Trong những tháng cuối nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Joe Biden quyết định cho phép các nhà thầu quốc phòng Mỹ làm việc tại Ukraine để bảo dưỡng và sửa chữa vũ khí do Mỹ cung cấp.
Chính sách mới, được phê duyệt vào đầu tháng này trước cuộc bầu cử, cho phép Lầu Năm Góc cung cấp hợp đồng cho các công ty Mỹ để làm việc bên trong Ukraine lần đầu tiên kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào năm 2022.
Quan chức Mỹ cho biết họ hy vọng điều này sẽ đẩy nhanh việc bảo trì và sửa chữa các hệ thống vũ khí Mỹ đang được quân đội Ukraine sử dụng.
"Để giúp Ukraine sửa chữa và bảo dưỡng các thiết bị quân sự do Mỹ và các đồng minh cung cấp, Lầu Năm Góc đang mời một số ít nhà thầu duy trì sự hỗ trợ của Mỹ ở Ukraine. Họ ở xa tiền tuyến và không chiến đấu với lực lượng Nga. Họ giúp quân đội Ukraine nhanh chóng sửa chữa và bảo dưỡng thiết bị do Mỹ cung cấp", quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho hay.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu vào năm 2022, Mỹ viện trợ Kiev hàng chục tỷ USD vũ khí. Tuy nhiên, Ukraine phải chuyển vũ khí do Mỹ cung cấp ra nước ngoài để sửa chữa, hoặc dựa vào các cuộc trao đổi trực tuyến và giải pháp sáng tạo khác để sửa chữa trong nước.
Điều này làm chậm tiến độ sửa chữa và ngày càng trở nên khó khăn hơn khi Mỹ cung cấp cho Kiev các loại khí tài tiên tiến, như máy bay chiến đấu F-16 và hệ thống phòng không Patriot.
Một quan chức Mỹ khác tiết lộ rất nhiều thiết bị ở Ukraine không được sử dụng vì bị hư hỏng.
Việc cho phép các nhà thầu quân sự Mỹ triển khai tới Ukraine được xem là động thái nới lỏng hạn chế mới nhất của chính quyền Tổng thống Biden, nhằm giúp Kiev tự vệ trong cuộc xung đột kéo dài 2 năm rưỡi mà không phải trực tiếp tham chiến với Nga.
Không rõ liệu Tổng thống đắc cử Donald Trump có duy trì chính sách này khi ông nhậm chức vào tháng 1/2025 hay không. Ông Trump từng tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột Nga - Ukraine "trong vòng 24 giờ" sau khi tái đắc cử.
Sự hỗ trợ của Mỹ đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp Ukraine chống lại lực lượng Nga mạnh và được trang bị tốt hơn nhiều. Quân đội Nga hiện kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Ukraine và đang gia tăng áp lực lên Kiev.
Ukraine kêu gọi phương Tây dỡ bỏ lệnh hạn chế sử dụng tên lửa tấn công sâu vào Nga, điều mà Kiev cho là cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công tầm xa của Nga. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa công bố bất kỳ thay đổi nào đối với chính sách đó.
Các quan chức Mỹ đánh giá việc nới lỏng quyền sử dụng vũ khí có thể không đủ để thay đổi cục diện cuộc chiến, trong khi Moskva cảnh báo điều này sẽ khiến xung đột leo thang.