Cuộc đua vào lớp 10 công lập: Áp lực của những người trong cuộc

CTV Linh Thương/VOV.VN | 01/05/2024, 09:07

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 chính thức diễn ra, đây là kỳ thi được đánh giá khá căng thẳng, khốc liệt trên địa bàn Hà Nội.

Áp lực từ chính bản thân học sinh

Có thể nói, cuộc đua giành “suất” vào lớp 10 các trường Trung học Phổ thông công lập tại những đô thị lớn như Hà Nội chưa bao giờ hạ nhiệt. Năm nay, tình hình căng thẳng hơn khi “cánh cửa” vào lớp 10 thêm phần chật hẹp khi số lượng thí sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở ngày càng tăng.

Theo thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2023 - 2024 khoảng 133.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS. Trong đó tỷ lệ chỉ tiêu đỗ vào lớp 10 các trường công lập năm nay khoảng 60%. Còn lại các em phải lựa chọn theo học tại các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường cao đẳng.

Như vậy, kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tới đây tại Hà Nội dự kiến khoảng 81.200 em đỗ vào các trường công lập, còn lại 51.800 em không đỗ, phải theo học trường tư hoặc trường nghề.

Về quy mô trường THPT công lập, so với năm học 2023 - 2024 (không tính trường công lập tự chủ), năm học 2024 - 2025, dự kiến Hà Nội có 121 trường, tăng 2 trường.

Trong giai đoạn “nước rút” ôn luyện, theo ghi nhận thực tế nhiều em học sinh tỏ ra khá lo lắng trước kỳ thi vô cùng quan trọng này, lịch học thường xuyên dày đặc cho dù là trong tuần hay ngày nghỉ.

“Qua kỳ thi vào lớp 10 năm ngoái thì em thấy thật sự là khốc liệt. Đối với em, áp lực lớn nhất là áp lực từ chính bản thân mình. Ngày nào lịch học của em cũng từ 7 giờ sáng cho đến 11 giờ đêm mới về đến nhà. Ngày cuối tuần cũng như ngày đi học bình thường, chỉ cần không phải đi học trên trường là em sẽ tranh thủ học thêm tại nhà.

Hàng ngày đến trường thấy bạn bè cùng lớp tập trung ôn luyện, trên các trang báo, mạng xã hội lại liên tục đưa tin về số lượng học sinh năm nay thi vào trường công lập tăng càng làm em cảm thấy lo lắng, áp lực hơn rất nhiều”, Đặng Đỗ Yến Phương, học sinh lớp 9 Trường THCS Nhân Chính, quận Thanh Xuân chia sẻ.

Tại một trung tâm luyện thi có tiếng trên địa bàn quận Thanh Xuân. Dù là cuối tuần, nhưng các lớp học ở đây dường như không “hạ nhiệt”. Học sinh tranh thủ từng chút để có thể ôn luyện được nhiều đề nhất.

“Em cảm thấy khá căng thẳng, em chỉ biết diễn tả cảm xúc bằng hai từ “căng thẳng”. Lịch học của em cũng như bao bạn khác, trong thời gian này hầu như không có ngày nghỉ”, Bảo Sơn, học sinh lớp 9 Trường Marie Curie đặt nguyện vọng 1 vào trường Trung học Phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ khi được hỏi về những khó khăn trong giai đoạn “cận kề” ngày thi này.

Áp lực từ gia đình và sự đổi mới “liên tục”

Kỳ thi vào lớp 10 được coi là một trong những kỳ thi quan trọng đánh dấu bước ngoặt cho các em học sinh vừa tốt nghiệp bậc trung học cơ sở.

Cô Ngọc Anh, giáo viên luyện thi môn Ngữ văn tại Trung tâm luyện thi Quốc tế Sao Việt cho biết: “Kỳ thi 9 lên 10 năm nay khá căng thẳng với các em học sinh khi tỉ lệ chọi cao khiến cho các em gặp nhiều áp lực hơn. Năm nay cũng là năm cuối học sách giáo khoa cũ nên rất nhiều học sinh, phụ huynh học sinh và cả bản thân mình là giáo viên ôn luyện trực tiếp cũng cảm thấy lo lắng không biết đề thi của Sở GD&ĐT Hà Nội có khó hơn không, mức độ phân hóa có rõ ràng hơn các năm khác không”.

Cụ thể, học sinh đang học thuộc chương trình cũ, ngay từ lớp 8 đã ôn thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hầu hết bỏ qua những môn học khác. Trong khi đó, giai đoạn lớp 8, 9 là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong việc trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp, tiền đề cho bậc THPT bởi theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, lên lớp 10, các em phải chọn môn học tự chọn theo năng khiếu, sở trường của bản thân.

“Khóa học sinh 2009 là khóa cuối cùng ôn thi 9 vào 10, nếu như không thi đỗ trường công thì các em sẽ không có cơ hội thi lại và sẽ phải theo học trường tư thục. Không những vậy, nhiều bạn lựa chọn trường công lập hiện đang phải chịu những áp lực nhất định về khủng hoảng tâm lý khá nhiều, có những phụ huynh gọi cho tôi ngay trong đêm vì các bạn học sinh quá áp lực và muốn đổi nguyện vọng sang trường tư thục”, cô Ngọc Anh thông tin thêm.

Làm gì để giải tỏa áp lực cho học sinh

Ngoài tăng cường hỗ trợ việc học cho các bạn học sinh, các thầy cô giáo chỉ ra rằng tinh thần vững chắc, có sự đồng hành của gia đình là điều vô cùng quan trọng với các em trong giai đoạn này.

“Việc vững tinh thần là điều vô cùng quan trọng, ở độ tuổi 15 -16 tuổi các bạn sẽ luôn cảm thấy hoang mang, lo lắng và áp lực trước những bước ngoặt lớn như vậy. Trước tiên các bạn và gia đình phải có sự vững vàng về tâm lý, trong giai đoạn này tâm lý vững vàng đã chiến thắng một nửa chặng hành trình rồi. Sau đó là việc có phương pháp ôn luyện phù hợp để vừa đạt được kết quả cao, phân bổ thời gian học tập phù hợp để không ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân các em.” Cô Phạm Thị Quỳnh Duyên, giáo viên Trường THCS Nhân Chính chia sẻ.

Theo cô, ngoài việc có lộ trình và phân bổ thời gian rõ ràng cho học sinh, cô mong muốn rằng số lượng trường công trên địa bàn Hà Nội nhiều hơn để giảm bớt những áp lực cho các em trong thời gian ôn luyện, mỗi bậc phụ huynh cần là người một bạn đồng hành, cùng con chia sẻ những khó khăn vướng mắc và cần thì nên cân nhắc hạ bớt mục tiêu cho con. "Các bậc phụ huynh hãy lắng nghe những chia sẻ của con để có những định hướng kịp thời cho con em mình chứ không phải tạo ra các áp lực khiến các con cảm thấy lo lắng và sợ hãi khi bước vào kỳ thi sắp tới".

Bài liên quan
Cuộc đua vào lớp 10 tại Hà Nội khi nào bớt "nóng"?
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm tại Hà Nội năm nào cũng "nóng", bởi số lượng chỉ tiêu vào trường công có hạn, trong khi phần lớn phụ huynh lại mong muốn con em được theo học tại các trường THPT công lập.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
TRỰC TIẾP: Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản
Chiều 21/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Mới nhất