Mẹ trầm cảm sau sinh do con quấy khóc đêm: Làm sao để cải thiện?

03/10/2022, 12:22

122 nghiên cứu trên thế giới chứng minh tình trạng con quấy khóc đêm liên hệ mật thiết với tình trạng trầm cảm của người mẹ.

Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc trầm cảm sau sinh rơi vào khoảng 33% sản phụ. Nếu không được nhận biết và can thiệp sớm, trầm cảm sau sinh kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của cả mẹ và con, dẫn đến nhiều sự việc đau lòng.

Nỗi ám ảnh với phụ nữ sau sinh

Các nghiên cứu tại một số bệnh viện phụ sản trong nước cho thấy, đến 33% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh. Bệnh có thể khởi phát bất kỳ thời điểm nào trong vòng năm đầu sau sinh. Đáng nói, 50% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh không được chẩn đoán bởi chuyên gia y tế.

Viện Nghiên cứu Sức khoẻ Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, số bệnh nhân trầm cảm sau sinh đến khám chiếm khoảng 20-30% tổng số ca mỗi ngày. Còn tại Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, số bệnh nhân trầm cảm sau sinh đến khám và gọi tới tư vấn trong năm 2021 tăng lên khoảng 20% so với những năm trước.

Theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh đặc biệt ở những người có nguy cơ cao (từng bị trầm cảm, gia đình có người trầm cảm hoặc gặp vấn đề tâm lý khác…).

Đáng chú ý, trầm cảm sau sinh có tỷ lệ tái phát cao từ 25-68%. Đặc biệt, tới 20% các bà mẹ bị trầm cảm sau sinh cần phải can thiệp chuyên môn, nếu không có thể dẫn tới nhiều trường hợp đáng tiếc, đau lòng.

Mẹ trầm cảm sau sinh do con quấy khóc đêm: Làm sao để cải thiện? - 1

TS.BS Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương thăm khám cho bệnh nhân trầm cảm sau sinh.

TS.BS Thu chia sẻ câu chuyện từng gặp một bệnh nhân. Tháng 2/2022 vừa qua, chị H.T. (28 tuổi), sinh con lần thứ 2 được 2 tháng và bị trầm cảm sau sinh. Chị một mình tìm đến sự hỗ trợ tâm lý của TS.BS Thu vì lo sợ bản thân mình không kiểm soát được hành vi và có thể hại con.

May mắn hành vi của chị chưa để lại hậu quả. Điều đáng nói khi TS.BS Thu thông báo tình trạng bệnh của của H.T. rất nặng nhưng chồng chị không tin vợ mình bị trầm cảm. Người chồng khẳng định vợ mình hoàn toàn bình thường, nhất quyết không cho vợ nằm viện.

ThS.BS Nguyễn Minh Mẫn - Trưởng đơn vị Tâm lý Lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết từng điều trị cho những bà mẹ trầm cảm sau sinh nặng và mất kiểm soát về hành vi. Một vài trường hợp khác thì người mẹ sau sinh rạch tay tự tử, rạch bụng tự sát hoặc dọa tự tử. 

Mẹ trầm cảm sau sinh do con quấy khóc đêm: Làm sao để cải thiện? - 2

TS. BS Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương.

Các biện pháp tránh nguy cơ trầm cảm cho mẹ

Theo TS.BS Thu, nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ trầm cảm sau sinh như: thay đổi nội tiết, thay đổi hooc moon thay đổi về tâm lí, xã hội… Tuy nhiên, có đến 122 nghiên cứu trên thế giới chứng minh tình trạng con quấy khóc đêm có liên hệ mật thiết với tình trạng trầm cảm của người mẹ.

Trẻ quấy khóc đêm khiến cho phụ nữ căng thẳng nhiều hơn, là yếu tố thúc đẩy việc trầm cảm sau sinh bởi sau sinh, cơ thể người mẹ phải đối mặt với việc nồng độ estrogen và progesterone giảm mạnh đột ngột, khiến các bà mẹ nhạy cảm, dễ buồn phiền nhưng lại không được nghỉ ngơi. Thêm vào đó là những áp lực khi chăm sóc con và việc không được chia sẻ việc chăm sóc trẻ khiến bà mẹ không được ngủ đủ, mệt mỏi kéo dài dẫn tới cơ thể suy nhược, rối loạn tâm trạng, trầm cảm.

TS.BS Thu cho hay, trầm cảm sau sinh kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của cả mẹ và con, thậm chí người mẹ có thể tự hại bản thân hoặc hại con mình. Mẹ bị trầm cảm có khả năng cho bé ngừng bú sớm. Do đó trẻ dễ bị mắc các bệnh về tiêu chảy, truyền nhiễm. Việc trẻ quấy khóc đêm kéo dài sẽ khiến trẻ phải đối mặt với nguy cơ thấp còi, ảnh hưởng tới hệ miễn dịch và trí tuệ.

Mẹ trầm cảm sau sinh do con quấy khóc đêm: Làm sao để cải thiện? - 3

Trẻ quấy khóc đêm khiến mẹ căng thẳng, mệt mỏi, là yếu tố thuận lợi dẫn tới trầm cảm sau sinh.

BS Châu Tố Uyên - Bệnh viện Nhi đồng, giấc ngủ đặc biệt quan trọng đối với trẻ em vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tinh thần và thể chất. Trẻ sơ sinh dành tới 70% thời gian để ngủ và cần ngủ tổng cộng 10 đến 21 giờ mỗi ngày.

Trong giấc ngủ sâu, nồng độ hormone tăng trưởng tăng gấp 10 lần so với mức thông thường. Đồng thời giấc ngủ của trẻ sẽ củng cố bộ nhớ về vận động và củng cố bộ nhớ về thị giác, cũng như tăng sự dẻo của khớp thần kinh, nhờ vậy, giấc ngủ sâu sẽ giúp trẻ phát triển trí não, củng cố trí nhớ.

Nếu giấc ngủ không đủ cả về thời lượng và chất lượng, trẻ có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ chậm phát triển chiều cao, làm giảm khả năng ghi nhớ, tập trung và ảnh hưởng đến chỉ số IQ, hệ miễn dịch, tinh thần của trẻ nhỏ.

Điều đáng nói là trẻ có thể khóc vì nhiều lý do (chưa quen với môi trường ngoài bụng mẹ, do có những cơn co thắt nhu động ruột, do bất an về tinh thần…) nhưng nhiều mẹ cứ khi thấy bé khóc là cho bú, không cần biết trẻ khóc vì lý do gì. Nên khi mẹ ép trẻ bú sẽ không giải quyết được nhu cầu của trẻ khiến trẻ càng khóc lớn và mẹ càng mệt mỏi, mất ngủ, stress hơn.

Theo BS Uyên, việc ưu tiên khắc phục vấn đề con quấy khóc đêm cũng là một biện pháp hạn chế tình trạng trầm cảm sau sinh cho bà mẹ. Bên cạnh những nguyên nhân bên ngoài có thể tự khắc phục được như mẹ nên điều chỉnh nhiệt độ phòng để bé không bị lạnh quá hoặc nóng quá, kiểm tra và thay bỉm cho bé, không để bé bú no quá hoặc đói quá, quần áo mặc cho bé nên mềm mịn, không gây kích ứng khó chịu cho bé, mẹ nên tập trung giải quyết hai nguyên nhân bên trong khiến con quấy khóc đêm là căng thẳng về tinh thần và căng thẳng về tiêu hoá.

Nên cho bé nghe nhạc thư giãn, massage cho bé hoặc có thể dùng một số loại thực vật giúp bé ngủ ngon như lá tía tô đất, hoa đoạn lá bạc, hoa lạc tiên tây giúp cho trẻ an dịu tiêu hoá và tinh thần, giúp bé đi vào giấc ngủ nhanh, tăng thời gian ngủ sâu giấc hơn. Nếu thấy trẻ quấy khóc nhiều và kèm theo các biểu hiện bất thường như tím tái, khó thở…, gia đình nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ, kiểm tra sức khỏe cho trẻ.

Các chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên rằng các bà mẹ cần ngủ đủ giấc và dành thời gian chăm sóc bản thân, cần có những bài tập phù hợp giúp lấy lại được vóc dáng, sự tự tin. Sau sinh, phụ nữ cũng cần bước ra bên ngoài, hít thở không khí, tương tác với thế giới xung quanh để không bị tù túng trong 4 bức tường.

Bên cạnh đó, gia đình cần chia sẻ, chăm sóc em bé cùng bà mẹ. Nếu thấy người mẹ có dấu hiệu trầm cảm (mệt mỏi, buồn phiền, chán ăn, mất ngủ) thì cần được khám sớm tại các chuyên khoa tâm lý hoặc sức khỏe tâm thần.

Mẹ trầm cảm sau sinh tự rạch bụng: Cách đây không lâu, tháng 5/2022, chị T.T.B.T. (21 tuổi, sống tại Quảng Bình) Sau khi sinh con được 13 ngày, T chỉ ngủ được tầm 3-4h/đêm. T. luôn có cảm giác mệt mỏi, ít nói chuyện với mọi người hơn trước, hay khóc lóc, ăn uống kém và không để tâm tới việc chăm sóc con, T. luôn ám ảnh khi nghe con quấy khóc, không chịu ngủ. T. từng có hành vi dùng dao để tự sát, nhưng may mắn được người nhà phát hiện đưa vào Bệnh viện Cu Ba (Quảng Bình) cứu sống.

Mẹ trầm cảm sau sinh cùng con 3 tháng uống thuốc diệt cỏ: Một sự việc đau lòng nữa mới xảy ra vào tháng 8/2022, chị D. (27 tuổi, tỉnh Hà Giang) và con chị D. ( 3 tháng tuổi) được người nhà đưa vào Bệnh viện Bắc Quang trong tình trạng lơ mơ, vã mồ hôi, chân tay lạnh, hơi thở nồng nặc mùi thuốc diệt cỏ. Thông tin từ gia đình cho biết, sau khi sinh con được 3 tháng, chị D. có nhiều dấu hiệu trầm cảm, thay đổi tính cách và không nói chuyện với mọi người. Trong lúc gia đình không chú ý, chị D. đã cho con nhỏ 3 tháng tuổi và chính bản thân mình uống thuốc diệt cỏ, diệt nấm để kết thúc cuộc đời.

Minh Hằng
Bài liên quan
Làm rõ vụ nữ sinh lớp 12 ở Bình Phước bị bạn đánh đến tổn thương sọ, trầm cảm
Ngày 16/4, Công an thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước đang khẩn trương điều tra, làm rõ vụ việc nữ sinh lớp 12 bị bạn đánh khi đi học thêm, dẫn đến tổn thương sọ và trầm cảm nặng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: Chiến thắng Điện Biên Phủ là "một dấu mốc bằng vàng chói lọi"
Sáng nay (17/4), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/7/2024).
Mới nhất