Hàng nghìn tỷ đồng bay theo siêu bão Yagi
Huyện Vân Đồn là một trong những địa phương có vùng nuôi và người nuôi trồng thủy sản lớn của Quảng Ninh. Trong đợt bão số 3, địa phương này có trên 1.340 cơ sở nuôi nhuyễn thể hàu, thưng, sần, ngao, tu hài, ốc) và nuôi cá (song, giò, chim) bị thiệt hại.
Theo thống kê tổng sản lượng thuỷ sản trên địa bàn đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại khoảng trên 32.110 tấn; trong đó hàu 25.637 tấn, cá 636 tấn, hải sản khác 5.840 tấn. Cùng các thiệt hại về thuỷ sản mới xuống giống, đang nuôi khác.
Ước tính thiệt hại trong nuôi trồng thuỷ sản trên 2.280 tỷ đồng; trong đó hàu khoảng 1.353 tỷ đồng; cá 533 tỷ đồng, hải sản khác 395 tỷ đồng, cùng nhiều cơ sở vật chất nuôi trồng khác đang được rà soát thống kê.
Siêu bãi Yagi đi qua, người dân Vân Đồn trắng tay, nghìn nghìn tỷ cũng rơi xuống biển. Anh Đặng Trung Hội, Giám đốc HTX phát triển hàu sữa Quảng Ninh, bình tĩnh kể, người dân Vân Đồn bất lực nhìn tài sản hòa vào biển. Cả cuộc đời phấn đấu giờ tất cả tan theo cơn bão. “Như của nhà tôi mất hơn 20 tỷ. Bên tôi nuôi cá, hàu, là địa chỉ nuôi có sản lượng lớn nhất Việt Nam về hàu sữa. Siêu bão Yagi cuốn đi đến 90% tài sản đầu tư. Hiện giờ chỉ còn 2 chiếc tàu, nhưng bão cuốn đi mất 2 chiếc, còn diện tích nuôi trồng tan nát hết rồi. Bây giờ cố gắng thu hồi lại tài sản bằng ý chí của mình”.
Chị Lưu Thị Minh Luyến, Chủ nhiệm HTX Đá Đen, xã Hạ Long, Vân Đồn ngân ngấn nước mắt chia sẻ: “8 năm tập trung làm ăn giờ chả còn gì. Như hộ nhà tôi mất trên 6 tỷ, bè mảng, 150 dây hàu, 2 bè cá dìa, tàu, xuồng… tất cả trôi sạch. Vừa trải qua dịch Covid-19, xong đến cắt dây thay phao nhựa giờ chuẩn bị được thu thì mất trắng. Chỉ riêng gia đình nhà tôi đã thiệt hại trên 6 tỷ rồi, còn những hộ khác còn nhiều lắm, không dám nhìn vào con số thiệt hại của dân mình”.
Xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn sau siêu bão Yagi tan hoang, đổ nát, mặt biển la liệt những mảng gỗ trôi nổi, những bè cá bị bão đánh xơ xác vừa được kéo về kèm những ánh mắt thất thần, nặng trĩu của người dân. Không ai tin đây là sự thật bởi nhanh quá, mới có gần 4 tiếng bão quần thảo khiến tài sản người dân tích cóp cả đời rơi xuống biển.
Anh Vũ Văn Khoa, thôn Cống Đông, xã Thắng Lợi nghẹn ngào chỉ vào đống đổ nát bảo “Bão lũ về tan hoang hết, bà con ở đây không ai còn cái gì. Tài sản của nhà tôi trôi dạt đi giờ vớt lại được 1 tý thế này thôi. Cá mắm mất hết, không còn gì cả. Bè nhà tôi mỗi nơi một mảnh anh em họ kéo về còn được 1 tý chứ mất hết”.
Chỉ trước bão thôi, nhà anh Khoa nuôi hơn 50 ô cá, tổng giá trị đầu tư hơn 6 tỷ đồng. Đây là số vốn anh làm tích cóp nửa đời người mới có được cơ ngơi như nay. Đó là trước bão còn sau bão anh là kẻ trắng tay.
Xã Thắng Lợi có 442 hộ, 90% hộ làm nghề nuôi trồng thủy hải sản. Và giờ 99% tài sản của nhân dân bị thiệt hại. Ông Đinh Bùi Hải Sơn, Chủ tịch UBND xã Thắng Lợi kể lại: “Hôm đó nhìn bè trôi trước mặt nhưng không làm gì được, bởi con người rất nhỏ bé trước thiên nhiên còn ảnh hưởng của cơn bão thì quá lớn. Bão Yagi đã cuốn tất cả tài sản của nhân dân dọc 2 bờ thôn Cống Đông ra biển. Bà con cố gắng ra biển đi tìm tài sản còn lại của gia đình nhưng cái gì còn cũng không sử dụng được nhiều vì bị sóng gió đánh dập nát hết”. Giờ người nuôi trồng thủy hải sản ở Vân Đồn rối như tơ vò. Siêu bão đi qua biến những tỷ phú thành người sở hữu những khoản nợ khổng lồ.
Làm lại từ con số không
“Ngã ở đâu đứng lên ở đó, dân Vân Đồn là vậy. Chỉ sau 2 năm sau siêu bão Yagi, chúng tôi sẽ đứng vững, sẽ là 1 Vân Đồn phát triển”, người nuôi trồng thủy hải sản ở Vân Đồn đã khẳng định như vậy trước lãnh đạo huyện và đại diện các ngân hàng. Nhưng để đứng lên mạnh mẽ các hộ nuôi trồng thủy sản của Vân Đồn cần có “phao cứu sinh”. Cụ thể là các ngân hàng khoanh nợ và tạo điều kiện vay vốn mới để tái sản xuất ở mức lãi suất thấp nhất cho người dân, hoãn, giãn, giảm thu thuế đối với diện tích thuê mặt biển của các hợp tác xã.
Nguyện vọng của chị Lưu Thị Minh Luyến, Chủ nhiệm HTX Đá Đen cũng là nguyện vọng của toàn thể người nuôi trồng thủy hải sản là mong muốn có vốn để đầu tư lại, nuôi trồng bám theo biển.
“Vì từ xưa đến giờ nuôi trồng theo biển rồi chỉ muốn sao qua cơn bão khắc phục được ít nào để nuôi trồng, cùng nhau hướng lên có mục đích để chúng tôi còn cố gắng. Chứ bây giờ mất trắng rồi mà do thiên tai chứ không ai muốn. Hiện nhiều người trên vùng cao còn khổ hơn nên chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục để làm lại, người dân Vân Đồn làm lại hàu sữa. Mục đích của chúng tôi là như vậy. bây giờ mất rồi tay trắng rồi, cũng từ tay trắng mà lên. bây giờ cũng là 1 thử thách để chúng tôi làm lại từ đầu tất cả. Chúng tôi đang cố gắng và mong muốn Nhà nước hỗ trợ phần nào”, chị Luyến chia sẻ.
Trong khi chờ “phao cứu sinh”, người dân Vân Đồn bỏ qua đau buồn, tự lực cánh sinh, tìm mọi phương án để vực dậy. Chị Bùi Thị Vinh (xã Thắng Lợi) bảo rằng, tiếc của cả gia đình thẫn thờ mấy ngày nay. Khóc chán rồi giờ phải tỉnh táo để tìm cách tháo gỡ. Trước mắt nhờ anh em hỗ trợ đi tìm tài sản xem còn vớt vát được chút nào hay chút đó, gia cố lại bè mảng. Cũng may chị được con rể đưa 1 tỷ để làm vốn lúc nguy cấp này.
“Cháu bảo với bố mẹ, của cải mất thì mất rồi. Con giúp được bố mẹ cái gì con giúp. Bố mẹ cứ mua cá vào đi, con cấp vốn liếng để bố mẹ làm thêm vào chứ giờ chẳng còn gì đâu. Giờ con giúp bố mẹ vực dậy, giờ bố mẹ không làm cũng chẳng biết bao giờ làm được lại”, chị Vinh nghẹn ngào kể.
Chị Luyến thì tính cách đi vay vốn từ họ hàng người thân để làm lại từ đầu. Bắt đầu từ con số không quả thực không dễ dàng nhưng người dân Vân Đồn rất lạc quan, tin tưởng vào kinh tế biển. Ai cũng hiểu đây là thiên tai ngoài ý muốn, bởi “biển đã từng cho chúng ta tất cả và giờ đây người nuôi trồng thủy hải sản cần phải đoàn kết cùng nhau lấy lại những gì đã mất. Tuy nhiên, vẫn cần lắm một chiếc “phao cứu sinh” để vực dậy ngành kinh tế nuôi trồng thủy sản ở Vân Đồn, đó là các chính sách cần sớm được hiện thực hóa, đừng để người dân “chới với” khi trời quang mây tạnh.