày 21/6/2021, công suất tiêu thụ điện toàn quốc lần đầu tiên thiết lập kỷ lục mới - vượt 42.000 MW và được cảnh báo là đã tới hạn của nguồn cung, thì tròn 1 năm sau, ngày 21/6 vừa qua, hệ thống điện quốc gia đã lập thêm kỷ lục mới - khi phụ tải điện cả nước đã đạt công suất gần 46.000 MW, nghĩa là tăng thêm sản lượng gần bằng công suất phát điện của cả 3 nhà máy thuỷ điện lớn nhất hiện nay là Sơn La, Hoà Bình và Lai Châu cộng lại; trong khi cả hơn 1 năm nay chưa có một nguồn phát điện ổn định có công suất lớn nào được đưa vào vận hành. Mặc dù Hệ thống điện Việt Nam đã có khoảng 78.000MW công suất đặt nguồn điện, song 46.000MW công suất tiêu thụ điện toàn quốc được cho là đã tới hạn của nguồn cung, hệ thống đã hết dự phòng.

Lý do là bởi, công suất huy động khả dụng của các nhà máy nhiệt điện chạy nền (có khả năng phát điện liên tục 24/24 giờ mỗi ngày) - được coi là tốt nhất hiện nay là than và khí (hiện đang chiếm khoảng 40% công suất đặt nguồn điện) thì trong điều kiện đủ than, đủ khí - cũng chỉ huy động được tối đa 80% công suất thiết kế (tương ứng khoảng 7.000 giờ/năm), vẫn cần thời gian nghỉ ngơi để bảo dưỡng thiết bị.

Nguồn thuỷ điện (hiện chiếm gần 30% công suất hệ thống) phát được nhiều hay ít chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên; Các nguồn điện từ năng lượng tái tạo (NLTT) - thì điện mặt trời chỉ cho điện vào ban ngày nhưng lại chưa có hệ thống pin lưu trữ để dùng khi tắt nắng, còn điện gió hiện đã có khoảng 4.000MW, song có những thời điểm chỉ huy động chưa được 1% sản lượng lên hệ thống điện.

Dẫn chứng số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), ông Võ Quang Lâm - Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nêu thực tế: "Với 78.000 MW, chúng ta đứng đầu ASEAN về công suất lắp đặt, nhưng khi thời tiết biến động, điện mặt trời cũng không phát huy được 17.000 MW, điện gió thì ngày 19/3/2022, tổng công suất phát của điện gió toàn quốc có thời điểm chỉ còn 15MW trên tổng số công suất lắp đặt 3.980 MW (tương đương tỷ lệ 0,37%).

Đây chính là tính bất định của năng lượng tái tạo (NLTT). Do đó, năng lượng truyền thống vẫn đóng vai trò chủ chốt và quyết định trong đảm bảo cung ứng điện quốc gia thời gian qua. Tính bất định của NLTT gây ra sự bất ổn trong hệ thống điện, ngoài việc tính khả dụng thấp, chúng ta còn phải vận hành hệ thống khác rất khó khăn…".

Thế nhưng, bất luận khó khăn gì thì ngành điện cũng “không được để thiếu điện” đó là yêu cầu của Chính phủ! Đảm bảo điện không chỉ là có đủ điện một cách cơ học, mà phải đảm bảo việc vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, liên tục, thông suốt, phải cung cấp điện với chất lượng ổn định, đặc biệt là điện cho các ngành kinh tế - công nghệ đòi hỏi tiêu chuẩn cao (như sản xuất linh kiện điện tử, vi mạch thiết bị di động, máy tính…) là những ngành hàng thế mạnh trong xuất khẩu và thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam.

Và vì thế, điều tần, điều áp… là những vấn đề thuộc về kỹ thuật; Và hiệu ích, công năng từ các nhà máy thuỷ điện không còn / chỉ đơn thuần là… phát điện khi nhận những hiệu lệnh từ Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0).

Theo đại diện thủy điện Hòa Bình, từ ngày có điện tái tạo, năng lượng mặt trời đưa vào thì nhiệm vụ điều tần của nhà máy điện Hòa Bình là rất quan trọng. Hòa bình có khả năng giao quyền cho A0 người ta trực tiếp điều khiển cả 8 tổ máy của Hòa Bình vẫn được, đấy là ưu điểm, nên lắm lúc nếu A0 cần thì người ta sẽ yêu cầu Hoà Bình chuyển toàn bộ 1-2 hay cả 8 tổ máy để A0 điều chỉnh để phù hợp với phương thức hiện tại khi A0 nhìn tổng thể phát hiện được…

Còn theo đại diện thủy điện Sơn La, nhà máy thủy điện Sơn La có một lợi thế, đó là công suất tổ máy lớn và giải điều chỉnh lớn lên được giao nhiệm vụ điều khiển tần số thường xuyên. Công nghệ hiện đại và thêm 1 cái nữa là đặc tính của thủy điện là nó có khả năng linh động, có thể lên máy nhanh và điều chỉnh tăng/giảm công suất nhanh, nên được giao nhiệm vụ điều khiển tần số thường xuyên… Với kinh nghiệm nhiều năm thì anh em trực ca của nhà máy đã thực hiện tốt nhiệm vụ điều khiển tần số mà điều độ viên quốc gia giao, thì tất cả đều phối hợp theo Quy chế phối hợp đã được ban hành….

