Người dân Quảng Bình làm bè phao đỡ tài sản khi nước lũ dâng cao

Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung | 16/10/2022, 20:47

Nước sông Kiến Giang đã vượt báo động 3, nhiều làng xóm bị ngập. Là địa phương ở vùng trũng, bà con ở Lệ Thủy chủ động phương án “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản khi nước lũ tràn về.

Đến thời điểm này, nước lũ gây ngập hơn 600 hộ dân ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Nhiều hộ dân ở các bản làng biên giới xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy cũng phải di dời khi mưa lớn, nguy cơ cao sạt lở. Nhiều tuyến đường ngập sâu từ 0,5m đến 1m, người dân phải di chuyển bằng ghe.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, lãnh đạo huyện Lệ Thủy chỉ đạo các địa phương chủ động phương án ứng phó, triển khai di dời dân các vùng trũng thấp, vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Đồng thời, dự trữ lương thực, thực phẩm đề phòng bị chia cắt nếu mưa lũ dài ngày. Tại địa phương này, người dân có sáng kiến làm bè phao bằng các thùng phuy rỗng, đưa tài sản có giá trị lên bè để tránh thiệt hại.

 “Từ chiều đến đêm qua mưa to, 12h đêm đến sáng bắt đầu nước lên. Nghe đài báo mưa to, có lụt nên trong nhà chiều qua đã chuẩn bị lắp sàn phao, đưa đồ lên sàn đảm bảo an toàn”, bà Đỗ Thị Mai, ở thôn Quy Hậu, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết.

Mưa lớn tại khu vực miền núi huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, những khu vực vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc sinh sống, nguy cơ cô lập dài ngày. Huyện này đã cử cán bộ phối hợp với lực lượng biên phòng chủ động kiểm tra, triển khai các giải pháp bảo vệ an toàn hồ đập, không để xảy ra sự cố, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân.

Ông Phạm Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, việc cảnh báo thiên tai sớm đã mang lại hiệu quả, giúp người dân chủ động phòng tránh mưa lũ.

“Có phương án để ứng cứu di dời dân kịp thời, đặc biệt những vùng thấp trũng thì vận động bà con đến nơi có nhà cao tầng trong xóm, di chuyển đến các trường học, trụ sở, trạm y tế trên địa bàn. Đặc biệt công tác tuyên truyền ý thức bà con phải chủ động ứng phó với mưa lũ”, ông Phạm Văn Linh nói.

Hiện, tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình mưa đã ngớt, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo bà con không chủ quan trong sinh hoạt để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản khi có mưa lớn, nhất là vào buổi tối. Tại những khu vực bị ngập lụt, tranh thủ nước rút, cơ quan chức năng tập trung khắc phục hậu quả, vệ sinh môi trường để phòng ngừa dịch bệnh. Các bệnh viện, trạm y tế sẵn sàng trang thiết bị, thuốc men để cấp cứu và khám chữa bệnh cho nhân dân.

Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay các điểm sạt lở đang được khắc phục cơ bản, hệ thống ngầm tràn vào các bản đã thông. Huyện chỉ đạo các địa phương đang tiếp tục kiểm tra, rà soát các điểm sạt lở để khắc phục, sẵn sàng các phương án ứng phó với mưa lớn xảy ra trong đêm.

“Các xã, thị trấn có các phương án chuẩn bị di dời dân ở nơi cần thiết và các phương án đề phòng khi nước lũ dâng cao. Chỉ đạo di dời dân ở một số nơi có nguy cơ sạt lở và ngập sâu đến nơi an toàn, đặc biệt là các vùng núi xuất hiện tình trạng lũ quét và sạt lở ở một số tuyến đường ”, ông Đặng Đại Tình cho hay./.

Một số hình ảnh về ngập lụt ở Quảng Bình

Bài liên quan
Đám tang giữa mênh mông nước lũ ở Quảng Bình
Nước lũ tràn về khi gia đình đang có đám tang, để có thể đưa người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng, gia đình, người thân đã cùng chính quyền địa phương dùng thuyền để di chuyển quan tài.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất