Lực lượng đô thị vừa đi, vỉa hè lại bị tái chiếm

Tự Minh/VOV2 | 23/07/2023, 10:46

Hà Nội ra quân bảo đảm trật tự đô thị, chống lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hiệu quả có thể thấy ngay lập tức. Nhưng vẫn còn tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” hoặc làm ngơ cho vi phạm liên tục diễn ra.

Hồ Hoàng Cầu (Quận Đống Đa) được kè đẹp, lát vỉa hè và trồng cây xung quanh, là nơi lý tưởng cho người dân các phố Mai Anh Tuấn, Hoàng Cầu, Nguyễn Hy Quang đi dạo và tập thể dục. Tuy nhiên gần đây, cứ đến chiều, các hàng quán lại mọc lên vô tội vạ, ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè, lòng đường và khu vực đi bộ ven hồ khiến người dân không còn chỗ để di chuyển.

Ông Nguyễn Văn Chinh sống tại phố Nguyễn Hy Quang, quận Đống Đa than thở: “Vệ sinh môi trường không đảm bảo, các hộ dân kinh doanh phần lớn xả thẳng rác xuống hồ làm ô nhiễm, hàng quán chiếm dụng hành lang đi bộ dưới hồ, làm cản trở giao thông. Cần quản lý nghiêm để lập lại trật tự vệ sinh môi trường”.

Tình trạng lấn chiếm khu vực hồ Hoàng Cầu diễn ra từ nhiều năm nay, thế nhưng vẫn chưa được các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm khiến nhiều cư dân sống quanh khu vực bức xúc. Quanh hồ Hoàng Cầu, tình trạng ô tô, xe máy đỗ tràn lan vỉa hè, lòng đường cùng với hàng quán mọc lên như nấm chắn ngang vỉa hè, khiến khu vực này thường xuyên ùn tắc. Người dân muốn đi bộ qua qua khu vực này phải lách người đi qua các hàng xe máy nối đuôi nhau, nem nép dưới lòng đường hoặc luồn lách đi trên vỉa hè, bên cạnh những bàn ghế nhựa được bày la liệt chắn ngang lối đi.

Chị Nguyễn Thị Mai, trú tại phường Ô Chợ Dừa chia sẻ: “Vỉa hè bị lấn chiếm thế này gây khó khăn cho các cháu nhỏ, ví dụ như con nhà mình, cháu bị chấn thương nên phải đi bằng xe lăn nên rất khó khăn trong khi di chuyển”.

Vỉa hè bị chiếm dụng, các hàng quán tận dụng mọi diện tích để xếp xe cho quán, khiến phần bờ kè dưới hồ trở thành lối đi và nơi tập thể dục, đi bộ của người dân. Bếp nướng, khói bụi xe giờ tan tầm quện vào nhau bốc nghi ngút khiến nhiều người dân bức xúc: "Không hiểu sao mà chính quyền không xử lý dứt điểm vấn đề này, để vậy rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông”.

Hồ Hoàng Cầu nằm trên địa bàn giáp ranh của 3 phường là Thành Công, Ô Chợ Dừa, Trung Liệt thuộc 2 quận là Ba Đình và Đống Đa dẫn đến công tác xử lý vi phạm gặp một số khó khăn nhất định. Trung tá Vũ Hữu Thái, Phó Trưởng Công an phường Thành Công, quận Ba Đình cho rằng, xử lý thì dễ nhưng muốn duy trì trật tự lâu dài thì vô cùng khó khăn.

“Chúng tôi sẽ tham mưu cho Ban chỉ đạo 197 tăng cường lực lượng đoàn thể, chính trị xã hội tham gia công tác duy trì, chống tái lấn chiếm. Sau giờ lực lượng chức năng nghỉ hoặc rút đi có lực lượng hỗ trợ tham gia giữ trật tự sẽ có tác dụng sâu hơn trong công việc giữ gìn trật tự đô thị”, Trung tá Vũ Hữu Thái cho biết.

Khi có lực lượng chức năng thì người dân chấp hành, khi vắng bóng thì lại tái lấn chiếm, gây ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị. Có thể thấy không chỉ riêng khu vực hồ Hoàng Cầu mà tại một số tuyến phố, tình trạng vỉa hè lộn xộn, nhếch nhác vẫn tiếp tục tái diễn như chưa hề có cuộc ra quân. Vỉa hè Hà Nội bao giờ mới được yên ổn?

Bài liên quan
Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk: Bức xúc việc chiếm vỉa hè, cấm đỗ xe
Tại nhiều tuyến phố ở trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), đang diễn ra tình trạng chủ nhà mặt tiền chiếm vỉa hè kinh doanh, tự ý treo biển cấm đậu, đỗ để ngăn cản các phương tiện khác dừng dưới lòng đường trước nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất