Môi trường ra sao nếu xây khách sạn và bungalow trong Vườn quốc gia Tam Đảo?

06/01/2024, 16:39

Với việc dự kiến triển khai 2 dự án khai thác du lịch với tổng diện tích đất rừng tại Vườn Quốc gia Tam Đảo dự kiến được sử dụng là hơn 103 ha sẽ ảnh hưởng như thế nào đến môi trường và biến đổi khí hậu tại khu vực này và khu vực xung quanh.

Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến cộng đồng đánh giá tác động môi trường (ĐTM) liên quan đến dự án xây dựng khách sạn và bungalow (nhà có diện tích nhỏ gọn, kết cấu tương đối đơn giản nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ tiện nghi) trong Vườn quốc gia Tam Đảo, xã Trung Mỹ (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc).

Dự án này thuê  35,7 ha rừng với thời hạn 30 năm. Đáng chú ý, cách đây 2 tháng, Bộ này cũng tham vấn ý kiến về ĐTM dự án Khu du lịch sinh thái số 2 thuê 68 ha môi trường rừng đặc dụng tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ ngơi, giải trí với công suất 500 khách/ngày.

Như vậy, với việc dự kiến triển khai 2 dự án khai thác du lịch với  tổng diện tích đất rừng tại Vườn Quốc gia Tam Đảo dự kiến được sử dụng là hơn 103 ha sẽ ảnh hưởng như thế nào đến môi trường và biến đổi khí hậu tại khu vực này và khu vực xung quanh. PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia môi trường Nguyễn Trung Việt xung quanh vấn đề này.

PV:  Việc cho thuê rừng đặc dụng để thực hiện những dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến môi trường và biến đổi khí hậu?

Chuyên gia Nguyễn Trung Việt: Chức năng tác dụng của rừng nguyên sinh và rừng trồng khác nhau. Cây không giống nhau, nhưng thảm thực vật ở bên dưới khác nhau hoàn toàn. Rừng nguyên sinh mà chặt đi để trồng rừng chỗ khác để bù lại thì là sai.

Rừng có tác động về khí hậu kể cả về vĩ mô lẫn vi mô. Về vĩ mô, rừng điều tiết nhiệt độ rất tốt. Nếu ở góc độ này thì rừng nguyên sinh và rừng trồng giống nhau, khu vực nào có rừng là nhiệt độ giảm xuống khoảng chừng từ 5 đến 7  độ C, không làm cho nhiệt độ ở khu vực đó tăng cao, điều tiết được lượng mưa và nhiệt độ.

Tam Đảo là một trong những lá phổi của thành phố Hà Nội, có ý nghĩa rất lớn đối với thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận, giống như rừng Cần Giờ của thành phố Hồ Chí Minh. Lấy diện tích rừng để làm nhà cửa, giao thông như vậy thì phải phá rừng.

Thứ hai, rừng vừa hấp thụ CO2, vừa cung cấp oxy, những chất kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Ban ngày rừng nhả oxy nhưng đồng thời nó cũng hấp thụ CO2 để quang hợp. Bởi vì CO2 khi hấp thụ thì cùng với ánh sáng mặt trời trong quá trình quang hợp tạo thành sinh khối của cây, dinh dưỡng của cây. Diện tích 68 ha rừng không phải là ít. Nếu phá bỏ diện tích 68 ha rừng thì chúng ta sẽ mất đi toàn bộ lượng đó.

Thứ ba, nếu lấy rừng để xây dựng khu du lịch, xây nhà cửa sẽ mất hết thảm thực vật ở phía dưới, thảm thực vật này có tác dụng rất lớn trong việc giữ nước ở đầu nguồn hạn chế gây xói lở. Nếu không có thảm thực vật có thể gây thiệt hại rất lớn, ảnh hưởng không chỉ những vùng xung quanh mà còn ảnh hưởng dưới hạ du.

Ngoài ra, nó còn làm nước có độ đục cao, tăng lượng hóa chất xử lý nước, khiến chi phí về hóa chất, điện các nhà máy xử lý nước cấp tăng cao, đồng thời gây ra một lượng bùn rất lớn trong nhà máy  Đây là những thiệt hại mà người ta chưa tính tới. Nhiều nước thế giới phải chi rất nhiều tiền ra để khôi phục lại rừng trong khi đó mình lại đang phá rừng đi làm khu du lịch.

PV: Rừng có vai trò quan trọng đối với môi trường và biến đổi khí hậu. Vậy khi triển khai các dự án du lịch trên đất rừng, cần phải lưu ý những vấn đề gì?

Chuyên gia Nguyễn Trung Việt: Về nguyên tắc, phá 68 ha rừng làm thay đổi khí hậu nhiều lắm, chưa kể đến biến đổi khí hậu hay định lượng CO2, phát thải là bao nhiêu, chưa kể thảm thực vật dưới rừng như thế nào, việc cấp nước, nước xả thải ra sao. Làm du lịch cái duy nhất có được là tiền, còn lại tất cả đều hỏng.

Tiền có đi vào ngân sách Nhà nước đâu. Như vậy, nếu mà phá rừng, thiệt hại thì Nhà nước, những người dân lãnh đủ, những tai hại về cuối nguồn thì người dân lãnh đủ, còn lợi ích bên trên do việc phá rừng thì tư nhân hưởng. Nộp thuế bao nhiêu? Trốn thuế rất nhiều!

Đánh giá tác động môi trường vô cùng phức tạp, đòi hỏi không chỉ các chuyên gia về rừng, các chuyên gia về giao thông và chuyên gia về xã hội học. Bây giờ mỗi Bộ, ngành phải có những  lực lượng chuyên gia một cách độc lập.

Khi đánh gia tác động môi trường cần có những tính toán cụ thể, chi tiết, khách quan về những Hơn/ thiệt như thế nào trên các góc độ kinh tế, môi trường, biến đổi khí hậu và  xã hội. Nếu tính toán một cách minh bạch, thấy có lợi thì làm, còn nếu không có lợi thì không làm.

PV: Xin cảm ơn ông!         

Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), dự án "khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí số 13, Vườn quốc gia Tam Đảo" có địa điểm tại Vườn quốc gia Tam Đảo, thuộc địa phận xã Tam Quan (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) và xã Quân Chu (huyện Đại Từ, Thái Nguyên). 

Dự án xây dựng mới công trình khách sạn (225 phòng) và các khu bungalow thiết kế đạt tiêu chuẩn 4 sao.Tổng diện tích thuê môi trường rừng tại Vườn quốc gia Tam Đảo để thực hiện dự án là 35,7ha (thời hạn thuê 30 năm).

Dự án Khu du lịch sinh thái số 2 của Công ty cổ phần Nam Tam Đảo thuê 68 ha môi trường rừng đặc dụng tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ ngơi, giải trí với công suất 500 khách/ngày, tương đương 175.000 khách/năm.

Dự án dự kiến được chia thành hai giai đoạn, giai đoạn 1 xây dựng gần 60,2ha và giai đoạn 2 trên 7,8ha.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: Ngân hàng sẽ là ngành đi đầu trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định và rất kỳ vọng ngành Ngân hàng sẽ là ngành đi đầu, tiên phong trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số và công dân số.
Mới nhất