Trong suốt lịch sử chiến tranh, lực lượng bộ binh vẫn đóng vai trò quan trọng, dù có những tiến bộ vượt trội về công nghệ quân sự và sự thay đổi chiến lược chiến đấu. Từ các cuộc giao tranh trong Thế chiến 1, Thế chiến 2 đến những cuộc xung đột hiện đại như Nga-Ukraine, lực lượng bộ binh, dù là bộ binh truyền thống hay cơ giới tiếp tục làm chủ chiến trường. Bên nào có nhiều lực lượng bộ binh hơn, bên đó có thể nắm giữ các khu vực quan trọng, thậm chí xoay chuyển cục diện xung đột.
Khi xung đột Nga-Ukraine cán mốc 1.000 ngày, các hoạt động của bộ binh đã trở thành tâm điểm chú ý và trở thành yếu tố quyết định. Từ các cuộc chiến tay đôi ở những khu vực đô thị như Donetsk đến các cuộc tấn công cơ giới lớn hơn ở Kursk, lực lượng bộ binh Nga và Ukraine đang nỗ lực cạnh tranh lợi thế. Ngay cả sự tham gia của các lực lượng nước ngoài cũng theo xu hướng này. Lầu Năm Góc cho biết, Triều Tiên đã triển khai 10.000 binh sỹ để hỗ trợ Nga, trong đó có cả các đơn vị đồn trú ở khu vực Kursk, gần biên giới Ukraine.
Cuộc xung đột đang diễn ra đã cho thấy vai trò của bộ binh và các đơn vị cơ giới trong những trận chiến. Cả Ukraine và Nga đều sử dụng chủ yếu các đơn vị này khi phải đối mặt với địa hình khó khăn hiểm trở, hạn chế về công nghệ và hạn chế về hậu cần.
Chiến lược của bộ binh cơ giới Ukraine
Bộ binh cơ giới Ukraine đã đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phòng thủ và tấn công của nước này. Các lữ đoàn như Lữ đoàn Bộ binh cơ giới số 47 đã tận dụng thiết bị do phương Tây cung cấp như xe chiến đấu bộ binh Bradley và xe tăng Abrams để tiến hành nhiều cuộc phản công. Những phương tiện này đã cải thiện đáng kể khả năng cơ động và khả năng sống sót của binh sỹ, cho phép các lực lượng Ukraine phá vỡ phòng tuyến kiên cố của Nga ở các khu vực như Zaporizhzhia và Kursk.
Xe chiến đấu bộ binh Bradley đã chứng minh được hiệu quả trên chiến trường. Lớp giáp chắc chắn và vũ khí tiên tiến của chúng cho phép binh sỹ Ukraine chiến đấu trong thời gian dài và giảm thiểu thương vong. Ngoài ra, việc Ukraine tích hợp đạn dược dẫn đường chính xác và thông tin tình báo thời gian đã bù đắp cho bất lợi của nước này về quân số và hỏa lực, thể hiện hiệu quả của các hoạt động vũ trang kết hợp.
Tuy nhiên, Ukraine vẫn phải đối mặt nhiều thách thức. Các cuộc tấn công của họ thường phải chịu tỷ lệ tổn thất cao do pháo binh và làn sóng không kích áp đảo của Nga. Giao tranh ở những khu vực đô thị và khu vực có địa hình lầy lội đã hạn chế đáng kể khả năng cơ động cũng như hiệu quả của các đơn vị cơ giới, đặc biệt là ở các vùng như Donbass. Tuy nhiên, lực lượng Ukraine vẫn tìm cách thích nghi, tận dụng sự huấn luyện của NATO và các chiến thuật tiên tiến để khai thác điểm yếu của Nga.
Chiến lược của bộ binh cơ giới của Nga
Ở giai đoạn đầu xung đột, bộ binh cơ giới Nga đã tiến hành nhiều cuộc tấn công quy mô lớn nhằm nhanh chóng giành đánh bại Ukraine. Tuy nhiên, sự phối hợp lỏng lẻo, thách thức về hậu cần và sự kháng cự mạnh mẽ của Ukraine đã làm chệch hướng kế hoạch này. Sau các cuộc tấn công bằng xe tăng ồ ạt, bộ binh cơ giới Nga đã phải chịu tổn thất nặng lớn trước các hệ thống chống tăng hiện đại như Javelin và tổ hợp tên lửa chống tăng NLAW mà phương Tây cung cấp cho Ukraine.
Ở giai đoạn tiếp theo, Nga đã chuyển chiến lược làm tiêu hao lực lượng đối phương với việc tiến hành các loạt pháo kích để làm suy yếu khả năng phòng thủ của Ukraine. Mặc dù cách tiếp cận này đã giúp Moscow đạt được một số bước tiến lớn, nhưng họ phải nỗ lực rất nhiều để đảm bảo quyền kiểm soát các lãnh thổ đã chiếm được.
Bộ binh cơ giới của Nga đã chứng minh được sức mạnh khi tận dụng ưu thế về số lượng và trang bị hạng nặng. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu hao cao đối với nhân sự và xe bọc thép đã làm xói mòn lợi thế trên chiến trường của Nga.
Vai trò “át chủ bài” của bộ binh cơ giới
Khi xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn, vai trò của bộ binh và các đơn vị cơ giới vẫn rất quan trọng. Ukraine có thể sẽ tiếp tục cải tiến chiến thuật phối hợp vũ trang và tích hợp vũ khí tiên tiến, trong khi Nga có thể dựa vào ưu thế về số lượng và chiến lược tiêu hao.
Dẫu vậy, cả hai bên đều phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Ukraine phải đối mặt với tình trạng hao mòn thiết bị do phương Tây cung cấp và sự phức tạp về mặt hậu cần trong việc duy trì các tuyến tiếp tế. Còn Nga cũng phải tìm cách nâng cấp các loại phương tiện và vũ khí có từ thời Liên Xô để khắc phục tình trạng thiếu trang thiết bị chiến đấu và duy trì lợi thế
Xét về mặt thực tiễn, bất chấp những tiến bộ về công nghệ, vai trò cốt lõi của bộ binh vẫn không thay đổi. Từ các chiến trường ngày xưa đến những cuộc giao tranh cơ giới ngày nay, bộ binh vẫn tiếp tục thích nghi với tình hình mới và chứng minh vai trò thiết yếu trong môi trường có nhiều biến đổi.
Nếu như trong Thế chiến thứ nhất, vai trò bộ binh truyền thống nhường chỗ cho các hoạt động cơ giới được hỗ trợ bởi xe tăng và pháo binh. Thì đến Thế chiến thứ hai, các chiến lược vũ trang kết hợp bao gồm bộ binh cơ giới, xe tăng và hỗ trợ trên không đã trở thành chuẩn mực. Sự ra đời của xe chiến đấu bộ binh BMP-1 do Liên Xô sản xuất và xe Bradley do Mỹ chế tạo, càng nêu bật tầm quan trọng của khả năng cơ động và hỏa lực lớn.
Ngày nay, sự phát triển của các lực lượng bộ binh, kết hợp với những thiết bị công nghệ cao như máy bay không người lái, tên lửa dẫn đường và hệ thống liên lạc tiên tiến đã làm thay đổi bộ mặt chiến trường và giúp các bên giành được nhiều lợi thế.