Đồ nội thất, đồ phong thủy, thờ cúng bày bán tràn ngập vỉa hè là tình trạng đã trở nên quá quen thuộc trên tuyến phố Y Jút, đoạn từ giao lộ với đường Phan Bội Châu đến giao lộ với đường Hoàng Diệu. Nhiều chủ nhà, chủ cửa hàng còn dựng biển cấm đỗ xe ô tô. Nếu người điều khiển không mua ở cửa hàng của mình, chủ cửa hàng sẽ ngăn việc đậu đỗ.
Anh Nguyễn Văn Quý, nhân viên bảo vệ một ngân hàng tại khu vực này, bày tỏ bức xúc vì sự cửa quyền phi lý đang diễn ra: “Đường này thì không có biển cấm đậu, đỗ xe ô tô, nhưng khách đậu đỗ vào ngân hàng giao dịch là họ đuổi ngay, không cho đậu trước cửa hàng, để cho khách hàng họ đến mua hàng đỗ. Trong khi đó đồ đạc, bàn ghế, ô dù… thì họ mang ra xếp đầy vỉa hè, chưa kể còn dựng nhiều xe máy thành dãy dài, gây cản trở người đi bộ. Việc này tôi thấy bất hợp lý, họ không những lấn chiếm vỉa hè buôn bán, còn chiếm luôn lòng đường".
Anh Mai Văn Chí, làm nghề lái xe công nghệ, thường xuyên đưa đón khách ở khu vực này cho biết: tình trạng chiếm quyền sử dụng vỉa hè và quyền cho đậu xe dưới lòng đường, gây ảnh hưởng lớn đến công việc của anh: “Tôi hay chở khách đến khu vực đường Y Jút, khách có việc mình dừng để xuống là họ ra đuổi ngay. Tôi cũng thấy họ để tùm lum đồ nào là bàn ghế, dù lớn che nắng, kín hết vỉa hè. Mình chỉ đậu một chút mà họ đuổi. Tôi thấy việc này không hợp lý, đường này là đường chung chứ không của riêng ai, đường nhà nước làm cho dân đi chung mà”
Ông Lê Minh Phúc – phó Chủ tịch UBND phường Thống Nhất công nhận tình trạng chủ nhà, chủ cửa hàng mặt phố chiếm dụng vỉa hè, ngăn cản đậu đỗ xe ở phần đường phía trước, đã diễn ra từ lâu trên các tuyến phố.
Theo ông Phúc, lực lượng chức năng đã nhiều lần nhắc nhở, truyên truyền chủ nhà, hay dùng biện pháp mạnh là tháo dỡ, tịch thu các biển cấm đậu đỗ xe do người dân tự ý dựng lên, nhưng tình trạng này vẫn tái diễn. Thời gian tới, phường sẽ làm quyết liệt hơn, để đảm bảo quyền lợi của mọi người cũng như đảm bảo cảnh quan đô thị.
“Tới đây, nếu các hộ tiếp tục như vậy chúng tôi sẽ chỉ đạo lực lượng công an xuống mời lên để xử lý, nếu không thay đổi thì lập biên bản xử phạt hành chính. Về cơ bản thì cứ phải tuyên truyền, vận động để họ chấp hành” - ông Lê Minh Phúc nói./.