Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), huyết khối kèm theo hội chứng giảm tiểu cầu (TTS) liên quan đến vaccine AstraZeneca là tác dụng phụ rất hiếm gặp và thường chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn sau tiêm.
Kể từ tháng 7/2023, Việt Nam đã sử dụng hết loại vaccine AstraZeneca, hiện không còn rủi ro phát triển huyết khối, giảm tiểu cầu sau khi tiêm vacicne này. "Với người đã tiêm vaccine AstraZeneca không cần thực hiện xét nghiệm D-dimer hay bất kỳ xét nghiệm đông máu do không còn nguy cơ gây huyết khối và giảm tiểu cầu”, Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.
Vaccine AstraZeneca được Bộ Y tế cấp phép sử dụng có điều kiện từ 1/2/2021 để đáp ứng nhu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đây là loại vaccine COVID-19 đầu tiên được Việt Nam nhập khẩu và triển khai tiêm chủng.
Quá trình tiêm chủng diễn ra theo quy trình nghiêm ngặt do Bộ Y tế xây dựng và liên tục cập nhật để đảm bảo an toàn, hiệu quả, bao gồm các hướng dẫn chi tiết về khám sàng lọc trước tiêm, tổ chức buổi tiêm và theo dõi phản ứng sau tiêm. Các tiêu chuẩn chỉ định đối tượng tiêm và các mũi tiêm cũng được cập nhật liên tục theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển.
Tính đến nay, Việt Nam triển khai tiêm hơn 266 triệu liều vaccine COVID-19 cho người dân từ 5 tuổi trở lên, trong đó 70 triệu liều vaccine AstraZeneca đã được sử dụng cho các mũi tiêm đầu tiên và các mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên.
Dựa trên các khuyến cáo của các tổ chức y tế trên thế giới về khả năng có biến chứng rối loạn đông máu sau tiêm vaccine COVID-19, ngày 22/4/2021, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, cục máu đông sau tiêm vaccine COVID-19.
“Nhờ chiến dịch tiêm chủng rộng rãi và đạt tỷ lệ cao, vaccine AstraZeneca cùng các loại vaccine COVID-19 khác giúp Việt Nam kiểm soát hiệu quả đại dịch, giảm thiểu đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do COVID-19, góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường”, Cục Y tế dự phòng thông tin.
Vaccine AstraZeneca một trong 14 loại vaccine COVID-19 được Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép sử dụng khẩn cấp. Theo thống kê, hơn 170 quốc gia đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine này và hơn 2 tỷ liều đã được tiêm chủng toàn cầu.
Các chuyên gia cũng cho rằng, vaccine AstraZeneca được chứng minh qua thực tiễn sử dụng rộng rãi là rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng và giảm tử vong do COVID-19. Phân tích dữ liệu từ nhiều nghiên cứu và theo dõi sau tiêm chủng chỉ ra rằng vaccine này an toàn và hiệu quả cho mọi nhóm tuổi.
Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo rằng sử dụng vaccine AstraZeneca là an toàn và hiệu quả cho tất cả mọi người từ 18 tuổi trở lên. Số liệu từ Anh và châu Âu cho thấy nguy cơ xuất hiện tác dụng phụ hiếm gặp như huyết khối kèm giảm tiểu cầu ước tính là 1 trên 100.000 người lớn được tiêm.
Nghiên cứu thống kê cho thấy tỷ lệ huyết khối giảm tiểu cầu sau tiêm vaccine thấp hơn nhiều so với tỷ lệ mắc phải hội chứng huyết khối giảm tiểu cầu sau khi nhiễm COVID-19. Bên cạnh đó, cục máu đông có thể xuất phát từ việc mắc COVID-19, thậm chí xảy ra đến tận 6 tháng sau khi mắc COVID-19.
Với tỷ lệ rất hiếm gặp của huyết khối kèm giảm tiểu cầu sau tiêm vaccine, Tổ chức y tế thế giới khẳng định lợi ích của việc tiêm chủng vaccine AstraZeneca trong việc bảo vệ chống lại COVID-19 vượt xa so với rủi ro.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần liên tục cập nhật thông tin từ các nguồn đáng tin cậy và chính thống để có cái nhìn đầy đủ hơn về các biện pháp phòng, chống dịch, từ đó hiểu rõ lợi ích của việc tiêm chủng.
Trước đó, hãng dược phẩm AstraZeneca đứng trước vụ kiện tập thể, cáo buộc vaccine do hãng đồng phát triển với Đại học Oxford gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cho hàng chục người dùng.
Đơn kiện đầu tiên được người dùng tên Jamie Scott đệ trình vào năm ngoái, cho biết vaccine khiến ông bị đông máu và chảy máu não, không thể làm việc. Đến nay, 51 đơn kiện đã được trình lên Tòa án Tối cao, trong đó các nạn nhân đòi bồi thường ước tính lên tới 100 triệu bảng Anh.
AstraZeneca một mặt vẫn phản đối cáo buộc nêu trên. Tuy nhiên, trong một tài liệu pháp lý đệ trình lên tòa án tối cao vào tháng 2/2024, hãng thừa nhận, "vaccine AstraZeneca có thể gây ra huyết khối tĩnh mạch kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS) trong những trường hợp rất hiếm gặp". Dù vậy, hãng này lưu ý thêm TTS vẫn có thể xảy ra khi không tiêm vaccine. Hãng dược cũng cho biết cần điều tra cụ thể về nguyên nhân gây đông máu của từng trường hợp riêng lẻ.
Mới đây, hãng dược AstraZeneca thông báo sẽ thu hồi toàn bộ loại vaccine COVID-19 do hãng nghiên cứu và sản xuất trên toàn cầu, khẳng định việc này đến từ "lý do thương mại".