Theo Sohu, đột quỵ không chỉ xảy ra với người trung niên và cao tuổi, mà ngày nay, tỷ lệ người mắc đột quỵ là người trẻ tuổi rất nhiều. Đột quỵ hay còn gọi là “tai biến mạch máu não”.
9 thói quen xấu dễ gây đột quỵ nhiều người mắc phải
Dưới đây là những thói quen xấu dễ gây đột quỵ mà nhiều người mắc phải
Thức khuya
Khi thức khuya, đồng hồ sinh học của tim và mạch máu não bị rối loạn. Điều này làm cơ thể tiết ra quá nhiều adrenaline và norepinephrine khiến mạch máu co lại, hạn chế máu lưu thông, dẫn tới có nguy cơ đột quỵ.
Mệt mỏi và căng thẳng
Mệt mỏi thể chất và tinh thần căng thẳng quá mức dễ gây ra các bệnh về tim mạch, mạch máu não. Trong xã hội hiện đại, áp lực kép của công việc và cuộc sống luôn tạo ra năng lượng tiêu cực mỗi ngày, dẫn đến tinh thần căng thẳng. Khi tích tụ căng thẳng mệt mỏi đến một mức độ nhất định thì rất dễ bị bệnh.
Cảm xúc quá kích động
Trong một cuộc phỏng vấn với Nhật báo sức khỏe (Health Times) năm 2019, ông Tống Ân Phong – trưởng khoa Y học cổ truyền Trung Quốc thuộc Bệnh viện nhân dân Đại Học Vũ Hán cho biết, sự tức giận có thể gây hưng phấn thần kinh giao cảm, tăng huyết áp và nhịp tim. Điều này sẽ làm tăng gánh nặng cho tim và não, dễ dẫn tới tai biến mạch máu não đột ngột.
Lười uống nước
Những người không thích uống nước sẽ khiến cơ thể thiếu nước, máu có xu hướng đặc hơn, làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu. Đặc biệt vào mùa hè, bạn dễ bị đổ mồ hôi, mất nước trong cơ thể nghiêm trọng.
Bạn đừng đợi đến khi khát mới uống nước. Bạn có thể đặt một cốc nước cạnh giường và uống vài ngụm tầm nửa tiếng trước khi đi ngủ và khi thức dậy vào buổi sáng.
Ăn quá mặn
Chế độ ăn nhiều muối là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn tới huyết áp cao, đột quỵ. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều đường, nhiều chất béo cũng không tốt cho sức khỏe mạch máu.
Bạn nên hạn chế ăn quá nhiều mỡ động vật và thức ăn nhiều cholesterol như thịt mỡ, óc động vật, gan, trứng cá.
Hút thuốc
Hút thuốc có thể làm tăng 90% nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ và gần gấp đôi nguy cơ xuất huyết dưới nhện.
Thích uống rượu
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, so với những người uống ít hoặc kiêng rượu thì những người nghiện rượu nặng có nguy cơ đột quỵ tăng 22%. Liều thuốc an toàn nhất để tránh đột quỵ là nói không với bia rượu.
Ngồi quá lâu, ít vận động
Ngồi lâu mỗi ngày khiến con người dễ béo, máu lưu thông chậm lại. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, mạch máu não.
Khi bạn bắt đầu tập thể dục, bạn nên thực hiện từng bước một, cường độ vừa phải theo thể lực của bản thân. Nhiều người thường xuyên lười vận động, đột ngột tăng cường độ vận động dễ khiến cơ thể bị quá tải, gây thiếu oxy não và thiếu máu cục bộ cấp tính, dễ dẫn đến đột quỵ.
Béo bụng
Mỡ bụng tích tụ nhiều sẽ có hại cho sức khỏe. Béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch mà còn làm tăng nguy cơ ung thư. Theo khuyến cáo, vòng eo của nam giới không nên vượt quá 90 cm và của nữ giới không vượt quá 85 cm.
Nhận diện sớm các dấu hiệu đột quỵ qua quy tắc "BE FAST"
Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh (Thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam) chỉ ra cách nhận diện sớm các dấu hiệu đột quỵ qua quy tắc "BE FAST" như sau:
B (Balance - thăng bằng): Diễn tả triệu chứng khi bệnh nhân đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động.
E (Eyesight - thị lực): Thể hiện việc bệnh nhân bị mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của một hoặc cả hai mắt.
F (Face - khuôn mặt): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn.
A (Arm - cánh tay): Bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt một bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ hai tay lên và giữ lại cùng một lúc.
S (Speech - giọng nói):Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.
T (Time - thời gian):Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.