Nắng nóng, người già nhập viện do hô hấp tăng 30% ở TP.HCM

Kim Dung/VOV-TP.HCM | 28/04/2023, 20:30

Thời tiết nắng nóng kéo dài ở TP.HCM và khu vực phía Nam đang là nguyên nhân khiến nhiều người cao tuổi phải thăm khám, điều trị các bệnh lý về tim mạch, tiêu hóa và hô hấp.

Người già đổ bệnh vì nắng nóng

Những ngày qua, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất phải kê thêm giường bệnh ở hành lang để tiếp nhận bệnh nhân nhập viện điều trị. 52 giường trong khoa không đủ đáp ứng số ca nhập viện mỗi ngày.

Ông Trần Cao Bằng, 70 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM đang điều trị tại khoa cho biết, thời tiết nắng nóng, cơ thể mệt mỏi khiến ông không thể ăn uống được. Cơ địa bệnh tiểu đường, lại bị hô hấp, ông Bằng đã bị sút 6 kg trong vòng 2 tuần qua.

“Chụp X-quang phổi và chụp CT phổi thì thấy có vết thì đó màu trắng, xuống khoa Nội hô hấp, bác sĩ ở dưới đó là bảo là phải nhập viện, xét nghiệm xem nó làm sao. Tôi bị chuột rút hai bắp chân, ngồi không được, nó đau lắm, rồi mồ hôi ra nhiều. Cơ thể giờ đủ thứ bệnh”, ông Bằng nói.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Duy Cường, Phó Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất cho biết, trong 2 tháng qua, số lượng người cao tuổi nhập viện liên quan đến các bệnh lý hô hấp tăng khoảng 30% so với thời điểm đầu năm.

Nguyên nhân là do nhiệt độ tăng cao, khiến cơ thể người cao tuổi khó tự cân bằng, giảm sức đề kháng. Đây cũng là cơ hội để các bệnh lý mạn tính tái phát và có thể tiến triển nặng hơn.

Bác sĩ Nguyễn Duy Cường khuyến cáo, người cao tuổi cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ, bổ sung nước, chất điện giải, vi chất để nâng cao sức đề kháng. Đặc biệt, không nên gây ra sự thay đổi nhiệt độ đột ngột để tránh tình trạng sốc nhiệt khi từ trong phòng đi ra ngoài hoặc ngược lại.

Virus cúm, vi khuẩn phế cầu…là những thủ phạm gây ra tình trạng viêm phổi, nhiễm trùng hô hấp ở người cao tuổi, do đó, cần tiêm vaccine phòng ngừa các bệnh lý này. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có xu hướng gia tăng trong cộng đồng hiện nay cần phải đặc biệt chú ý.

“Những người cao tuổi nên đeo khẩu trang, khử khuẩn tay chân, tiêm ngừa vaccine đủ và dinh dưỡng đầy đủ, khi đi ra ngoài đường, đặc biệt tới những nơi công cộng, đông người thì nên chú ý. Đó là khuyến cáo cho dành cho người cao tuổi thường hay dễ bị mắc bệnh lý hô hấp, đặc biệt là trong mùa nắng nóng này”, bác sĩ Nguyễn Duy Cường nói.

Trẻ nhập viện tăng nhẹ

Không chỉ người già, mà trẻ em nhập viện cũng gia tăng nhẹ do thời tiết nắng nóng. Tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, trong 1 tháng nay, trung bình mỗi ngày có 4.000 đến 4.500 lượt khám bệnh, tăng khoảng 300-500 ca/ngày so với cùng kỳ năm 2022.

Trẻ đến khám phần lớn ở độ tuổi từ sơ sinh đến 6 tuổi, chủ yếu mắc các bệnh lý về hô hấp, tiêu hóa và các bệnh liên quan đến da. Tỷ lệ trẻ có triệu chứng nặng phải nhập viện dao động từ 8-10%.

Bà Nguyễn Thị Huệ, tạm trú thành phố Thủ Đức, TP.HCM, giúp con gái đưa 2 cháu đi khám cùng lúc. Cháu gái 6 tuổi và cháu trai 1 tuổi của bà Huệ bị ho kéo dài, tiếng ho rất xấu, bé nhỏ còn ọc sữa.

“Khoảng hai ngày nay đứa chị thì đi khám ở bệnh viện quận, khi thử máu rồi thì bác sĩ cho biết sốt siêu vi, bị viêm họng nữa. Hôm qua đi Bệnh viện Nguyễn Tri Phương thì bảo là đứa em nhỏ này cũng bị lây. Bé nhỏ cũng ho suốt tới giờ rồi tới đây khám liên tục luôn. Nếu mai uống số thuốc này mà còn sốt cao là bác sĩ kêu phải nhập viện đó, do ho có đàm nhiều quá”, bà Huệ cho hay.

Theo Bác sĩ Huỳnh Minh Thẩm, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2, thời tiết ở TP.HCM và Nam bộ kéo dài hơn tháng nay khiến trẻ dễ bị viêm hô hấp như viêm họng, amidan, viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi.

Các mặt bệnh khác cũng gia tăng trong mùa hè như bệnh tiêu hóa, vì thời tiết nắng nóng, thực phẩm dễ hư hỏng hoặc các bệnh lý viêm da mùa hè như rôm sảy, viêm da tiếp xúc với nắng, nhọt, chốc lở, viêm da cơ địa…

Bác sĩ Thẩm cho biết, các phòng khám cũng ghi nhận có một số trẻ bị rôm sảy dẫn đến bội nhiễm hoặc trẻ bị bỏng da độ 1 do tiếp xúc với ánh nắng mà không được che chắn.

Hiện các bệnh viện nhi hầu hết đều mở các phòng khám ngoài giờ, kể cả ban đêm, nên phụ huynh cũng tranh thủ đưa con đi khám. Do đó, các bác sĩ không bị áp lực và quá tải.

“Cũng có những trường hợp phụ huynh quá lo lắng, có xin nhập viện sớm, nhưng mà các bác sĩ tận tình hướng dẫn để trường hợp nào giữ ở nhà tốt hơn, trường hợp nào thì nên nằm viện tốt hơn. Áp lực có nhưng không nhiều và cũng chưa  quá tải. Các bác sĩ cũng cân nhắc về trường hợp nào nên nằm lại về trường hợp nào nên cho thuốc về”, bác sĩ Huỳnh Minh Thẩm nói.

Các bác sĩ cảnh báo, do dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu gia tăng trở lại, người dân cần thực hiện tốt nguyên tắc 2K (khẩu trang, khử khuẩn) trong đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 dài ngày. Phụ huynh cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay, bổ sung nước, dinh dưỡng cho trẻ để phòng các bệnh lý dễ gặp trong giai đoạn nắng nóng này./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Đầu năm gia tăng nắng nóng, cuối năm mưa bão dồn dập
Dự báo nửa đầu năm 2024, hạn mặn, mưa đá và nắng nóng gia tăng ở các địa phương, đến cuối năm xuất hiện mưa bão dồn dập với 5 - 7 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta.
Mới nhất