Làng nghề nhộn nhịp đón Tết

Tuyết Lê/VOV-Miền Trung | 07/12/2022, 07:47

Những ngày này, các làng nghề truyền thống như nước mắm Nam Ô, bánh khô mè, bánh tráng Tuý Loan… ở Đà Nẵng nhộn nhịp không khí sản xuất phục vụ thị trường Tết. Nhiều năm nay, thành phố Đà Nẵng luôn đồng hành hỗ trợ vốn, kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra, giúp họ yên tâm sản xuất.

Cả tháng nay, ngày nào vợ chồng ông Nguyễn Trường Hữu, ở xã Hoà Phong, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng cũng thức dậy từ 3 giờ sáng để xay bột nhóm lò tráng bánh, kịp bán cho bạn hàng.

Ông Hữu cho biết, để làm được một chiếc bánh thơm ngon thì nguyên liệu chính là gạo Xiệc thêm gừng, tỏi, nước mắm và đường. Mỗi ngày, gia đình ông sản xuất 1.000 chiếc bánh tráng, tương đương với 3 tạ gạo. Giá 1 chục bánh tráng loại nhỏ từ 60.000 đồng và loại lớn 170.000 đồng.

Ông Nguyễn Trường Hữu khoe, bánh tráng Tuý Loan có vị thơm đặc trưng, nếu ai đã một lần ăn thưởng thức loại bánh này thì khó có thể quên hương vị của nó.

“Trên 10 năm làm nghề bánh, năm nay lượng bánh tôi sản xuất nhiều, ngày trên 1.000 cái bánh, phải dậy từ 2 - 3h để làm. Các nơi họ đặt hàng nhiều ở Hà Nội, Sài Gòn. Tết sản xuất nhiều loại bánh để họ đi quà Tết” - ông Hữu chia sẻ.

Tại làng bánh khô mè Cẩm Lệ, những ngày này, bà con cũng nhộn nhịp sản xuất bánh phục vụ thị trường Tết. Anh Huỳnh Đức Son, chủ cơ sở sản xuất bánh khô mè thương hiệu “Bà Liễu Mẹ” ở phường Hoà Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng cho biết, ngày thường, cơ sở sản xuất 500 sản phẩm, nhưng trong dịp gần tết, người đặt hàng nhiều nên cơ sở sản xuất tăng lượng bánh lên hơn 3.000 sản phẩm.

Anh Huỳnh Đức Son giải thích, để có được những chiếc bánh khô mè thơm ngon, giòn tan mang nét riêng của người Đà Nẵng, phải trải qua nhiều công đoạn và bí quyết của làng nghề. Nguyên liệu làm bánh khô mè gồm bột gạo nếp, đường non, mè, gừng tươi ép lấy cốt, tất cả hoà quyện vào nhau làm tăng thêm mùi thơm ngon của bánh.

“Để đáp ứng nhu cầu trong thị trường ngày Tết, chúng tôi đã thuê thêm công nhân tăng ca sản xuất phục vụ nhu cầu của người dân, sản phẩm hiện nay được người dân cả nước đều biết đến mua về làm quà, thờ cúng. Các nhà phân phối cũng đặt mua để kinh doanh. Sản xuất chúng tôi chia làm 2 ca và ngày tết tăng lên 3 ca. Cơ sở được Trung Tâm Khuyến công, Sở Công thương hỗ trợ máy hấp bánh 54 triệu đồng" - anh Son bày tỏ.

Cơ sở sản xuất bánh khô mè thương hiệu “Bà Liễu Mẹ” đã tạo việc làm cho 50 lao động với mức thu nhập từ 6 - 12 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Hoà, làm việc tại đây cho biết, trước đây, chị làm công nhân, nhưng ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên mất việc làm, hiện nay được cơ sở sản xuất bánh khô mè thương hiệu “Bà Liễu Mẹ” tạo việc làm có thu nhập ổn định, trang trải trong gia đình.

“Cở sở bánh này tạo điều kiện cho mấy chị em hàng ngày, công việc làm liên tục cả tháng chứ không có nghỉ, tháng lương là 6 triệu đủ trang trải gia đình, nếu tăng ca thì lương cao hơn" - chị Hòa cho biết.

Những ngày cuối năm, các làng nghề như, nước mắm Nam Ô, bánh khô mè, bánh tráng Tuý Loan… đã nhộn nhịp sản xuất phục vụ thị trường Tết. Để bảo tồn và phát triển làng nghề, các ngành chức năng thành phố Đà Nẵng luôn quan tâm hỗ trợ các cơ sở sản xuất mua sắm thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất; kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra./.

Bài liên quan
Chủ tịch Quốc hội: Hướng về dân, lắng nghe dân để được lòng dân
Chiều 13/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện hiện Quy chế phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Những ký ức hào hùng không thể nào quên của cựu chiến sĩ Điện Biên
Những ký ức còn đọng mãi với thời gian của cựu chiến sĩ Điện Biên như tiếng chuông lịch sử vang mãi, nhắc nhở các thế hệ sinh ra trong hòa bình trân trọng công lao của các thế hệ cha anh đi trước đã ngã xuống để dựng xây hòa bình cho hôm nay.
Mới nhất