Luật pháp quốc tế, hợp tác đa phương là chìa khóa giải quyết vấn đề Biển Đông

26/10/2023, 09:56

Đa số ý kiến khẳng định cho đến nay, ASEAN vẫn tiếp tục thể hiện vai trò trung tâm, cần tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt trong những vấn đề đòi hỏi có hành động và nỗ lực tập thể, trong đó có an ninh trên không gian biển.

Ngày 25/10, trong ngày đầu tiên của Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 với chủ đề “Thu hẹp vùng biển xám, Mở rộng vùng biển xanh” diễn ra tại TP.HCM, 4 phiên thảo luận chính đã đề cập nhiều nội dung quan trọng. 

Nghị sĩ Anne-Marie Trevelyan, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh phụ trách các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho biết, Việt Nam và Vương quốc Anh là đối tác gần gũi trong các vấn đề an ninh biển. Anh luôn mong muốn tăng cường quan hệ với các đối tác và ủng hộ phát triển bền vững và cùng ứng phó với những thách thức chung để bảo vệ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở; đồng thời khẳng định tăng cường cam kết với ASEAN và các quốc gia thành viên, vì hoà bình và ổn định tại Biển Đông.

Ông Martin Thümmel, Ủy viên phụ trách Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Liên bang Đức, bày tỏ quan ngại về tình trạng leo thang căng thẳng ở Biển Đông gần đây, đặc biệt là vụ việc tàu cảnh sát biển và tàu dân quân biển Trung Quốc đâm va các tàu của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ngày 22/10/2023. Ông Thümmel nhấn mạnh, việc xác định các vùng biển phải tuân theo quy định của luật pháp quốc tế, UNCLOS. Phán quyết Toà Trọng tài năm 2016 đã bác bỏ yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc, theo đó không có cấu trúc nào ở Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Trong phiên 1 “Biển Đông: Chặng đường 15 năm qua”, các đại biểu cho rằng, những năm gần đây, vấn đề Biển Đông đã xuất hiện nhiều yếu tố, khía cạnh mới như đa phương hoá, quốc tế hoá; quân sự hoá các vùng biển và khu vực chiếm đóng; luật pháp quốc tế trong quản lý tranh chấp…Biển Đông hiện nay được đánh giá là vấn đề quốc tế, có nhiều rủi ro xung đột hơn và nếu có xảy ra xung đột sẽ dễ bị leo thang mở rộng.

Đồng thời, các nước quan tâm hơn đến thúc đẩy các biện pháp quản lý tranh chấp, như tiến trình xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đang có một số tiến triển tích cực. Tuy nhiên, hiện nay còn tồn tại một số nội dung gây tranh cãi trong đàm phán COC, như phạm vi áp dụng, hiệu lực pháp lý, cơ chế thực thi, vai trò của bên thứ ba...

Thảo luận phiên 2 với chủ đề “Các nước lớn và Những trách nhiệm lớn: Hợp tác và cùng chung sống trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng?”, đa số học giả đồng tình vấn đề hòa bình, ổn định ở Biển Đông là quan trọng, ưu tiên của mọi quốc gia và mong muốn tránh xảy ra đụng độ, đối đầu tại khu vực. Tuy nhiên, tình hình Biển Đông đang trở nên căng thẳng hơn, đặc biệt trong bối cảnh trật tự thế giới có nhiều biến chuyển, năng lực tổng hợp của một số quốc gia thay đổi, cùng với đó là mong muốn xây dựng luật chơi mới phù hợp với vị thế nước lớn của mình. 

Có ý kiến cho rằng, hành động xây dựng mạng lưới các cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho phép kiểm soát khu vực Biển Đông là nhân tố tác động tiêu cực tới hòa bình khu vực trong tương lai. Một số học giả đề nghị các quốc gia vẫn có thể chia sẻ kinh nghiệm, cùng thúc đẩy hợp tác, minh bạch trong lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật ở khu vực Biển Đông.

Về “Cách tiếp cận đa phương về Biển Đông: Một xu hướng mới?”, trong phiên thứ 3, các chuyên gia tập trung thảo luận về xu hướng và vai trò của cách tiếp cận đa phương trong vấn đề Biển Đông, góp phần giảm thiểu các rủi ro, nhất là đối phó với hành động gây hấn của các nước lớn. Đa số ý kiến khẳng định cho đến nay, ASEAN vẫn tiếp tục thể hiện vai trò trung tâm, cần tiếp tục phát huy vai trò dẫn dắt trong những vấn đề đòi hỏi có hành động và nỗ lực tập thể, trong đó có an ninh trên không gian biển. Có chuyên gia gợi ý hợp tác kinh tế biển xanh (blue economy) là một hướng đi để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và quản lý bền vững biển và đại dương.

Về chủ đề “Cần một khuôn khổ pháp lý cho đấu tranh pháp lý?”, trong phiên 4, các học giả chia sẻ cách tiếp cận đa dạng về “chiến tranh pháp lý” và đồng tình rằng hiện nay, nhiều quốc gia sử dụng luật pháp như một công cụ để đạt được các mục tiêu chiến lược. Có ý kiến cho rằng tại Biển Đông, một số chủ thể đã sử dụng luật pháp, ban hành nội luật, diễn giải luật sai lệch theo cách thức “lựa chọn có lợi cho mình” để củng cố các yêu sách vùng biển không phù hợp với luật pháp quốc tế, làm xói mòn trật tự pháp lý trên biển. Đa số vẫn tiếp tục khẳng định luật pháp quốc tế, trong đó Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) là xương sống, khuôn khổ cho hành vi ứng xử của các quốc gia trên biển.

Hôm nay (26/10), Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 sẽ tiếp tục 4 phiên thảo luận chính về các chủ đề: “Vai trò của Cảnh sát biển trong tăng cường hợp tác ở Biển Đông”; “Thời điểm quyết định: Năng lượng truyền thống hay năng lượng tái tạo?”; “Cơ sở hạ tầng thiết yếu: Ý nghĩa chiến lược mới của công nghệ” và “Tiếng nói của thế hệ kế cận”.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Hùng tráng Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã diễn ra hùng tráng, trang trọng vào sáng nay (7/5) tại Sân vận động tỉnh Điện Biên (phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ).
  • Hải quân Nhân dân Việt Nam - 69 năm một lòng giữ biển
    VOVLIVE - 69 năm một lòng giữ biển, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã và đang lập nên nhiều chiến công xuất sắc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đồng thời trở thành Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, với đầy đủ các thành phần lực lượng, có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong tình hình mới.
  • Xô đổ mọi kỷ lục, giá vàng lập đỉnh mới 87 triệu đồng/lượng
    Giá vàng miếng sáng nay 7/5 lại lập đỉnh mới khi đạt 87 triệu đồng/lượng, đây là mức giá đắt nhất từ trước đến nay.
  • Hình ảnh diễu binh ấn tượng tại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm trọng thể 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" diễn ra vào 7h45 sáng nay (7/5) tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Những hình ảnh ấn tượng dưới đây được phóng viên VOV ghi lại trên sân vận động tỉnh Điện Biên.
Mới nhất