Năm 2024 khả năng xuất hiện nhiều bão hơn, mưa lớn kéo dài trên đất liền

Văn Ngân/VOV.VN | 17/01/2024, 22:12

Chiều 17/1, tại Hà Nội, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai - Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Năm 2024 khả năng sẽ xuất hiện nhiều bão trên Biển Đông, mưa lớn kéo dài trên đất liền

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã trao đổi, chia sẻ những vấn đề liên quan đến công tác quản lý đê điều, công tác truyền thông sáng tạo hưởng ứng năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai, công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai, hoạt động nâng cao năng lực quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng...

Năm 2023, tại Việt Nam, thiên tai xảy ra cực đoan trên các vùng miền với 1.145 trận thiên tai (21/22 loại hình), đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng và là năm bất thường khi số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền. Thiên tai đã làm 169 người chết, mất tích (giảm 3% so với năm 2022). Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng (bằng 42% so với năm 2022).

Trước tình hình thiên tai bất thường, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai - Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài Bộ, các cơ quan liên quan, nỗ lực phát huy các mặt tích cực trong công tác chỉ đạo điều hành, khắc phục những tồn tại, khó khăn. Ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, Cục tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai. Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đã chủ động chỉ đạo các địa phương trong cả nước ứng phó với các tình huống thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, đồng thời sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn nhiệm vụ đặt ra.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết, năm 2023 biến đổi khí hậu và El nino đã tác động khiến năm 2023 trở thành năm nóng nhất từ trước đến nay.

"Dự kiến năm 2024 sẽ còn tiếp tục có nắng nóng. Nửa đầu năm 2024 thời tiết có thiên hướng nắng nóng và thiếu nước, hạn hán. Nguy cơ gây thiếu nước sinh hoạt. Có thể xảy sạt lở, sụt lún do hạn hán. Mùa Đông sẽ có xu hướng ấm và ẩm. Nửa cuối năm 2024 sẽ mưa nhiều, mưa lớn, kéo dài nhiều ngày, tập trung nhiều bão ở Biển Đông. Hoạt động phòng chống bão sẽ nhanh và gấp hơn. Đề nghị các bộ ngành địa phương tăng cường truyền thông hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các phương án ứng phó".

Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trong công tác phòng, chống thiên tai

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai biểu dương những nỗ lực của cán bộ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai - Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã hoàn thành tốt công tác quản lý đê điều và phòng chống thiên tai trong năm qua.

Để thực hiện tốt công tác công tác này trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai - Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai tập trung hoàn thành đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật được giao theo quy định, đồng thời rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn khác trong lĩnh vực phòng chống thiên tai để phù hợp với Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 và Nghị định hướng dẫn Luật Phòng thủ dân sự.

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tham mưu kiện toàn tổ chức, hoạt động của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự của Bộ sau khi Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng thủ dân sự ban hành.

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tiếp tục đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025; Đề án Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030; Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia.

Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổng thể phòng chống sụt lún, sạt lở, ngập úng vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng Đề án phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng vùng đồng bằng sông Cửu Long. Xây dựng nội dung Kế hoạch quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông; Kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ sông do mưa lũ hoặc dòng chảy, sạt lở bờ biển.

Cùng với đó, Cục tiếp tục đàm phán vòng 2 với phía Campuchia về xử lý vấn đề sạt lở bờ sông Hậu – Bassac và rạch Bình Ghi/Chrey Thom biên giới Việt Nam – Campuchia. Tổ chức tập huấn cho cán bộ tham gia công tác trực ban phòng, chống thiên tai.

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến thiên tai, tăng cường kiểm tra, đôn đốc bảo vệ an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập xung yếu; tham mưu kịp thời để Ban Chỉ đạo chỉ đạo các địa phương sẵn sàng ứng phó thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, đồng thời báo cáo, tổng hợp thiệt hại, đề xuất các biện pháp khắc phục khẩn cấp, hỗ trợ trung, dài hạn; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo đúng mục đích, đối tượng và hiệu quả.

Cục tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương thực hiện việc đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, phòng chống sạt lở, ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống thiên tai.

Đối với công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai - Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí, đài truyền hình, đài truyền thanh từ Trung ương đến địa phương để đưa các bản tin về tình hình thiên tai, công tác chỉ đạo ứng phó kịp thời tới các cấp chính quyền và người dân; duy trì và phát triển các trang mạng xã hội của Cục với nhiều chương trình, tin bài hấp dẫn, tăng tính tương tác và thu hút sự tham gia của người dùng. Xây dựng kế hoạch truyền thông năm 2024 phù hợp thực tiễn; tăng cường thông tin, truyền thông ứng phó với các đợt thiên tai, đặc biệt là những đợt thiên tai có tính chất cực đoan.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu rõ, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cần tập trung triển khai các nội dung thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng (Đề án 553); chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đảm bảo kế hoạch giải ngân 2024. Tiếp tục thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật góp phần nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai cho các cấp chính quyền, cộng đồng.

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai triển khai nhiệm vụ Quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức lập các quy hoạch: Quy hoạch đê điều hệ thống đê biển, đê cửa sông các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Kiên Giang; Quy hoạch phòng chống lũ các tuyến sông có đê và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình...

Cục tổ chức triển khai 4 dự án điều tra cơ bản năm 2024 “Điều tra, đánh giá hiện trạng đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang” và “Điều tra, đánh giá hiện trạng cây chắn sóng bảo vệ đê biển khu vực Trung Bộ”; “Điều tra, giám sát hiện trạng sạt lở bờ sông, bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long và đề xuất các cảnh báo, giải pháp xử lý (giai đoạn 3)”; “Điều tra hiện trạng cây chắn sóng bảo vệ đê biển, đê cửa sông khu vực Nam Bộ”.

Phối hợp cùng các cơ quan quản lý luật pháp tập trung làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện các vụ vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai để xử lý nghiêm minh. Tập huấn nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đê điều và phòng, chống thiên tai cho lãnh đạo, cán bộ cấp huyện trên địa bàn một số tỉnh thường xuyên xảy ra vi phạm.

Cục hoàn thành Kế hoạch Cải cách hành chính 2024, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai năm 2024; tập trung đào tạo bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ. Triển khai các phong trào thi đua có hiệu quả, tổ chức kiểm tra, đánh giá, nhân rộng các mô hình điển hình; khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai.

Ban Tổ chức hội nghị đã thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng 3, trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Điện Biên Phủ, ký ức năm xưa vẫn còn nguyên vẹn
Sau 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa nay tuổi đều đã trên dưới 90. 70 năm qua đi nhưng những ký ức về trận chiến năm nào để làm nên một chiến thắng chấn động địa cầu vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.
Mới nhất