Mang họa vì nghe "bác sĩ TikTok" chích máu đầu ngón tay chữa đột quỵ

An Bình/VTC News | 27/04/2023, 10:07

Bác sĩ cảnh báo hiểm họa từ phương pháp chích vào 10 đầu ngón tay giúp bệnh nhân đột quỵ tỉnh lại đang lan truyền trên mạng xã hội TikTok.

Người dùng mạng xã hội TikTok đang truyền tai nhau về cách cấp cứu người bị đột quỵ: "Hãy đặt người bệnh nằm yên, sau đó lấy mũi kim tiêm hoặc kim khâu hơ nóng, chích vào 10 đầu ngón tay và nặn máu ra, dần dần người bệnh sẽ tỉnh lại…”. 

Không ít người làm theo hướng dẫn trên của “bác sĩ Tik Tok” và gánh hậu quả khôn lường. Hôm qua (25/4)  Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) tiếp nhận người bệnh 60 tuổi (trú tại Đông Triều) bị đột quỵ nhồi máu não với các dấu hiệu như nói khó, tê yếu nửa người trái.

Người vợ đã dùng vật nhọn chích vào toàn bộ các đầu ngón tay, ngón chân của chồng, sau đó nặn máu với hy vọng chồng sẽ ổn hơn. Sau chích máu 20 phút, anh được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện.

Tháng 3/2023, khoa Bệnh lý mạch máu não - Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) cũng tiếp nhận trường hợp người đàn ông 60 tuổi (ngụ Bình Dương) bị đột quỵ. Người bệnh liệt nửa người phải, gia đình tham khảo thông tin trên mạng và làm theo bằng cách lấy lưỡi lam cắt sâu các đầu ngón tay bên bị liệt.

Tình trạng không cải thiện, gia đình đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu. Kết quả, người đàn ông đột quỵ nhồi máu não bán cầu trái do tắc động mạch não giữa.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Dũng – Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, đột quỵ não là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và nguyên nhân chính gây tàn tật ở người trưởng thành.

Trong đột quỵ, thời gian là não, càng mất nhiều thời gian, càng mất nhiều tế bào não. Cụ thể, cứ mỗi phút trôi qua, chúng ta mất hơn 1,9 triệu neuron và 13,8 tỷ synap thần kinh. Người bệnh càng đến sớm bao nhiêu thì cơ hội hồi phục càng cao bấy nhiêu.

Nếu được điều trị trong vòng 90 phút từ lúc khởi phát, thì cứ khoảng 3 người được điều trị tái tưới máu, thì 1 người sẽ trở lại cuộc sống hoàn toàn bình thường. Nếu tiết kiệm mỗi 15 phút, thì cơ hội người bệnh có cuộc sống tự lập tăng thêm 4%. Do đó để không để mất thời gian, chúng ta phải khẩn trương đưa người bệnh tới cơ sở y tế điều trị đột quỵ, càng mất thời gian, người thân chúng ta càng có nguy cơ tử vong.

“Ngày nay, công nghệ phát triển mạnh mẽ nên mỗi người cần trang bị kiến thức cơ bản về sức khỏe. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt và thu nhận kiến thức đúng. Trong quá trình cứu chữa, các bác sĩ gặp rất nhiều trường hợp người thân hiểu lầm về cách cấp cứu bệnh nhân đột quỵ não, gây ra những điều tiếc nuối cho chính người thân của mình” – Bác sĩ Dũng nhấn mạnh.

Những hiểu lầm tai hại thường gặp về đột quỵ não:

- Người bệnh cần nằm bất động tại giường sẽ tự khỏi bệnh

- Chích nặn máu ở các đầu ngón tay, ngón chân

- Rạch nặn máu rái tai hai bên

- Bôi vôi dưới lòng bàn chân 2 bên.

Những việc làm trên gây mất thời gian không đáng có, làm chậm trễ việc đưa người bệnh tới cơ sở y tế, giảm cơ hội hồi phục của người bệnh. Hành động chích rạch, nặn máu là cực kỳ nguy hiểm. Vì nếu người bệnh nhồi máu não cấp đến viện trong giờ vàng sẽ được điều trị tái tưới máu bằng thuốc tiêu sợi huyết, điều này sẽ gây ra tình trạng chảy máu khó cầm, gây hại cho người bệnh./.

Bài liên quan
Ca đột quỵ tăng vọt dịp Tết, bệnh viện quá tải
Các bác sĩ cho biết chưa năm nào số ca nhập viện do đột quỵ tăng đột biến như năm nay, bệnh viện trong tình trạng quá tải xảy ra từ ngày đầu Tết Nguyên đán.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất