Cách sử dụng cây đinh lăng tốt nhất cho sức khoẻ

29/08/2024, 20:10

VOVLIVE - Cây đinh lăng còn được gọi là "nhân sâm của người nghèo", dưới đây là cách sử dụng cây đinh lăng tốt nhất cho sức khoẻ.

Tổng quan về cây đinh lăng

Theo Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, cây đinh lăng được mọi người dùng để ăn như rau làm gia vị và chữa nhức đầu. Nhiều nơi thường lấy lá đinh lăng để nấu canh với thịt, cá bồi bổ cho sản phụ, người già hoặc người ốm mới dậy.

Cây đinh lăng lá nhỏ được coi là "cây sâm của người nghèo" bởi tác dụng chữa bệnh tuyệt vời của nó. Lá của cây đinh lăng thường được dùng dưới dạng thuốc sắc, rượu ngâm hoặc bột khô để chữa chứng ho, đau tức vú, tắc tia sữa, làm lợi sữa, chữa kiết lỵ và làm thuốc tăng lực, chữa chứng suy nhược cơ thể.

Rễ đinh lăng vị ngọt, hơi đắng, tính mát tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết, tăng cường sinh lực, dẻo dai, tăng cường sức chịu đựng. Trong y học cổ truyền Việt Nam, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác dùng rễ đinh lăng sao vàng, hạ thổ, sắc cho phụ nữ uống sau khi sinh đẻ để chống đau dạ con và làm tăng tiết sữa cho con bú.

Trong rễ đinh lăng chứa saponin tác dụng như nhân sâm, nhiều sinh tố B1, ngoài ra rễ còn chứa 13 loại axit amin cần thiết cho cơ thể, nhờ đó đinh lăng còn giúp tăng trí nhớ, tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Trong cuốn sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của giáo sư, tiến sĩ Đỗ Tất Lợi viết: “Đinh lăng cùng họ với nhân sâm, có các thành phần giống sâm. Ngoài ra, đinh lăng có những tác dụng dược lý tương tự như sâm”.

Đinh lăng là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền
Đinh lăng là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền

Cách sử dụng cây đinh lăng 

Bài viết của ThS.BS. Nguyễn Quang Dương (Phụ trách khoa Ung bướu - Bệnh viện Tuệ Tĩnh) cho biết, cây đinh lăng dùng làm thuốc thì càng lâu năm càng tốt. Cây có tuổi đời từ 10 năm trở lên quý như nhân sâm. Lá thường dùng ăn gỏi cá chữa đau bụng, giải độc có tôm. Phía bắc thường dùng lá ăn với thịt chó hoặc thịt mèo.

Theo y học cổ truyền lá đinh lăng tác dụng phát tán phong nhiệt, chữa đau đầu, cảm nắng. Dùng lá sắc đặc uống tác dụng tiêu nhọt, áp xe vú.

Lá sắc uống tác dụng điều trị tiểu máu, tiểu buốt dắt do viêm tiết niệu do sỏi.

Thân cây thái lát phơi khô rồi sao vàng hạ thổ dùng điều trị các bệnh lý về xương khớp, điều trị đau lưng mỏi gối, đau nhức các khớp.

Củ cây đinh lăng có giá trị cao, tác dụng bồi bổ cơ thể phục hồi tốt cho người mới ốm dậy, tốt cho tiêu hóa, làm mát cho cơ thể. Các thầy thuốc Đông y quý củ đinh lăng lâu năm như sâm cao ly.

Củ rễ cây đinh lăng sao vàng hạ thổ tác dụng điều trị viêm đại tràng mạn tính.

Một số đơn thuốc có đinh lăng

Bài 1: Chữa mệt mỏi cơ thể

Củ rễ đinh lăng thái mỏng, phơi khô 5 gam cho vào 100ml nước sôi ngâm 15 phút, uống chia 2 hoặc 3 lần trong ngày.

Bài 2: Thông tia sữa, căng tức bầu vú

Rễ cây đinh lăng 30 - 40 gam, thêm 500 ml nước đun sôi cô cạn còn 250ml. Uống nóng chia 2 đến 3 lần trong ngày, đến khi vú hết đau nhức và sữa chảy ra bình thường.

Bài 3: Chữa vết thương

Dùng lá cây đinh lăng giã nát, đắp vết thương.

Bài 4: Đau đầu, đau nửa đầu

Lá phơi khô sao vàng hạ thổ 100g, sắc với 100ml nước uống trong ngày.

Bài 5: Chữa lỵ đường ruột mạn

Đinh lăng rễ 30 gam sao vàng hạ thổ, rau sam một nắm sao vàng hạ thổ, cỏ sữa lá nhỏ một nắm sao vàng hạ thổ, búp ổi 7 ngọn với nam, 9 ngọn với nữ, lá trắc bách sao đen 50 gam, cây ba gạc 30 gam, cam thảo đất 30 gam. Sắc với 1 lít nước cô cạn còn 300 ml uống chia 2 lần trước ăn.

Lưu ý: Đinh lăng tốt cho sức khỏe nhưng cũng là một vị thuốc Đông y, để sử dụng đinh lăng an toàn nhất bạn cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia trước khi sử dụng.

Thanh Thanh(Tổng hợp)
Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Viêm thanh quản ở trẻ em trong mùa lạnh: Nhận diện, điều trị và phòng bệnh
Thanh quản là bộ phận tạo ra âm thanh khi nói, vì thế khi viêm thanh quản sẽ dẫn đến khàn tiếng, ho, khó thở và các triệu chứng khác, đặc biệt vào mùa đông khi thời tiết lạnh và độ ẩm cao.
Mới nhất