Dậy từ sáng sớm, chuẩn bị đồ nghề, anh Vũ Minh Phúc (thôn Phú Hào, xã Điền Xá) đợi người qua đón đi Hà Nội để sửa cây cảnh cho khách hàng. Theo anh Phúc, chuyến đi làm thuê này kéo dài khoảng 10 ngày, chủ vườn cây thỏa thuận sẽ trả tiền công thợ lên tới 1 triệu đồng/ngày và bao cả cơm ăn, chỗ ở miễn phí.
“10 ngày đi làm xa một chút, tôi đã có thể mang về cả chục triệu đồng. Sau đó, ở nhà cũng còn nhiều người hẹn đến làm, tuy tiền công thấp hơn nhưng cũng góp được một món kha khá, nên sau khi trở về tôi sẽ nhận lời làm cho những mối đó”, anh Phúc nhẩm tính.
Đồ nghề để đi sửa cây kiếm tiền của anh Phúc rất đơn giản, chỉ là vài chiếc kéo, cưa, đục…và không phải tốn bất kỳ đồng vốn nào.
Anh Phúc cho biết, không chỉ riêng anh, trong xã có rất nhiều người đều đặn kiếm tiền bằng việc đi sửa cây như thế. Nếu chỉ sửa quanh làng hoặc các xã bên cạnh thì cũng cho thu nhập từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Không chỉ thợ sửa cây mới có tiền mà ngay cả phụ nữ và trẻ em cũng có thể kiếm tới vài trăm nghìn đồng mỗi ngày bằng việc nhặt cỏ hoặc đi phụ thợ sửa chính.
Ông Đỗ Duy Quân (thôn Thượng, xã Điền Xá) cho biết, ông đang phải bỏ ra gần 3 triệu đồng mỗi ngày để thuê 3 thợ về cắt tỉa lại vườn cây của nhà mình.
“Mỗi ngày, tôi trả từ 700.000 dến 1 triệu đồng cho một thợ tùy theo công việc. Ở xã Điền Xá, người dân làm không hết việc. Ngay cả những phụ nữ tuổi cao cũng có việc phù hợp như cắt cỏ, dọn vườn…và kiếm được vài trăm nghìn mỗi ngày”, ông Quân nói.
Theo ông Quân, để tạo được cây cảnh đẹp thì phải mất vài năm cho một cây đơn giản và phải mất hàng chục năm cho các cây có thế, dáng phức tạp. Ban đầu, khi có ý tưởng, phải chọn giống, chiết cây. Khi cây lớn mới bắt đầu tỉa cành, tạo dáng. Thời gian này mất chừng một năm. Vì thế, cứ khoảng vài ba tháng, ông Quân lại phải thuê thợ về sửa, tạo dáng để cây được phát triển, tạo hình theo ý mình.
"Ngoài đam mê, vui thú thì người sáng tác phải dốc tâm huyết, tỉ mỉ, kiên trì uốn cành, tạo dáng cho từng chồi từng nhánh. Có khi phải mất nhiều năm mới hình thành một thế cây đẹp. Và để tạo ra một cây cảnh đẹp hoàn thiện có khi mất hàng chục năm", ông Quân cho biết thêm.
Trong khi đó, anh Phạm Văn Hải (thôn Trung, xã Điền Xá) những ngày gần đây đang đi thu mua các loại cây la hán về chỉnh sửa để bán trên mạng xã hội. Công việc này, giúp anh Hải kiếm từ 3 - 5 triệu đồng mỗi ngày.
“Tôi sẽ phải đi khắp các nơi trong tỉnh, thậm chí các tỉnh khác để thu mua cây. Sau đó về nhà thuê thợ tới cắt tỉa, tạo hình nghệ thuật. Mỗi ngày tôi sẽ livestream khoảng 5 tiếng để bán các sản phẩm cây đã hoàn thiện. Mỗi cây được bán, trừ hết chi phí vận chuyển, công thợ, tôi có thể thu về từ 1 đến 2 triệu đồng. Mỗi ngày tôi có thể bán từ 3 đến 5 cây”, anh Hải nói.
Với mức thu nhập ổn định, nhiều người trong xã Điền Xá dù có lúc đã đi làm nhiều công việc khác nhưng vẫn quay về với nghề cây cảnh. Theo người dân, thời xa xưa, thú chơi hoa, cây cảnh chỉ dành cho những gia đình quyền quý, giàu có nhưng ngày nay đã phổ biến đến nhiều tầng lớp, đặc biệt là những người yêu thiên nhiên, thích cỏ cây hoa lá, hướng tới cái đẹp.
Kinh doanh qua mạng đã giúp các nhà vườn, người làm cây cảnh duy trì kết nối với nhiều khách hàng hiện tại và cả các khách hàng tiềm năng mới mà họ chưa hề gặp mặt; dễ dàng nhắn tin trao đổi với khách hàng mà không tốn chi phí.
Ông Nguyễn Thế Lực, trưởng thôn Vị Khê, cho hay, 100% hộ dân trong làng hiện làm nghề cây cảnh. Trước đây, các hộ tự kinh doanh cá nhân hoặc thông qua Hội sinh vật cảnh xã Nam Điền. Giờ đã có hàng chục công ty được thành lập để thuận tiện ký kết với đối tác. Thu nhập bình quân đầu người đạt tới 90 triệu đồng/người/năm.