Công việc điều chỉnh tấn số, điện áp… đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện như chia sẻ từ các kỹ sư Vương Ngọc Bảo và Nguyễn Ngọc Hữu là trưởng ca/kíp trực của Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình và Sơn La vừa rồi được chuyên gia năng lượng Nguyễn Tài Sơn nhìn nhận: "Các thủy điện trước đây được thiết kế với mục đích là nguồn cấp điện chủ lực, còn bây giờ thì lại khác. Bây giờ, hệ thống điện chúng ta phát triển có rất nhiều nguồn, thì vai trò của thủy điện sẽ trở về đúng với thế mạnh nhất - tức là nguồn phát điện linh hoạt.

Trong hệ thống điện thì phát điện linh hoạt rất quan trọng. Thủy điện là nguồn điện có thể đáp ứng được cái chuyện thay đổi có thể nói là nhanh nhất. Có thể nói là thời gian để đáp ứng khi phụ tải thay đổi thì thủy điện chỉ có từ vài giây đến vài chục giây. Đấy là nguồn linh hoạt nhất. Đặc biệt, bây giờ chủ trương của Việt Nam là đang phát triển thêm các nguồn năng lượng tái tạo khác nữa, thuỷ điện cũng là nguồn NLTT, thì chúng ta đang phát triển thêm năng lượng gió và mặt trời, nó là nguồn năng lượng tái tạo, nhưng có một nhược điểm là không ổn định. Nên để khắc phục được sự không ổn định này thì thủy điện là tốt nhất…".

Tuy nhiên, thuỷ điện hiện cũng chỉ chiếm chưa đến 30% công suất đặt nguồn điện của toàn hệ thống. Theo thiết kế, với sự phát triển mạnh của các nguồn NLTT, tỷ lệ thuỷ điện trong hệ thống điện quốc gia sẽ giảm mạnh (đến năm 2045 thuỷ điện bao gồm cả thuỷ điện lớn, thuỷ điện vừa và nhỏ, thủy điện tích năng cũng chỉ chiếm khoảng 15-17%).

Nguồn điện có thể chạy nền tốt nhất hiện nay, vừa giúp ổn định hệ thống, vừa cho sản lượng điện lớn và góp phần cung cấp điện với giá ổn định là nhiệt điện than thì theo kế hoạch sẽ giảm dần vào năm 2030 và sẽ loại bỏ sau năm 2045. Việc đảm bảo đủ điện gắn với vận hành an toàn hệ thống điện đang đặt ra nhiều thách thức. Nhất là khi nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội vẫn ở mức cao nhưng rất nhiều nguồn điện lớn lại đang chậm tiến độ chưa biết khi nào mới hoàn thành, trong đó có cả những nhà máy nhiệt điện chạy khí (LNG) “5 trong 1” - vừa có công suất lớn, có khả năng chạy nền, vừa linh hoạt trong khai thác, vận hành và đảm bảo tiêu chí “xanh, sạch, ít phát thải ra môi trường.

Mặc dù Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định tại Nghị trường Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá 15, rằng sẽ “không thiếu điện” - nhưng đó là trong năm nay, trên cơ sở của rất nhiều các biện pháp, giải pháp trong quản lý, vận hành, huy động nguồn trong hệ thống điện, kể cả nhập khẩu điện từ bên ngoài và khả năng phục hồi của nền kinh tế trong ngắn hạn.

Vấn đề đặt ra là, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội đang ngày càng tăng cao, nhất là khi nhiều ngành nghề, lĩnh vực đang chuyển đổi năng lượng từ xăng, dầu, than, gas… sang dùng điện, và bản thân ngành điện cũng phải chuyển đổi theo hướng xanh, sạch; vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa đảm bảo nguyên tắc vận hành theo thị trường điện cạnh tranh - thì có lẽ còn rất nhiều điều phải đặt ra, cần phải giải quyết, mà trước tiên cần phải tính đến, đó là việc đảm bảo nguồn cung ứng điện - khi công suất khả dụng đã tới hạn, nghĩa là hệ thống điện quốc gia hết nguồn dự phòng.

“Câu chuyện dài hạn” là nội dung bài 3, cũng là bài cuối của loạt bài “Những vấn đề đặt ra khi Điện là trung tâm chuyển đổi năng lượng” sẽ được đề cập./.

Bài liên quan
Kiên quyết không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của dân
Sáng 20/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về bảo đảm cung ứng điện trong mùa cao điểm nắng nóng sắp tới cũng như cả năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất